Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sớm đưa vào hoạt động sàn giao dịch điện tử dành cho hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất
Thứ sáu: 18:46 ngày 08/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, thương mại điện tử phát triển với tốc độ nhanh chóng. Mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động mua bán hàng hóa, với đầy đủ các mặt hàng. Thực tế, một cá nhân có thể dễ dàng tạo ra một hoặc nhiều địa chỉ trên mạng xã hội để rao bán các sản phẩm và người mua cũng chỉ liên hệ với người bán hàng những địa chỉ trên mạng này.

Vì tất cả các giao dịch mua bán đều diễn ra trên mạng xã hội giữa cá nhân với cá nhân, nên thời gian qua đã xảy ra nhiều vấn đề phức tạp, do người bán giao hàng không đúng chất lượng như đã quảng cáo sản phẩm khi rao bán. 

Thậm chí có trường hợp đặt mua hàng trên mạng, sau đó người mua mới biết bị lừa vì người bán giao sản phẩm “nhái” hoặc không đúng sản phẩm mà mình đặt mua. Những trường hợp như vậy, người tiêu dùng không biết khiếu nại đến cơ quan nào về việc nhận phải sản phẩm kém chất lượng, còn liên hệ với người bán để phản hồi sản phẩm thì có khi phải nhận thêm bực tức do sự vô trách nhiệm của người bán.

Một Shipper đi giao hàng cho khách đặt mua hàng qua mạng- Ảnh minh họa

Anh Lộc (ngụ tại phường 3, thành phố Tây Ninh) cho biết, bản thân anh cũng là nạn nhân của việc mua hàng trên mạng xã hội. Thấy một địa chỉ bán hàng online quảng cáo giày mùa hè bằng chất da bò thật 100%, giá cả lại rất rẻ nên anh Lộc đặt mua 1 đôi. Thế nhưng, khi nhận được hàng, anh Lộc mới phát hiện đôi giày trên giả da, đế giày thì cứng, mang giày rất khó khăn khi đi lại.

Anh Lộc càng bực bội hơn khi biết đôi giày đó được bán đầy ngoài chợ cũng như vỉa hè với giá chỉ bằng 1 nửa giá anh mua trên mạng. Anh Lộc nhắn tin lại địa chỉ người bán đề nghị trả lại đôi giày nhưng không thấy người bán hồi âm lại.

Theo anh Lộc, nếu anh mua đôi giày trên qua các sàn giao dịch điện tử hiện nay thì anh có thể khiếu nại đến sàn giao dịch điện tử để nơi đây làm việc lại với bên cung cấp hàng hóa. Vì lỡ trót dại mua nhầm hàng đểu nên anh Lộc lấy đó làm bài học để cẩn trọng hơn trong việc mua hàng qua mạng. Anh Lộc cho rằng nếu tỉnh có được sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất để các hộ đưa sản phẩm lên sàn bán, khi đó người tiêu dùng mua hàng hóa qua sàn giao dịch điện tử sẽ có nơi để khiếu nại bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Thời gian qua, xu thế mua hàng qua mạng của người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng đô thị đã tăng lên. Người dân có thể mua hàng tại các cửa hàng mua bán có uy tín bằng cách điện thoại đặt hàng và được giao hàng tận nhà. Thói quen trên càng nâng lên trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Đại diện Co.opmart thành phố Tây Ninh cho biết, xu thế mua hàng qua điện thoại của người dân đã tăng khoảng 40% so với trước đây. Hiện nay đã có nhiều người dân ở thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành dần hình thành thói quen mua hàng điện tử. Theo đó, họ vào trang của siêu thị xem sản phẩm và điện thoại đặt hàng. Trong khoảng thời gian 1 giờ sau khi đặt hàng, siêu thị sẽ giao hàng đúng chủng loại và chất lượng hàng hóa mà khách hàng đặt.

Năm 2019 sàn thương mại điện tử Tây Ninh có hơn 2.500 giao dịch.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, công tác phát triển Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2019, đơn vị này đã thực hiện thông tin và mời tham gia các sự kiện, hội chợ triển lãm (ngoài tỉnh và quốc tế) tới các doanh nghiệp của tỉnh thuộc lĩnh vực có liên quan thông qua thư điện tử và trang tin điện tử của Trung tâm.

Đồng thời thường xuyên cập nhật, phổ biến tin hoạt động và các văn bản pháp luật mới về thương mai điện tử thông qua trang tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tây Ninh. Hiện nay, sàn giao dịch Thương mại điện tử Tây Ninh có 34 gian hàng của doanh nghiệp, với 98 sản phẩm và 46 khách hàng thường xuyên. Trong năm 2019 đã có hơn 2.500 giao dịch được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.

Trong năm 2019, đã tổ chức lớp “Đào tạo, tập huấn về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tự  cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” và  tập huấn “Đào tạo thương mại điện tử cho cán bộ quản lý nhà nước tỉnh”. Dự kiến, sắp tới tỉnh sẽ xây dựng sản giao dịch cho các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất 

Hy vọng, việc xây dựng sàn giao dịch diện tử cho các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất trong tỉnh sẽ sớm đưa vào hoạt động. Khi đó hoạt động thương mai điện tử của tỉnh ngày càng phát triển, các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng có được địa chỉ tin cậy để giao dịch mua bán hàng hóa.

Hơn ai hết, khi sàn giao dịch điện tử dành cho hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất ra đời, người tiêu dùng trong tỉnh sẽ có nơi bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình về chất lượng, sản phẩm hàng hóa, hạn chế tình trạng mua hàng qua mạng đầy rủi ro như tình trạng hiện nay.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục