Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sông Cái Bát
Thứ bảy: 16:31 ngày 24/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nói đến Tây Ninh, ai mà chẳng nghĩ đến núi Bà Đen và sông Vàm Cỏ Đông- những địa danh đã rất quen thuộc với người Nam bộ.

Nhiều thế hệ từ kháng chiến đến nay vẫn thuộc những câu ca: “Vàm Cỏ Đông ơi hỡi dòng sông/ Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng/ Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng/ Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong”.

Sông Cái Bát.

Giặc đã “đi đời giặc” hơn bốn chục năm rồi. Nhưng “sông càng xanh trong” thì chưa chắc; nếu ta đi trên sông đoạn phía hạ nguồn.

Bạn muốn tìm một dòng Vàm Cỏ Đông thơ thới, xanh trong? Thì xin mời lên ngọn nguồn sông. Sông Vàm Cỏ trên ấy từng được gọi là sông Cái Bát. Cái tên này vẫn còn ghi trên vài tấm bản đồ Tây Ninh in trước năm 2001. Xuất xứ của nó có lẽ từ thuở dân ta chèo thuyền ngược dòng sông đi mở đất.

Cò nhạn trên sông.

Đến nơi mà nay được gọi là Vàm Trảng Trâu, sông nước bỗng được mở ra bát ngát, mênh mông. Vàm Trảng Trâu là một ngã ba sông. Cậy mái chèo là thuyền rẽ trái vào dòng sông Cái Cậy. Còn bát mái chèo thì thuyền rẽ phải, để lên tiếp những Phước Vinh, Hòa Hiệp của Tây Ninh… bên phía phải của dòng sông. Bên trái sông từ đây đã là nước bạn. Dòng sông biên giới vì thế có tên là sông Cái Bát, nay có người đã đọc trại đi là Cái Bắc.

Từ bến Trung Dân thuộc Phước Vinh, Châu Thành, nơi có trạm kiểm soát Biên phòng của đồn 839, ngược dòng khoảng cây số rưỡi thì đến đầu sông Cái Bát. Đây chính là khúc sông vui vẻ nhất của hơn 10 năm về trước vào khoảng tháng 5 dương lịch.

Tuần tra biên giới.

Khi ấy có những chùm trứng cá vện hồng nổi trôi về từ phía thượng nguồn. Đến đây thì trứng nở ra thành những cá con nhỏ như cái đuôi kim khâu, lăn tăn như bọt nước. Từng có hàng trăm ghe xuồng khắp tỉnh tụ về đây chỉ để hớt những cái bọt bé xíu trong veo kia. Có thương lái đợi sẵn, mua ngay vài chục ngàn mỗi cái bọt. Ngày hội cá ấy nay đã không còn, vì độ 10 năm qua thứ cá vện hồng quý hiếm không về nữa.

Giữa Vàm Trảng Trâu, tôi nhận ra mặt nước hồng hào như xôn xao những hạt phù sa. Chứ không phải “xanh trong, xanh biêng biếc” như trong thơ Hoài Vũ.

Chài lưới trên sông.

Bên nước mình vẫn vút cao thâm nghiêm mà óng ả những dải rừng. Bên bạn thấy nhiều rừng chồi lúp xúp, nổi bật vài cụm cây thốt nốt chơ vơ. Vài căn nhà ở đơn sơ mộc mạc chờm ra sát mí sông. Ngã ba mênh mông, mà vẫn có những vầng lưới của dân ta kéo cá. Lưới chung chiêng giữa sông như một đám mây vàng. Cũng có thể gặp vài chiếc xuồng con, chỉ một người đàn ông đang kéo lưới.

Bông Mã đề.

Sông Cái Bát trườn đi giữa đôi bờ cây gừa, dứa dại, lục bình xanh óng. Khi như vào rừng rậm với những tàn cây trĩu nặng dây leo và cả dây tơ hồng vàng óng. Đi sát bờ cây bên ta, thỉnh thoảng lại gặp những chùm dây hoa lộc vừng buông sập sè mặt nước; hoặc chói ngời sắc tím bằng lăng trên những cành cao. Còn bên bạn, rừng thưa thớt hơn. Bởi đây đó đã là những rẫy mì, bến thuyền có chiếc phà vuông chở nặng những bao hàng. Toàn củ mì đấy thôi, hoặc là than củi…

Lên tới gần Lò Gò, đã tới Vườn quốc gia, thì cảnh sắc rừng cây càng bí hiểm thâm u. Nhờ thế mà nhiều sắc hoa lạ chưa từng gặp cứ hồn nhiên khoe sắc.

Cũng lên tới đây, tôi mới biết có một loài hoa đã vào trong thơ ca Tây Ninh. Đấy là hoa Mã đề, thưa bạn. Nhà thơ Vân An từng viết trong bài thơ Ngược dòng sông Vịnh, là: “mặt sông nở trắng những bông mã đề”. Để tôi đã từng đi tìm hoa ở sông Vinh trong vô vọng. Vậy mà nay lại gặp ở Lò Gò. Hoa Mã đề giống như bông hoa Trà, nhưng sắc hoa trắng ngời tinh khiết, mà lá lại giống loài hoa súng, chiếc lá dài thuôn như dáng một bàn tay. Mã đề cứ thản nhiên xòe nở giữa làn nước trong veo in bóng mây trời.

Bến Năm Chỉ.

Nhưng điều thú vị nhất trên sông Cái Bát, là những bầy chim, thưa bạn. Nếu may, bạn sẽ gặp bầy cò nhạn, mà từ hình dáng đến kiểu lượn bay cứ y như loài chim hạc. Cái cổ vươn dài, đôi chân duỗi thẳng, đôi cánh nửa đen nửa trắng vẫy gió điệu đà, thanh thản, ung dung. Chúng cứ vô tư qua lại trên dòng sông biên giới; mặc cho những con tàu tuần tra biên giới đang tăng ga rú máy giữa dòng.

N.Q.V

Tin cùng chuyên mục