Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 6.1, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và triển khai công tác tư pháp năm 2023.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Năm 2022, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL đã có những chuyển biến tích cực và đi vào nề nếp, cơ bản bảo đảm đúng trình tự, thủ tục ban hành theo quy định. Các dự thảo nghị quyết, quyết định trước khi được ban hành đều được Sở Tư pháp thẩm định, bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản.
Trong năm, Sở tham mưu UBND tỉnh thẩm định 56 văn bản, góp ý 310 văn bản; rà soát hằng năm 56 văn bản (26 nghị quyết, 30 quyết định), rà soát thường xuyên 47 văn bản (10 nghị quyết; 37 quyết định); tự kiểm tra 42 quyết định, kiểm tra theo thẩm quyền 48 văn bản (10 nghị quyết; 38 quyết định)…
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thực hiện đúng theo kế hoạch, chương trình cụ thể với nhiều hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Các tổ hoà giải ở cơ sở đưa ra hoà giải 451 vụ/459 vụ tranh chấp; trong đó số vụ hoà giải thành 406 vụ, số vụ hoà giải không thành hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 45 vụ, tồn 5 hồ sơ, rút 3 hồ sơ. Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp có văn bản chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho công tác hoà giải ở cơ sở, đặc biệt quan tâm bố trí đủ nguồn kinh phí chi thù lao vụ, việc hòa giải cho hoà giải viên; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho công tác này (kinh phí cấp cho công tác hoà giải ở cơ sở trong năm hơn 709,6 triệu đồng).
Công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước và đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện và hướng dẫn thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Đẩy mạnh việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP). Bên cạnh đó, ngành Tư pháp luôn quan tâm giải quyết kịp thời, đúng quy trình, thủ tục hộ tịch, quốc tịch, LLTP… phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.
Năm 2022, Phòng Tư pháp cấp huyện tiếp nhận và giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài gồm khai sinh 106 trường hợp; khai tử 9 trường hợp; trao giấy kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 376 đôi; ghi chú kết hôn 65 trường hợp, ghi chú ly hôn 91 trường hợp; cấp trích lục hộ tịch 1.007 trường hợp; cải chính 2.212 trường hợp.
Kết quả đăng ký hộ tịch tại cấp xã gồm khai sinh 29.602 trường hợp; khai tử 9.921 trường hợp; kết hôn 9.379 đôi; nhận cha, mẹ, con 269 trường hợp; nuôi con nuôi 17 trường hợp, trích lục hộ tịch 89.610 trường hợp; cải chính 2.065 trường hợp; xác nhận tình trạng hôn nhân 41.306 trường hợp (trong đó xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký nước ngoài là 649 trường hợp, kết hôn trong nước là 18.104 trường hợp; sử dụng vào mục đích khác 51.350 trường hợp). Sở Tư pháp tiếp nhận 9.060 hồ sơ, đã cấp 8.483 phiếu LLTP (95.5% cấp đúng hạn).
Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Văn Đặng phát biểu tại hội nghị.
Việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động các tổ chức bổ trợ tư pháp được quan tâm thực hiện, chất lượng đội ngũ luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, giám định viên… không ngừng được nâng cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 tổ chức hành nghề công chứng (3 phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp và 19 văn phòng công chứng) với 49 công chứng viên đang hành nghề; 11 công ty luật, 19 văn phòng luật sư, 11 chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư ngoài tỉnh và 101 luật sư thuộc Đoàn Luật sư Tây Ninh; 2 văn phòng thừa phát lại với 6 thừa phát lại đang hành nghề…
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Đặng - Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị trong năm 2023, toàn thể cán bộ, công chức, người lao động thuộc ngành Tư pháp cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL; nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, thẩm định văn bản QPPL nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của văn bản QPPL sau khi ban hành; triển khai thực hiện hệ thống hoá văn bản QPPL trên địa bàn giai đoạn 2019-2023 theo kế hoạch.
Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật để đánh giá sát, đúng thực trạng thi hành các văn bản pháp luật tại địa phương, trên cơ sở đóng kịp thời kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hình chính, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân.
Giám đốc Sở Tư pháp yêu cầu cán bộ, công chức ngành Tư pháp tỉnh nhà cần tiếp tục triển khai các chương trình, đề án về PBGDPL; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động PBGDPL, trợ giúp pháp lý phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng, hoàn cảnh cụ thể của địa phương.
Tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Hộ tịch, các quy định về hộ tịch, chứng thực. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bảo đảm vừa hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời, vừa kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức trong lĩnh vực bỗ trợ tư pháp.
Cải tiến lề lối, phương pháp làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp. Lãnh đạo các phòng Tư pháp cần tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với công tác tư pháp tại địa phương…
Dịp này, 2 tập thể, 1 cá nhân được Bộ Tư pháp tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua theo chuyên đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, vượt khó thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 cho Phòng Tư pháp huyện Dương Minh Châu, danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 2 tập thể, bằng khen cho 4 tập thể, 3 cá nhân.
Thiên Di