(BTNO)- Trong cơ thể đa khuyết tật của một nạn nhân chất độc da cam, Tạ Văn Hậu vẫn bền bỉ hun đúc một ý chí vươn lên đáng ngạc nhiên. Hậu “dám” ước mơ trở thành một thợ điêu khắc gỗ tài hoa.
Trong một xưởng gỗ nhỏ ở gần cửa ngõ vào thị trấn Tân Biên (Tây Ninh), những người thợ đang cần mẫn chạm chắc những tác phẩm gỗ mỹ nghệ. Hậu ngồi một góc, mím chặt môi, cố ghìm cái đầu khỏi lúc lắc, tập trung nhìn xuống khúc gỗ đang dần tượng hình ông Phật. Nhưng rồi cái cổ bị niễng một bên của Hậu lại lúc lắc sau một lúc tập trung.
Hậu đứng dậy, khập khiễng bước đi một lúc rồi quay lại, ngồi xuống bên cạnh thớ gỗ, mím môi ghìm những phản xạ lúc lắc của cơ thể. Đôi tay của Hậu kiên nhẫn đẩy chiếc đục khắc vào thớ gỗ. Những đường nét mềm mại không ngờ đã dần hiện lên. Vừa làm Hậu vừa đọc 4 câu thơ do chính mình sáng tác:
Tuy số phận trời cho mình vậy
Cố vươn lên để sống với đời
Không thể kém những người lành mạnh
Trời lấy đi cái này, thì cho lại cái khác mà thôi..
Từ cậu bé chăn trâu khuyết tật…
Tạ Văn Hậu sinh năm 1984, ở huyện Gio Linh, Quảng Trị, với những di chứng nặng nề của chất độc da cam: chân tay cong vẹo, cổ bị niễng một bên, mắt kém, cơ thể thường xuyên bị rung lắc…
Hậu làm việc miệt mài tại xưởng. |
Bằng giọng nói ngọng lắp bắp, khó nhọc, Hậu kể lại tuổi thơ khốn khó của mình. Suốt thời thơ ấu, Hậu là một đứa trẻ “cà dặt cà dẹo” và luôn bị bạn bè trêu chọc bởi vẻ ngoài khác biệt của mình. Đến năm 11 tuổi Hậu mới biết vịn cây tre chập chững tập đi. Có lúc Hậu cũng nổi khùng lên và muốn “chấp hết”, đánh trả những đứa trẻ đùa dai. Nhưng rồi như mọi lần, Hậu chỉ lắp bắp nói được vài câu không ai nghe rõ tiếng rồi ngồi khóc.
Nỗi mặc cảm suốt thời thơ ấu như một gánh nặng không dễ gì trút bỏ. Nhà lại rất nghèo, Hậu càng buồn hơn khi không thể giúp cha mẹ, anh chị đi làm ruộng. Hậu nghĩ rằng, cách duy nhất để trở thành người hữu ích là ráng học thật giỏi, dù rằng đến 11 tuổi Hậu mới được đi học.
Bà Nguyễn Thị Tám- Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Tân Biên cho biết, hiện Tân Biên có gần 100 nạn nhân chất độc da cam. Phần lớn họ đều gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với người khuyết tật nhẹ còn có cơ hội tìm việc và hòa nhập, nhưng với người khuyết tật nặng như Hậu thì rất khó. “Sự vươn lên của Hậu đã khích lệ rất nhiều cho chính các hội viên trong Hội và cho chúng tôi- những người làm công tác hội. Hậu được huyện Hội chọn làm điển hình vượt khó”- bà Nguyễn Thị Tám chia sẽ. |
Hậu tự đi đến lớp với sức vóc nhỏ bé, xiêu vẹo. Việc cầm viết đối với Hậu cũng rất khó khăn, chỉ tập trung một chút tay Hậu đã bị rung và không viết tiếp được nữa. Dù vậy, Hậu vẫn luôn cố gắng học đạt loại khá nhiều năm liền.
Đến năm thi vào lớp 10 trường THPT Gio Linh, Hậu làm bài một lúc thì tay bị run không viết tiếp được nữa. Năm ấy, Hậu trượt vì thiếu đúng 1 điểm. Suy sụp một thời gian, và sau đó em tập chấp nhận sự thật: “Mơ ước ai cũng có, nhưng tay tôi còn không cầm nổi viết thì học làm sao? Tôi nói với các anh chị hãy để tôi đi chăn bò. Ai cũng phải lao động mới có cơm ăn, tôi cũng vậy. Anh chị tôi gạt đi, nhưng tôi không muốn làm người vô tích sự”.
Từ đó, hàng ngày Hậu lùa đàn trâu, bò của gia đình và của anh em họ hàng đi chăn. Hậu thường xuyên đuổi theo không kịp đàn bò, nên gần như ngày nào cũng tối mịt mới lùa được cả đàn bò về nhà. Cả nhà ai cũng xót, nhưng không ai can thiệp nữa, bởi hiểu tính Hậu sợ nhất là cảm giác trở thành “người vô tích sự”.
Rồi mẹ Hậu mất, các anh chị phiêu bạt mưu sinh mỗi người mỗi ngả. Anh ba của Hậu là Tạ Văn Thuận vào tận biên giới Tây Ninh làm công nhân cạo mủ cao su. Nghe nói miền Nam dễ sống hơn đất nghèo Quảng Trị, Hậu xin vào tá túc chỗ vợ chồng anh trai để tìm một cơ hội.
… Đến ước mơ trở thành một nghệ nhân
Hậu vào ở chung với anh trai tại ấp Tân Đông 2, xã Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh) và đi cạo mủ, bốc mủ, chăn bò. Hậu không ngại thức khuya dậy sớm để có làm được khối lượng công việc như người bình thường. Với số tiền kiếm được mỗi tháng, chỉ đủ sống tằn tiện, nhưng Hậu đã tin rằng mình có thể tự lập thân không dựa vào người khác.
Sau thời gian đi làm, Hậu lang thang vào rừng, tìm những khúc gỗ, gốc cây có dáng đẹp, nhờ người vác về. Hậu nghĩ ra nhiều hình dáng cho khúc gỗ đó và bắt tay vào chạm trổ. Nhưng bàn tay từng không thể cầm viết, khi cầm đồ mộc để chạm khắc càng khó khăn hơn rất nhiều lần. Hậu cứ tỉ mỉ, cố gắng bởi Hậu đã có một ước mơ: trở thành nghệ nhân điêu khắc gỗ.
Hậu tâm sự: “Em có rất nhiều thời gian dành cho mình. Em không có vợ con để mà chăm lo, nên thích làm gì cứ ráng làm. Em cũng một, hai lần nhưng chỉ yêu đơn phương thôi. Không ai chịu quen em đâu. Người ta có yêu lại em cũng không dám lấy sợ làm khổ người ta. Nhưng chẳng lẽ thế rồi mình cứ sống uể oải cho xong?”.
Vì không chịu “sống uể oải cho xong”, Hậu đi tìm thầy dạy nghề. Hậu học trong 2 năm trời mới cầm được đục, đi được những đường thô ráp đầu tiên. So với các học viên khác, Hậu học quá chậm và hay làm hỏng. Nhưng đến khi thầy cho đóng những chiếc bàn ghế đơn giản đầu tiên, Hậu đã vui đến mức không ngủ được.
Sau đó, Hậu gặp anh Hà Văn Tân (chủ xưởng gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Tân Biên). Quý Hậu ở tính chăm chỉ, yêu nghề nên anh Tân muốn đào tạo tay nghề cho Hậu. Nhưng Hậu vẫn phải vượt qua “bài kiểm tra” của anh: mài hết mấy chục cây mài trong xưởng đã bị mẻ và mòn. Thấy Hậu vẹo người, tay run nhưng vẫn kiên nhẫn ngồi mấy ngày để mài, anh Tân không do dự nhận Hậu vào xưởng để dạy nghề và trả lương.
Anh Tân, chủ xưởng gỗ mỹ nghệ hướng dẫn cho Hậu hoàn chỉnh tác phẩm điêu khắc. |
Từ những mẫu vật đơn giản, dần dần anh Tân đã hướng dẫn cho Hậu làm tượng, tranh gỗ với mức độ khó hơn. Xưởng gỗ nhỏ của anh Tân không bảng hiệu, không phô trương nhưng đơn đặt hàng đến đều đặn. Những sản phẩm của Hậu hoặc có sự góp công của Hậu chưa bao giờ bị lỗi. Anh Tân vui một, Hậu vui gấp mấy chục lần. Đây là quãng đời mà Hậu cảm thấy “sống có ý nghĩa nhất”, và đã dám nghĩ đến những ước mơ lớn hơn.
Sống để vươn lên
Hậu cho biết đang dành dụm tiền cho một kế hoạch lớn trong đời: mở một xưởng gỗ mỹ nghệ và nhận đào tạo cho những nạn nhân chất độc da cam thiệt thòi như mình.
Biết được ý định của Hậu, anh Tân chủ xưởng không ngừng khích lệ, cổ vũ. Anh Tân cho biết: “Hậu rất chịu khó và đã tiến bộ rất nhiều. Bây giờ Hậu đã lành nghề rồi, nhưng cần trau chuốt để giỏi nghề hơn nữa. Tôi nghĩ những người như Hậu cần được tạo nhiều cơ hội. Nếu sau này Hậu không làm cho tôi nữa, tôi vẫn rất vui. Sau này, khi mở xưởng rộng hơn, tôi sẽ nhận các em bị câm, điếc vào cho học việc”.
Hậu vừa làm vừa ngân nga hát không biết mệt, dù không ai có thể nghe rõ Hậu hát gì. Hậu viết mấy câu thơ tặng riêng cho mình và những người Hậu yêu quý nhất với hy vọng mới trong mùa Xuân mới:
“…Mùa xuân đến rồi mọi người ơi
Xuân của đất trời hòa quyện lại
Hai chữ mùa Xuân mãi mãi tươi…”.
Hồng Minh – Sông Ninh