BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở Xây dựng: Sẽ rà soát tình hình sản xuất và nhu cầu đá xây dựng trên địa bàn tỉnh

Cập nhật ngày: 31/03/2011 - 05:30

Sản xuất đá xây dựng ở khu vực Đông Bắc núi Phụng

Trong quý I năm 2011 tiến độ xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh triển khai chậm so với kế hoạch và có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I năm nay giá trị khối lượng XDCB ước thực hiện được khoảng 180,7 tỷ đồng, chỉ đạt 13,6% so với kế hoạch cả năm và giảm gần 24% so với cùng kỳ năm 2010. Nguyên nhân do tình hình giá vật tư, nguyên- nhiên liệu biến động tăng trong những tháng đầu năm khiến cho nhiều công trình đang thi công phải giãn tiến độ. Đồng thời, nhiều nhà thầu còn cho rằng do trong tỉnh thiếu đá xây dựng nên phần nào làm cho công tác XDCB chậm tiến độ. Thực tế ra sao?

Theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 thì nhu cầu đá xây dựng trong năm 2010 trên địa bàn tỉnh vào khoảng 750.000m3 và đến năm 2015 sẽ là 1,2 triệu m3. Để lĩnh vực sản xuất đá xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu, tỉnh đã cho phép thăm dò khai thác đá xây dựng ở ấp Lộc Trung, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu. Đến năm 2010, những cơ sở sản xuất đá ở khu vực Đông Bắc núi Phụng vẫn được duy trì khai thác tận thu để cung ứng nhu cầu đá trong tỉnh với tổng công suất khoảng 340.000m3/năm. Đồng thời mỏ đá ở Lộc Trung đi vào hoạt động với công suất thiết kế khoảng 800.000m3 đá nguyên khối/năm- tương đương hơn 1 triệu m3 đá xây dựng/năm. Dự kiến mỏ đá Lộc Trung trong những năm đầu sản xuất chỉ khoảng 70% công suất thiết kế thì tổng sản lượng đá trong tỉnh sản xuất sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đá xây dựng trong tỉnh.

Vậy sao một số nhà thầu thi công XDCB lại cho rằng các cơ sở sản xuất đá xây dựng trong tỉnh không đủ cung ứng nên có một số công trình xây dựng bị chậm tiến độ? Theo Sở Xây dựng, quý I năm nay có thiếu đá xây dựng hay không chưa thể khẳng định được do chưa có con số thống kê chính xác về sản lượng đá sản xuất và sản lượng đá cần cung ứng cho các công trình. Thế nhưng dù cho các cơ sở sản xuất đá xây dựng trong tỉnh không sản xuất đủ đá cung ứng cho các công trình thì đó cũng không phải là lý do để xem như là một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ XDCB trong 3 tháng đầu năm 2011. Bởi vì trong hợp đồng thi công các công trình không có khoản nào buộc các nhà thầu phải mua đá xây dựng do các cơ sở trong tỉnh sản xuất mà chỉ đưa ra những tiêu chí về chất lượng mà thôi. Như vậy, nếu như trong tỉnh không đủ đá cung ứng thì các nhà thầu phải tự tìm mua ngoài tỉnh đưa về sử dụng- miễn sao chất lượng đảm bảo theo các tiêu chí đã đề ra. Tất cả các loại vật liệu xây dựng khác cũng vậy. Nguyên tắc là như vậy, nhưng tỉnh cũng hiểu là nếu phải mua đá xây dựng ngoài tỉnh đưa về thì chi phí thi công sẽ đội cao hơn do phải vận chuyển xa. Điều này có thể sẽ gây thiệt thòi cho nhà thầu nên sẽ có những nhà thầu không muốn mua đá ngoài tỉnh đưa về và như thế làm chậm tiến độ thi công. Do đó, tỉnh đã cho chủ trương quyết toán khoản chênh lệch khi phải mua đá ngoài tỉnh và việc cung ứng và quyết toán này sẽ do chủ đầu tư quyết định. Từ đó, Sở Xây dựng cho rằng dù các cơ sở sản xuất đá trong tỉnh trong thời gian qua có sản xuất thiếu đá cung ứng cho các công trình thì đó cũng không phải là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ xây dựng cơ bản.

Nhu cầu đá xây dựng làm đường giao thông rất lớn

Tuy nhiên, việc sản xuất đá xây dựng đủ cung ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh thì vẫn thuận lợi và giảm chi phí lĩnh vực XDCB hơn. Để có cơ sở chính xác khẳng định là nguồn cung ứng đá xây dựng trong tỉnh có đáp ứng đủ nhu cầu XDCB hay không, Sở Xây dựng cho biết sẽ tiến hành khảo sát lại tất cả các đơn vị sản xuất đá xây dựng trong tỉnh để thống kê tổng công suất thực tế. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đề xuất các sở, ngành, các huyện thị hỗ trợ cung cấp số liệu về nhu cầu đá xây dựng cho các công trình đang và sẽ thi công để thống kê nhu cầu đá xây dựng trong tỉnh. Qua khảo sát như vậy, Sở Xây dựng sẽ xác định được thực tế đá xây dựng trong tỉnh sản xuất có thiếu hay không và nếu thiếu thì là bao nhiêu. Từ đó, Sở sẽ có ý kiến tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương về việc thăm dò, khai thác thêm một số mỏ đá mới.

Theo định hướng trong Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 thì giai đoạn 2011- 2015, ngoài việc duy trì các mỏ đá khai thác tận thu ở khu vực Đông Bắc núi Phụng với công suất 200.000m3/năm và phát huy hết công suất mỏ đá Lộc Trung hơn 1 triệu m3/năm thì sẽ đầu tư khai thác thêm một số mỏ mới ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu và ở xã Tân Phong, huyện Tân Biên với công suất khoảng 300.000m3/năm.

S.T