BAOTAYNINH.VN trên Google News

Soạn giả Thanh Hiền: Miệt mài với đờn ca tài tử, cải lương

Cập nhật ngày: 01/03/2011 - 11:31

Đờn ca tài tử là vốn quý trong di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam, có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân cư Nam bộ. Tuy có những giai đoạn thăng trầm nhưng đây vẫn là loại hình sinh hoạt bền vững trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

Tây Ninh là một trong 21 tỉnh, thành phố có sinh hoạt đờn ca tài tử và là một trong 15 tỉnh, thành phố được Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức toạ đàm và ghi hình về hoạt động đờn ca tài tử, lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đề nghị đưa loại hình nghệ thuật này vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đờn ca tài tử tại Tây Ninh được lưu truyền từ đời này sang đời khác, thường theo lối cha truyền con nối hoặc truyền ngón, truyền nghề. Chỉ có những nhạc sư có tay nghề cao, có tâm huyết mới có khả năng truyền nghề lại cho “môn sinh”. Ở Tây Ninh, một trong những người có tâm huyết với nghệ thuật đờn ca tài tử là soạn giả Thanh Hiền, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật. Ông là người đã tổ chức nhiều lớp dạy về  tài tử - cải lương cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này.

Soạn giả Thanh Hiền (trái)

Soạn giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng, sinh năm 1942, quê xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng. Xuất thân từ gia đình có truyền thống về đờn ca tài tử, ngay từ khi mới tám, chín tuổi, ông đã sớm tiếp cận loại hình nghệ thuật này. Năm 1958, ông tham gia kháng chiến. Tháng 6 năm 1961, ông theo Đoàn Văn công Giải Phóng về Đài Phát thanh Giải Phóng, sáng tác các bài đầu tiên: “Toàn dân phá ấp chiến lược” theo điệu Mẫu tầm tử, “Cho đời ta mãi đượm hương hoa” theo điệu Xang xừ líu. Trích một đoạn trong “Cho đời ta mãi đượm hương hoa” như sau: Em là cô gái nhà nông/ Sống bên ruộng đồng mênh mông/ Đời vui như đoá hoa hồng/ Bỗng một hôm, gót chân quân Mỹ Diệm/ Giẫm tràn lên quê em/ Căm thù, em vụt đứng lên…

Cùng năm, sau Đại hội Mặt trận I, ông đã gặp và học tập rất nhiều kinh nghiệm về sân khấu đờn ca tài tử, cải lương từ soạn giả Trần Hữu Trang- người có nhiều kịch bản nổi tiếng như: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Tấm lòng trinh... Cũng tại đây- chiến khu B của rừng Tây Ninh, bên dòng suối Đa Ha trữ tình, Thanh Hiền đã gặp danh cầm miền Tây - nhạc sĩ Mười Dõng với ngón đờn kìm tuyệt kỹ, ông đã lắng nghe và cố công học tập. Soạn giả Trần Hữu Trang cùng nhà văn Lý Văn Sâm thời ấy đã động viên, chỉ dẫn để Thanh Hiền viết bài phục vụ cho Đoàn Văn công Giải Phóng và Đài Phát thanh Giải Phóng.

Trong nhiều năm, soạn giả Thanh Hiền đã cùng đoàn văn công - sau này là tiểu ban Văn nghệ R (TW Cục) đi thực tế ở chiến trường miền Đông và miền Tây Nam bộ. Với  kiến thức đã học tại Trường Thông tin Báo chí Văn nghệ (năm 1963), sau này khi đã gắn bó với các phong trào văn nghệ địa phương ở các tỉnh miền Nam, soạn giả Thanh Hiền về Trường Văn Nghệ Giải phóng (B25) trực tiếp viết bài để phục vụ giảng dạy cho các đoàn văn công các tỉnh: Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Kiến Phong, Kiến Tường, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa...

Đến nay, tổng số tác phẩm đờn ca tài tử, cải lương của soạn giả Thanh Hiền đã có trên dưới 1.500 bài. Trong đó có những bài nổi tiếng trong kháng chiến như: Em bé Phú Riềng, Hai anh em người chiến sĩ Lộc Ninh, Vui kháng chiến, Du kích làng ta, Mẹ giữ lúa… Đây là những bài có trong tập “Vui kháng chiến” đã đạt các giải thưởng như: giải A Nguyễn Đình Chiểu, giải thưởng văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam (năm 1960-1965).

Với tài năng, kinh nghiệm của mình, soạn giả Thanh Hiền đã có nhiều đóng góp cho bộ môn sân khấu cải lương và nghệ thuật đờn ca tài tử của tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Với ông, đó chính là duyên nợ, để ông- gần như cả đời miệt mài với niềm đam mê ấy.

HỒNG HẠNH