BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở Tài chính: Đề nghị cổ phần hoá Nhà máy gạo xuất khẩu Tây Ninh

Cập nhật ngày: 17/08/2013 - 05:38
HTML clipboard

Sở Tài chính vừa đề nghị UBND tỉnh xem xét cho Công ty Mía đường cổ phần hoá Nhà máy gạo xuất khẩu Tây Ninh với hình thức bán 49% phần vốn nhà nước hiện có, Công ty giữ 51% vốn nhà nước còn lại.

Tình hình kinh doanh lúa gạo cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng đang gặp khó khăn.

(BTNO) – Sở Tài chính vừa đề nghị UBND tỉnh xem xét cho Công ty Mía đường cổ phần hoá Nhà máy gạo xuất khẩu Tây Ninh với hình thức bán 49% phần vốn nhà nước hiện có, Công ty giữ 51% vốn nhà nước còn lại.

Theo Sở Tài Chính, UBND tỉnh giao cho Sở chủ trì tổ chức họp Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh. Tại cuộc họp này, lãnh đạo Công ty Mía đường cho biết, Nhà máy gạo giai đoạn I công suất 40.000 tấn gạo thành phẩm/ năm khởi công xây dựng vào ngày 28.12.2011, khánh thành đưa vào sử dụng ngày 19.9.2012. Tổng mức dự toán đầu tư là 93,50 tỷ đồng, thực hiện 80 tỷ và đang quyết toán công trình.Nguồn vốn đầu tư từ vốn tự có và vay Ngân hàng An Bình 30 tỷ đồng. Nhà máy đã được Bộ Công thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng phải đến tháng 2.2013 mới thật sự đi vào hoạt động.

Tình hình kinh doanh lúa gạo cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng đang gặp khó khăn, đầu ra xuất khẩu gạo hạn hẹp, gạo đang xuất vào thị trường Mỹ và tiêu thụ nội địa với sản lượng thấp, hoạt động của Nhà máy gạo đang trong tình trạng cầm chừng.

Bước đầu tiên thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty đã thoái vốn đầu tư vào Công ty cổ phần Hoá chất Tây Ninh 6,3 tỷ đồng. Nhưng do vốn đầu tư này nhỏ nên tỷ trọng điều chỉnh vốn đầu tư ngoài ngành không đáng kể.

Vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công ty tái cấu trúc. Đồng thời, theo kế hoạch sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp được Chính phủ phê duyệt thì Công ty sẽ cổ phần hoá vào năm 2015. Do đó, Công ty chọn Nhà máy gạo có vốn đầu tư lớn 80 tỷ đồng – chiếm 39% vốn điều lệ Công ty 205 tỷ đồng để thoái vốn đầu tư thông qua việc cổ phần hoá là phù hợp.

Việc thu mua lúa phải thông qua thương lái, chưa tiếp cận trực tiếp người nông dân. (Trong ảnh, ghe thu mua lúa cặp bờ sông Vàm Cỏ, khu vực Bến Sỏi, Châu Thành)

Mặt khác, do Nhà máy gạo mới thành lập nên chưa đủ điều kiện để gia nhập Hiệp hội Lương thực Việt Nam để hưởng ưu đãi về chỉ tiêu xuất khẩu gạo, các khoản hỗ trợ tài chính. Việc thu mua lúa phải thông qua thương lái, chưa tiếp cận trực tiếp người nông dân, trong lĩnh vực tiêu thụ lúa gạo chưa có khách hàng truyền thống với quy mô sản lượng giao dịch lớn và ổn định.

Để khắc phục những hạn chế này, cần thiết thông qua việc cổ phần hoá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực hoạt động ngành lúa gạo.

Trong cuộc họp Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, các thành viên đều thống nhất chủ trương cổ phần hoá Nhà máy gạo. Theo Luật doanh nghiệp, thẩm quyền quyết định việc này là UBND tỉnh.

Dự kiến, UBND tỉnh sẽ xem xét đề xuất của Sở Tài chính và Công ty Mía đường trong phiên họp thường kỳ tháng 8.2013 tới đây.

HY UYÊN

 

  


Liên kết hữu ích