Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Báo Tây Ninh
Sở Y tế: Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ
Thứ tư: 09:43 ngày 28/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau khi khảo sát tại cơ sở, ngày 23.2, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh có buổi làm việc với Sở Y tế về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023”.

Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản sau khi giải thể được chuyển giao cho Trường trung cấp Y tế để làm cơ sở xây dựng Trường cao đẳng Y tế.

Y tế công lập có cạnh tranh được với y tế tư nhân không?

Tại buổi làm việc với Sở Y tế, thành viên đoàn giám sát nêu một số vấn đề về việc thực hiện cơ chế tự chủ, việc tuyển dụng nhân lực cho ngành Y tế không đủ chỉ tiêu, chế độ đãi ngộ nhân viên y tế, tình trạng bác sĩ trẻ không muốn về tỉnh công tác? Cơ chế tự chủ hiện nay đã thực chất chưa, có đơn vị nào tự chủ hoàn toàn không? Ở địa phương từng có chuyện bác sĩ từ chối đứng đầu cơ sở y tế, cơ chế có đóng vai trò gì trong chuyện này không?

Giải trình một số nội dung, đại diện ngành Y tế cùng các đơn vị trực thuộc cho biết, giá dịch vụ y tế hiện nay chưa tính đúng tính đủ, đề nghị ĐBQH kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách. Về quyền lợi người tham gia BHYT, hiện nay người dân vẫn phải mua, sử dụng một số dịch vụ ngoài quy định so với danh mục thuộc BHYT chi trả.

Như vậy, nên chăng cần thông tin thật rõ, cụ thể về quyền lợi của người tham gia BHYT, để từ đó người bệnh giảm chi phí, đồng thời tăng tỷ lệ người tham gia BHYT. Chủ trương liên kết vùng (trong lĩnh vực y tế) cho thấy, dù cùng một chính sách nhưng việc vận dụng ở mỗi địa phương không hoàn toàn giống nhau.

Ngành Y tế cần bác sĩ nhưng phải là những bác sĩ có tay nghề tốt. Để ngành Y phát triển, phải làm cho cơ sở y tế công lập cạnh tranh sòng phẳng với y tế tư nhân. Vấn đề nguồn nhân lực, quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên y tế quá cao so với thực tế của mỗi địa phương.

Cũng có một thực tế khác, do chất lượng, trình độ, ngành nghề đào tạo, nhiều nhân viên tế không thể sử dụng trang thiết bị y tế hiện đại, trang thiết bị vì thế “khấu hao” theo thời gian. Về tiền lương, thu nhập, nhân viên y tế mới ra trường có mức thu nhập không cao, dẫn đến tâm lý chán nản

Sau khi giải thể phòng y tế (cơ quan chuyên môn cấp huyện), chuyển một số người có chuyên môn ngành Y làm việc tại văn phòng UBND huyện, thị để phụ trách công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này nhưng thực tế, có địa phương không có cán bộ, nhân viên y tế nào chịu về văn phòng UBND. Những người này hoặc xin nghỉ hưu hoặc chuyển đi nơi khác.

Đại diện cơ quan y tế cũng cho biết, lâu nay, tình trạng thiếu bác sĩ được đề cập nhiều nhưng thực tế cho thấy, y tá, điều dưỡng mới thiếu và ngành Y tế Tây Ninh cần nhân lực điều dưỡng hơn bác sĩ.

Việc sử dụng một số thiết bị y tế, do những thay đổi của Bộ Y tế, có trường hợp trước đây sử dụng được hiện nay lại không. Ví dụ dịch vụ kỹ thuật siêu âm tim, trước đây quy định chỉ học 3 tháng, nay tăng lên 6 tháng. Trong khi những người có chứng chỉ học 3 tháng hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ này. Vấn đề là, nếu sử dụng, BHXH sẽ không “duyệt chi” vì cơ sở y tế không ai có chứng chỉ học 6 tháng.

Theo giải thích, về mặt chuyên môn,  một bác sĩ có chứng chỉ siêu âm tim hoàn toàn siêu âm được các bộ phận khác, nhưng quy định hiện nay không cho phép. Điều này được các nhà quản lý bình luận rằng, đó cũng là một sự lãng phí nhân lực.

Phát biểu tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, sau khi giải thể phòng y tế, còn rất ít người làm việc ở văn phòng UBND cấp huyện để quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Việc giao cho trung tâm y tế làm công tác quản lý nhà nước về y tế là không đúng, vì đây là cơ quan sự nghiệp, không có chức năng quản lý nhà nước.

HĐND tỉnh khảo sát y tế cơ sở.

Hợp nhất nhiều đơn vị

Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, mạng lưới y tế tại cơ sở được củng cố, thực hiện đầy đủ theo chức năng của trạm y tế xã, phường, theo các tiêu chí quốc gia về y tế xã; từng bước triển khai hoạt động theo mô hình nguyên lý y học gia đình, quản lý và điều trị nhóm bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.

Ngành Y tế sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp tuyến tỉnh trên cơ sở cùng chức năng nhiệm vụ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, do đó đã giảm 5 đơn vị do hợp nhất, sáp nhập 6 đơn vị dự phòng tuyến tỉnh để thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Ngành rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố theo hướng thực hiện đa chức năng; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn; giảm 9 đơn vị làm nhiệm vụ dân số - kế hoạch hoá gia đình tại tuyến huyện trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá các huyện, thị xã, thành phố vào trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.

Ngành Y tế giải thể 2 phòng khám đa khoa khu vực (Tân Đông và Bình Thạnh), chuyển giao nhiệm vụ khám chữa bệnh của 2 phòng khám đa khoa này về cho các trạm y tế trên địa bàn để tiếp tục thực hiện;

Sau sáp nhập, cơ sở vật chất của các đơn vị đã chuyển để làm địa điểm xây dựng cơ sở của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (phường IV, thành phố Tây Ninh). Riêng cơ sở của Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản (phường 1, thành phố Tây Ninh) sau khi giải thể chuyển giao cho Trường trung cấp Y tế để làm cơ sở xây dựng Trường cao đẳng Y tế.

Đối với trụ sở cũ của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình các huyện: Có 5 cơ sở tại thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng và của các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu đã bàn giao cho UBND huyện, thị xã quản lý và sử dụng. Cơ sở của các huyện còn lại (Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và thành phố Tây Ninh) do trung tâm y tế cấp huyện quản lý và sử dụng.

Tinh giản biên chế

Thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, Sở Y tế đã chuyển dần số lượng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sang nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị.

Số lượng biên chế sự nghiệp do UBND tỉnh giao Sở Y tế năm 2015 là 3.200 người, năm 2018 là 3.098 người, năm 2021 số lượng biên chế viên chức sự nghiệp được giao 2.322 người. So với kế hoạch đề ra, biên chế sự nghiệp hưởng lượng từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015 giảm 878 người, (tỷ lệ 27,4%).

Đến năm 2023, số biên chế sự nghiệp được giao hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là 1.429 người; so với năm 2021 giảm 893 người, tỷ lệ giảm 38,4%. Giai đoạn 2018-2023, tổng số biên chế tinh giản là 106 viên chức.

Kết quả thực hiện cơ chế tự chủ

Thời điểm năm 2016, ngành y tế có 32 đơn vị sự nghiệp, phân theo mức độ tự chủ trong giai đoạn này có 1 đơn vị tự chủ tài chính, tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên; 19 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 12 đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

Đến năm 2021, do sắp xếp tổ chức còn lại 19 đơn vị sự nghiệp, trong đó có 4 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên (tỷ lệ 21%), 14 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, 1 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ (tự bảo đảm chi thường xuyên) còn hạn chế, tiến độ chậm, mức độ tự chủ chưa cao, nguồn kinh phí hoạt động của các đơn vị khám, chữa bệnh phụ thuộc nhiều vào nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nhiều yếu tố dẫn đến nguồn thu của các đơn vị chưa nhiều, việc cân đối nguồn thu tại các đơn vị có khó khăn, là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực hiện tự chủ tại các đơn vị khám, chữa bệnh chưa thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Việt Đông - Phương Thuý (lược thuật)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục