BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sớm đưa các nghị quyết kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh vào cuộc sống 

Cập nhật ngày: 09/10/2023 - 07:37

BTN - Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh thông qua 13 nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, tài chính ngân sách, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên - môi trường.

Đại biểu HĐND tỉnh khoá X biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 9

HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa tổ chức thành công kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề). Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh thông qua 13 nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, tài chính ngân sách, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên - môi trường. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Quy hoạch sau khi được phê duyệt là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng và là hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chính thống để chính quyền các cấp của tỉnh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất quản lý và triển khai các kế hoạch kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn trên địa bàn, bảo đảm tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Đây là nghị quyết có nội dung rộng, yêu cầu tính khả thi cao, quá trình xây dựng quy hoạch được cấp uỷ, chính quyền tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng. Tại kỳ họp thứ 9, dự thảo nghị quyết thông qua quy hoạch tỉnh cũng là nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận, tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm giúp lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư- cơ quan được giao lập quy hoạch- xem xét, bổ sung vào nội dung nghị quyết.

Chiều 22.9, Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được HĐND tỉnh biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt thông qua quy hoạch tỉnh, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch được duyệt; Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Theo nội dung nghị quyết, phạm vi quy hoạch bao gồm ranh giới hành chính của tỉnh Tây Ninh; tổng diện tích tự nhiên 4.041,3km2; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, phía Tây và Bắc giáp ba tỉnh Svay Rieng, Prey Veng và Tbong Khmum của Vương quốc Campuchia.

Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh dựa trên 7 trụ cột: tiếp cận cân bằng có trọng tâm giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, điều chỉnh bằng công cụ chính sách; đặt tầm nhìn xa, lộ trình vừa sức và có tính linh hoạt cao; quản trị công với tinh thần doanh nhân; xây dựng “Tây Ninh xanh”; giảm lệ thuộc vào tài nguyên, phát triển thông qua hiệu suất; chủ động gia nhập thị trường; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh.

Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành điểm đến hấp dẫn để sinh sống và làm việc. Nội dung nghị quyết cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 về kinh tế, xã hội, môi trường, đô thị và kết cấu hạ tầng và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành một tỉnh kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, thương mại và du lịch phát triển, là cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tây Ninh được biết tới như một địa phương có chính sách quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường số hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững. Tây Ninh gia nhập cách mạng công nghiệp 4.0 và sẽ trở thành tỉnh có chất lượng cuộc sống cao toàn diện ở mọi mặt để thu hút và giữ chân người dân.

Tây Ninh phát triển dựa trên 7 chương trình đột phá chiến lược gồm: phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đột phá về thể chế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững: Tây Ninh xanh, phát triển du lịch và kinh tế dịch vụ.

Thành phố Tây Ninh nhìn từ trên cao (Ảnh: Tâm Giang)

Đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông, đô thị

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, hạ tầng giao thông, phát triển đô thị và các vấn đề đời sống dân sinh luôn là nội dung được cử tri quan tâm, phản ánh tới các tổ đại biểu, đại biểu HĐND hai cấp. Trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng cử tri và từ thực tiễn quản lý nhà nước, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh thông qua 13 nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, tài chính ngân sách, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên - môi trường.

Các nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023, một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được đông đảo cử tri quan tâm. Đây đều là các dự án nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt, tạo điều kiện kết nối với các vùng lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, có thể kể đến như dự án đường Trường Chinh (đoạn từ ĐT.781 đến đường 30.4) có tổng mức đầu tư trên 1.170 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2024-2027, bảo đảm thời gian bố trí vốn không quá 4 năm đối với dự án nhóm B.

Dự án được đầu tư với chiều dài khoảng 7,4km, có điểm đầu giao với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và ĐT.781 thuộc địa phận huyện Dương Minh Châu, điểm cuối là đường 30.4 thuộc địa phận thành phố Tây Ninh. Việc đầu tư tuyến đường này góp phần tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt, tạo điều kiện kết nối với các vùng lân cận.

Dự án chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ) trên địa bàn thành phố Tây Ninh có tổng chiều dài 4,6km, tổng mức đầu tư dự kiến trên 391 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2026.

Đây là tuyến đường đóng vai trò là trục đường chính khu đô thị trung tâm thương mại dịch vụ kết nối trung tâm thành phố Tây Ninh với các huyện, thị xã trong tỉnh. Hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến này chưa đồng bộ, vỉa hè xuống cấp, hệ thống cáp viễn thông chằng chịt, hệ thống thoát nước thường xuyên bị ngập vào mùa mưa… Do đó, việc chỉnh trang là cần thiết, góp phần quan trọng trong quá trình hiện đại hoá, bảo đảm mỹ quan không gian đô thị, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Tây Ninh.

Theo dõi kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri Bùi Văn Định (phường 1, thành phố Tây Ninh) cho biết: “Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét thông qua nhiều nghị quyết. Chúng tôi quan tâm nhất là nghị quyết về đầu tư công, trong đó có nhiều dự án đầu tư nâng cấp, chỉnh trang, hiện đại hoá bộ mặt đô thị của thành phố Tây Ninh.

Cụ thể là Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Trường Chinh (đoạn từ ĐT 781 đến đường 30.4); dự án chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ). Người dân thành phố Tây Ninh chúng tôi rất phấn khởi, mong sau khi nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, các dự án sẽ sớm được ngành chức năng triển khai bảo đảm tiến độ và chất lượng, tạo diện mạo mới cho Thành phố để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, thương mại, dịch vụ”.

Phương Thuý