BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sống Ðạo để xây Ðời 

Cập nhật ngày: 17/10/2020 - 00:28

BTN - Mọi nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo đều được giải quyết kịp thời. Các hoạt động lễ nghi thấm đượm văn hoá, đạo đức, bản sắc dân tộc được khuyến khích phát huy. Nhiều năm qua, không có các vụ việc bức xúc tập thể hoặc phức tạp về an ninh trật tự.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh thăm Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa - Viện chủ hệ thống các chùa núi Bà Tây Ninh.

Hôm rằm tháng 8, tôi theo dòng người hành hương đi viếng Ðiện Bà. Cứ tưởng mùa dịch Covid-19 thì du khách thưa vắng. Ai ngờ, khách lên núi vẫn đông. Cổng vào nhà ga cáp treo đã nhộn nhịp một không gian lễ hội. Trung thu mà! Ðèn lồng đỏ vàng treo trĩu trịt cành cao cành thấp. Vào ga vẫn phải xếp hàng, ai cũng đeo khẩu trang phòng dịch.

Sân chùa Hang đông chật. Trong gian điện Bà dưới gầm đá núi vẫn nhấp nhô đầu tóc lạy Bà. Trong muôn ngàn lời khẩn cầu kia, thế nào chẳng có lời cầu mong các quý vị thần linh góp sức cùng con người đánh tan virus Corona, để miền quê núi Ðiện sông Vàm trở lại yên ổn làm ăn sinh sống.

Chiều ấy, tôi về Toà thánh, nơi có Ðại lễ Hội yến Diêu Trì cung, mà theo thông lệ là rất tưng bừng. Năm nay, ước tính người về Hội yến chỉ bằng phân nửa mọi năm. Ðấy là hai nơi trọng điểm, tiêu biểu nhất cho hai tôn giáo lớn ở Tây Ninh: Phật giáo và Cao Ðài. Ðến đâu, tôi cũng thấy một lối sống đạo, khoan hoà nhân ái. Ðể nhận ra người Tây Ninh thân thiện biết là bao.

Tại các dãy nhà rạp mới dựng lên quanh ngôi Báo Ân từ năm nay không còn các gian trưng bày quả phẩm của các tỉnh, thành trong nước. Chỉ với 74 gian của các họ đạo từ khắp nơi trong tỉnh nhưng vẫn là một bức tranh rộn rã sắc màu. Hoa và trái được tạo hình bắt mắt, thoả sức ngắm nhìn. Ðến trai đường, các lò nấu cơm và chảo thức ăn nghi ngút khói. Cơm phục vụ miễn phí ở Trai đường cũng có tới 5-7 món.

Các cô bác phục vụ áo dài trắng, tay đeo găng nylon đem đồ ăn tới tận từng bàn. Chung quanh đấy, còn rất nhiều quầy phục vụ bánh mì, nước ngọt. Tôi xin ly nước é trắng trong mát lạnh lòng tay, uống một hơi mà thoả cái khát giữa ngày trời chang nắng. Thấy tôi không ăn mà cứ đứng ngắm nhìn món mắm, một cô múc ngay ly mắm tặng đem về.

Tôi chợt nhớ có lần nghe nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Trần Lưu Quang nói chuyện, trong đó có câu đại ý: “Tây Ninh có 3 chữ T. Ðấy là Thân thiện, Tiềm năng và Tình nghĩa”. Tôi đã nghiệm ra, không ở đâu thấy rõ sự thân thiện của người Tây Ninh như ở các vùng có đông tín đồ tôn giáo sinh sống.

Ban Tôn giáo Tây Ninh cho biết toàn tỉnh có 5 tôn giáo chính, bên cạnh Phật giáo và Cao Ðài, còn có Công giáo, Tin lành và Hồi giáo Islam. Số tín đồ, tính đến cuối năm 2019 là 810.796 người, chiếm 69,3% dân số.

Nói đến tôn giáo thì trước hết phải là lễ nghi, lễ hội truyền thống. Người Tây Ninh hầu như ai cũng biết đến các lễ hội đặc sắc của quê mình. Phật giáo có Phật đản, Vu lan, Hội xuân núi Bà mùng 4 tháng Giêng, lễ hội vía Bà vào tết Ðoan Ngọ...; Cao Ðài cũng có 2 mùa đại lễ: Vía Ðức Chí tôn mùng 9 tháng Giêng (âm lịch) và Hội yến Diêu Trì cung (rằm tháng 8 âm lịch).

Công giáo, Tin lành ngoài mùa lễ Noel còn có lễ Phục sinh. Hồi giáo Islam có nhiều lễ hội trong năm, nổi bật là tháng chay Ramadan hay lễ Rayya Idil Alha vào các tháng 8 và 12 Hồi lịch... Vào dịp ấy, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền tỉnh, huyện lại đến hỏi thăm, chúc mừng từng cơ sở thờ tự.

Lễ hội tôn giáo ở Tây Ninh có sức lan toả mạnh mẽ tới cộng đồng. Vậy nên, thường thì người không theo tôn giáo nào cũng đến dự vui chung. Ai đã đến một lần thì những ấn tượng đẹp đẽ sẽ còn mãi mãi.

Làm sao quên những đêm rước múa tưng bừng cộ mẫu, rồng nhang và tứ linh cùng những tốp múa sắc tộc trên sân lễ đạo Cao Ðài. Cũng day dứt nhớ những ngày hội vía Bà trên sân chùa núi Bà với rộn rã thanh âm, chan hoà màu sắc.

Những chiếc mâm vàng thoắt ẩn thoắt hiện, trên đầu, trên tay các cô bóng từ nhiều nơi đến trổ tài. Chập múa Ðịa Nàng tưởng đã chìm vào quá khứ xa xăm, bỗng nhiên sống lại trước hang núi Ðiện Bà lung linh và rực rỡ…

Tôi cũng nhận ra, kiến trúc và nghi lễ các tôn giáo Tây Ninh luôn thấm đượm chất liệu dân gian truyền thống; không chỉ có chùa, mà nhiều ngôi nhà thờ mới xây cũng có bóng dáng “Mái chùa che chở hồn dân tộc”.

Nói về tôn giáo Tây Ninh, cũng là nói đến các hoạt động từ thiện nổi bật của các cộng đồng tôn giáo. Ðã thành truyền thống từ vài chục năm qua, các cơ sở thờ tự đều coi đây là hoạt động trọng tâm. Cứ đến lễ Phật đản, Vu lan, tết… là các chùa Phật đều tổ chức tặng quà cho người nghèo.

Những điểm sáng nhất là chùa Bà, chùa Cẩm Phong và Thiền Lâm- Gò Kén. Từ hàng chục năm qua, chùa Cẩm Phong nuôi dưỡng hàng trăm cụ già cô đơn, trẻ em mồ côi. Chùa núi Bà xây cả một ngôi trường tặng ngành Giáo dục Tây Ninh và duy trì bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Ða khoa hàng chục năm nay.

Chùa còn hỗ trợ xây nhà bán trú cho học sinh ở Hà Giang, Yên Bái; góp sức cùng lực lượng Kiểm ngư bảo vệ biển đảo, góp Quỹ khuyến học Vừ A Dính hàng tỷ đồng; rồi xây cầu cho miền Tây, xây trường học ở đảo Sinh Tồn (Trường Sa); hay sang cả Campuchia làm từ thiện…

Còn lại các cơ sở khác, dù là nhà thờ, thánh thất, thánh đường, đình miếu dân gian đều có các hoạt động từ thiện, cùng chính quyền, đoàn thể các địa phương xây dựng nông thôn mới và xoá đói giảm nghèo.

Chỉ riêng năm 2019, theo số liệu Ban Tôn giáo, số tiền dành cho các hoạt động này lên tới 65 tỷ đồng (trong đó, Phật giáo: 34 tỷ đồng, Cao Ðài: 28 tỷ đồng, Công giáo: 2,3 tỷ đồng và Tin lành là 700 triệu đồng).

Ngay trong đợt vận động của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc về phòng, chống dịch Covid-19, các tôn giáo góp được 3,4 tỷ đồng (trong đó: Cao Ðài: 1,17 tỷ đồng; Phật giáo: 1,5 tỷ đồng; Công giáo: 936,6 triệu đồng; Tin lành: 195 triệu đồng).

Du khách quốc tế tham quan Toà thánh Tây Ninh.

Có thể thấy, người dân Tây Ninh, dù theo tôn giáo nào cũng đều sẵn có truyền thống hàng trăm năm dũng cảm, kiên cường, đoàn kết chống ngoại xâm. Sau nữa là nhờ mối quan tâm sâu sắc của Ðảng bộ tỉnh luôn lãnh đạo các cấp, ngành, chính quyền, đoàn thể chăm lo phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự trong các vùng có đông người có đạo. Cơ quan tham mưu về tôn giáo luôn tổ chức các lớp phổ cập pháp luật cho tín đồ, chức sắc. Mọi nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo đều được giải quyết kịp thời. Các hoạt động lễ nghi thấm đượm văn hoá, đạo đức, bản sắc dân tộc được khuyến khích phát huy. Nhiều năm qua, không có các vụ việc bức xúc tập thể hoặc phức tạp về an ninh trật tự.

Ði trên mọi ngả đường Tây Ninh hôm nay, có thể thấy chùa chiền, thánh thất, điện thờ, thánh đường ngày một nhiều thêm. Ngay những vùng sâu, xa như Hảo Ðước, Thành Long cũng có những ngôi thờ mới. Sân chùa và Ðiện Bà trên núi được mở rộng. Chùa Thiền Lâm - Gò Kén đổi mới hơn nhưng vẫn giữ được ngôi chùa cũ- nơi làm lễ khai sinh ra đạo Cao Ðài...

Ði tới đâu, ta cũng dễ dàng tìm ra một tiệm cơm chay từ thiện hoặc một phòng chẩn trị, cấp thuốc Ðông y hoàn toàn miễn phí. Nhiều bác sĩ khi về hưu thì vào y viện của đạo Cao Ðài hoặc các phòng chẩn trị làm “công quả” cho dân. Cái tâm người có đạo toả lan. Nhiều nơi không phải vùng tôn giáo cũng có các “Cửa hàng 0 đồng” hay những bếp ăn miễn phí. Ở Tây Ninh, dường như đạo và đời đã hoà vào làm một, để tiến tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ghi chép: NGUYỄN QUỐC VIỆT