Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 21.11, Sở Xây dựng tổ chức hội nghị công bố, bàn giao hồ sơ Đề án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các sở, ngành, địa phương có liên quan.
Trước đó, ngày 24.9.2024, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1782/QĐ-UBND.
Theo đó, Đề án yêu cầu đánh giá hiện trạng bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và từng địa phương cho các giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, làm cơ sở quản lý, lập kế hoạch, triển khai công tác cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn một cách hợp lý; bảo đảm quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu hiện tại và dự báo các giai đoạn; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Đề án ưu tiên khu vực chất lượng, có giá trị khoáng sản cao, không được tác động đến cảnh quan môi trường và sinh kế của người dân, phải có đường vận chuyển thuận lợi và không ảnh hưởng đến giao thông, đời sống dân cư.
Ưu tiên các khu vực đất do Nhà nước quản lý, khu vực hồ chứa nước Dầu Tiếng (khu vực bán ngập) để chủ động quỹ đất thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; việc thăm dò, khai thác không làm ảnh hưởng đến công năng, bảo đảm an toàn công trình hồ đập, môi trường và giao thông, quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đa mục tiêu, bảo đảm an ninh, an toàn công trình và nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Phân bổ bảo đảm trữ lượng tài nguyên khoáng sản phục vụ khu vực phía Nam tỉnh, dọc các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án trọng điểm (cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Mộc Bài - Xa Mát, sân bay và các tuyến đường kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng, khu công nghiệp, đô thị theo quy hoạch tỉnh được duyệt), không gây tác động đến môi trường, định hướng phát triển đô thị và khai thác sử dụng có hiệu quả tiềm năng chất lượng khoáng sản của khu vực đưa vào thăm dò, khai thác.
Ngoài ra, Đề án quy định các khu vực thăm dò, khai thác không nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật; khu vực bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng, công trình công cộng; hiện trạng không phải là đất lúa hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có mục đích sử dụng không phải đất lúa; đất sản xuất không hiệu quả, đất xấu.
Bà Nguyễn Thị Thuý Nga – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Đề án nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và từng địa phương cho các giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án trọng điểm như: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cao tốc Mộc Bài - Xa Mát, sân bay và các tuyến đường kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng, khu công nghiệp, đô thị theo quy hoạch tỉnh được duyệt.
Nhi Trần