Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Để thực hiện chuyển đổi số báo chí Việt Nam, nhóm nghiên cứu gồm PGS,TS Bùi Chí Trung, TS Phan Văn Kiền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhà báo Nguyễn Bá đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp.
Sửa luật cho phù hợp với thực tiễn
Theo TS Phan Văn Kiền, dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là nội dung quan trọng có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí.
Người dùng ngày càng có thói quen đọc tin tức qua di động.
Báo chí là nền tảng chính để tạo ra nguồn tài nguyên thông tin vô giá. Thực tế là báo chí có tác động tới đông đảo đối tượng công chúng trên khắp các vùng miền địa lý, ở nhiều lĩnh vực… Báo chí cùng các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò trung gian, ở giữa (Medium - Media - Mediated) như chất keo dính, kết nối mỗi cá nhân trong xã hội. Xã hội hiện đại không thể thiếu báo chí truyền thông.
Chuyển đổi số nói chung và chuyển đối số báo chí nói riêng là chương trình hành động mới và khó, thậm chí là rất khó và rất mới.
Trong sự phát triển của không gian thông tin hiện nay, việc bảo vệ thông tin cá nhân và mối quan hệ giữa thông tin cá nhân với báo chí phải dựa cùng lúc vào hệ thống của nhiều luật khác nhau như: Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, như: Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử…
Tuy nhiên, hiện nay, mỗi luật đang nhìn nhận vấn đề này ở các khía cạnh khác nhau, chưa đồng bộ. Do vậy trong bối cảnh truyền thông mới, trước thách thức về an ninh thông tin nói chung, an ninh thông tin cá nhân trên mạng nói riêng, cần nghiên cứu, xây dựng ban hành luật về bảo vệ thông tin cá nhân. Hiện nay, trên thế giới, có khoảng 40 quốc gia đã ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.
Theo TS Phan Văn Kiền, nói đến chuyển đổi số báo chí cũng đồng thời nói đến việc đổi mới hạ tầng công nghệ báo chí. Việc thúc đẩy các hạ tầng công nghệ mới phải dựa pháp luật về công nghệ phù hợp. Như vậy, cần thúc đẩy nhanh chóng tiến trình xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi và sớm xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.
Thực tế sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới; thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của môi trường truyền thông số mà trong đó hoạt động báo chí có vai trò quan trọng.
Hướng đến nguồn nhân lực số
Chuyển đổi số hệ thống báo chí không thể làm đồng loạt, đồng thời, theo một “công thức chung” để áp dụng máy móc cho tất cả các cơ quan báo chí. Tùy theo từng điều kiện, bối cảnh, trường hợp cần có những bài toán riêng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số báo chí truyền thông đáp ứng với thực tế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin.
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các trường đại học có chuyên ngành báo chí cần phải tiến hành cập nhật, bổ sung kiến thức vào các giáo trình, chương trình đào tạo các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số cho người học.
“Quan trọng hơn nữa, theo chúng tôi, cần mở các chương trình đào tạo cử nhân chuyên biệt cho ngành báo chí truyền thông số. Kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số cần được trang bị một cách hệ thống, bài bản theo chuyên ngành riêng bên cạnh việc cập nhật, bổ sung vào các chương trình đã có sẵn. Như vậy, trong tương lai, nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số báo chí mới đồng bộ cả về tâm lý sẵn sàng đối diện với nền báo chí số và kỹ năng để đáp ứng đòi hỏi công việc. Đó là một trong những vấn đề quan trọng để đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số báo chí quốc gia”, TS Phan Văn Kiền cho biết.
Nắm được xu hướng đó, nhiều đơn vị đào tạo báo chí truyền thông hiện nay đã và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để mở các ngành liên quan báo chí truyền thông số như Học viện Bưu chính Viễn thông đang hoàn thiện các nội dung để mở ngành báo chí số. Trường Đại học Khoa học Huế cũng đã hoàn thành việc thẩm định chương trình để đào tạo chương trình Truyền thông số.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã ban hành Quyêt định số 4033/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025; trong đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được giao phụ trách ngành Báo chí Truyền thông số. Hiện nay, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng đang trong quá trình xây dựng đề án mở ngành đào tạo thí điểm trình độ cử nhân Báo chí Truyền thông số và sẽ trình Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt trong tương lai.
Nguồn Báo Tin tức