BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sớm xử lý dứt điểm các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông 

Cập nhật ngày: 03/12/2022 - 22:11

BTNO - Hạ tầng giao thông, một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội được tỉnh chú trọng đầu tư với nhiều dự án giao thông trọng điểm. Thế nhưng, dù đầu tư bài bản vẫn có những vấn đề “chậm” so với sự phát triển chung, đặc biệt là nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại một số giao lộ trên địa bàn tỉnh.

Giao thông ùn tắc vào giờ học sinh tan học trên đường 30.4 tại giao lộ trường PTCS Trần Hưng Đạo, phường 2, thành phố Tây Ninh.

Tại các điểm giao thông được tỉnh lên phương án giải quyết ùn tắc như ngã tư An Bình, ngã tư Suối Sâu (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) vào giờ cao điểm mới thấy, khu vực này đã xảy ra ùn tắc giao thông chứ không còn là... nguy cơ.

Quốc lộ 22 là tuyến đường trọng điểm Tây Ninh đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. Vào giờ cao điểm, tại ngã tư Suối Sâu và ngã tư An Bình đều có tín hiệu đèn giao thông nhưng hàng ngàn phương tiện vẫn ùn tắc khi công nhân các khu công nghiệp Trảng Bàng và khu chế xuất Linh Trung III đi làm hoặc tan ca. Xe tải, xe mô tô chen chút cùng xe gắn máy, khiến tuyến đường dài khoảng 1km nhưng phương tiện phải đi thật chậm.

Anh Huỳnh Thanh Vũ, một tài xế điều khiển phương tiện xe tải chở hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh về Tây Ninh chia sẻ, cánh tài xế xe tải ngán nhất khi điều khiển phương tiện lưu thông trên tuyến đường này vào giờ cao điểm do tình trạng kẹt xe.

Nếu tại các ngã tư này có thiết kế cầu vượt hay là phân luồng cho phương tiện lưu thông theo hướng Tây Ninh đi Thành phố Hồ Chí Minh, phương tiện lưu thông vào khu công nghiệp, khu chế xuất thì có thể hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 ngã tư này.

Tại vòng xoay trường THCS Trần Hưng Đạo nằm trên đường 30.4 (phường 2, thành phố Tây Ninh) tình hình ùn tắc cũng xảy ra nghiêm trọng vào giờ học sinh đến trường và tan học dù UBND phường 2 có cử lực lượng bảo vệ dân phố hỗ trợ điều tiết giao thông. Tuyến đường 30.4 được xem là cửa ngõ chính đi vào thành phố Tây Ninh nên  mật độ phương tiện lưu thông cao. Vào giờ phụ huynh đưa đón con đi học, do trường nằm sát mặt đường, lại không có bãi đỗ xe, phụ huynh đậu xe tràn lan trên đường. 

Một điểm ùn tắc giao thông nữa không thể không nhắc đến đó là giao lộ ngã 5 đường CMT8- Lạc Long Quân – Lý Thường Kiệt – Cơ Thánh Vệ (thành phố Tây Ninh). Một người dân kinh doanh tại giao lộ này cho biết, dù có tiểu đảo điều tiết giao thông nhưng không giải quyết triệt để vấn đề trên, nhất là vào giờ cao điểm.

Chuyện va quẹt giao thông, tai nạn, cãi nhau khi va chạm tại giao lộ này là chuyện... thường ngày. Người dân địa phương đều mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp để xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại giao lộ ngã năm. Ngày thường vốn đã kẹt, vào những tháng cao điểm mùa du lịch, khi du khách về tham quan Tòa thánh Tây Ninh, tình trạng kẹt xe tại giao lộ ngã năm trầm trọng hơn.

Ông Trần Minh Tâm – Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, vào giờ cao điểm, tại 2 ngã tư An Bình và Suối Sâu, tình trạng kẹt xe kéo dài trên đoạn đường dài gần 2km. Vì thế, việc tỉnh nghiên cứu phương án xử lý tình trạng kẹt xe tại 2 ngã tư này là cấp thiết, vì phương tiện lưu thông ngày càng tăng nên tình trạng kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.

Vừa qua, tỉnh có giao ngành Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại các giao lộ có nguy cơ cao. Hy vọng các giải pháp sẽ được triển khai sớm để giải quyết tình trạng ùn tắc tại các "điểm nóng” về nguy cơ kẹt xe của tỉnh.

Thế Nhân