BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Sống được” bằng nghề may gia công

Cập nhật ngày: 18/03/2014 - 06:28

Nghề may gia công đã và đang giúp nhiều chị em phụ nữ xã Phước Ninh cải thiện kinh tế gia đình.

Tổ hợp tác may gia công do Hội Nông dân xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) đứng ra thành lập vào tháng 9.2013. Ban đầu tổ chỉ có 16 thành viên. Tài sản của tổ lúc đó là 16 chiếc máy may công nghiệp trị giá 200 triệu đồng do Hội tự bỏ tiền đầu tư.

Mô hình tổ hợp tác may gia công ra đời được rất nhiều chị em trong xã Phước Ninh đồng tình, hưởng ứng. Hội Nông dân xã đã phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Dương Minh Châu, Trường trung cấp nghề Nam Tây Ninh tổ chức 2 lớp dạy may cho 60 chị em phụ nữ trong xã.

Tham gia mô hình này, các chị em vừa có việc làm kiếm thêm thu nhập vừa vẫn trông nhà, trông con được. Tuỳ theo điều kiện của mình, các chị có thể may tập trung tại tổ hợp tác hoặc nhận hàng về nhà làm.

Để ổn định sản phẩm đầu ra, Hội Nông dân xã Phước Ninh đã trực tiếp ký hợp đồng với các công ty ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu toàn bộ sản phẩm của tổ hợp tác may gia công. Tham gia mô hình, kinh tế gia đình của các chị em tổ viên ngày càng được cải thiện, số người tham gia ngày càng đông hơn.

Đến nay đã có 39 chị đăng ký vào tổ thợ may. Số máy may cũng được bổ sung nhiều hơn, ngoài 16 chiếc do Hội Nông dân xã bỏ vốn đầu tư, còn có 23 chiếc do các hộ gia đình tự trang bị.

Thu nhập bình quân của các chị em tham gia mô hình tổ hợp tác may gia công cũng đã tăng lên so với buổi đầu, mức thu nhập của các chị hiện nay thấp nhất là 2,5 triệu đồng/tháng/người.

Chị Đặng Thị Út, 47 tuổi, ngụ ấp Phước Hội là một trong những người đầu tiên vào tổ hợp tác may gia công. Trước đây, chị Út sống bằng nghề làm ruộng. Năm nào nông sản được giá thì còn đỡ, những năm rớt giá coi như công cốc.

Chị tỏ ra hài lòng: “Đa phần chị em ở đây đều sống bằng nghề nông nên lam lũ, vất vả lắm. Nhờ nghề may gia công mà đỡ phải dãi nắng dầm mưa, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn”.

Chị Trần Hoa Phượng, 39 tuổi, ngụ ấp Phước Hiệp trước đây vốn là chủ một tiệm may nho nhỏ trong ấp hiện cũng đã tham gia tổ hợp tác may gia công. Chị so sánh: “Trước đây mỗi tháng tôi chỉ kiếm được khoảng hơn 1 triệu đồng. Nay tham gia tổ may gia công, thu nhập của tôi đã tăng lên khoảng 2,5 triệu đồng. Số tiền này đối với chị em phụ nữ nông thôn chúng tôi là khá lớn”.

Bà Lâm Thị Có- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh cho biết: “Từ khi tổ hợp tác may gia công ra đời và hoạt động, việc tập trung hội viên Hội Nông dân cũng dễ dàng hơn. Nhờ đó các phong trào hoạt động do Hội phát động đều được các hội viên ủng hộ và đạt kết quả rất cao. Trong năm 2014 này, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm 4 lớp dạy nghề may cho 120 lao động nông thôn. Sau khi học xong, học viên nào không có điều kiện tự trang bị sẽ được Hội Nông dân xã hỗ trợ bằng hình thức cho mượn máy may tập trung tại tổ hợp tác. Học viên nào có nhu cầu may tại nhà thì Hội sẽ giúp mua máy bằng hình thức cho vay ưu đãi từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm”.

Thực tế hiện nay, do số lượng người tham gia ngày càng đông nên tổ hợp tác may gia công xã Phước Ninh cũng đang đối mặt với những khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ.

HT