Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Hiện nay, bếp củi đã được cải tiến theo yêu cầu của cuộc sống. Bếp phải bảo đảm sạch đẹp, gọn gàng, tiết kiệm được chi phí. Từ nhu cầu thực tế đó, người thợ làm lò muốn sống được với nghề buộc phải theo thị hiếu khách hàng. Vậy nên sự ra đời của lò củi “cách điệu” làm bằng xi măng cũng có người mua, giúp cho thợ đúc lò ổn định nguồn thu nhập.

|
Anh Chính hài lòng với những sản phẩm mình làm ra.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, bếp điện, bếp gas dần thay thế bếp củi truyền thống. Tuy nhiên, thói quen nấu ăn bằng củi, vừa tận dụng cây khô lá rụng trong vườn nhà, vừa xông khói chống muỗi, và đặc biệt là nhiều người vẫn quan niệm món ăn nấu bằng củi khiến thức ăn ngon hơn nấu bằng điện, gas, nên bếp lò dùng củi nhờ thế mà không mai một. Cũng nhờ vậy, nghề làm lò và bán lò củi vẫn tồn tại, mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều người.
Hiện nay, bếp củi đã được cải tiến theo yêu cầu của cuộc sống. Bếp phải bảo đảm sạch đẹp, gọn gàng, tiết kiệm được chi phí. Từ nhu cầu thực tế đó, người thợ làm lò muốn sống được với nghề buộc phải theo thị hiếu khách hàng. Vậy nên sự ra đời của lò củi “cách điệu” làm bằng xi măng cũng có người mua, giúp cho thợ đúc lò ổn định nguồn thu nhập.
Ví dụ như trường hợp của anh Nguyễn Văn Chính, người có thâm niên trong nghề làm lò gần 15 năm nay. Hiện gia đình anh sản xuất lò đốt củi cải tiến tại số 69, ấp Thạnh An, xã Thanh Bình, huyện Tân Biên. Trước đây nhà anh rất nghèo, nghề nghiệp chính của cả gia đình là đi làm hồ.
Một hôm anh nghe chủ nhà than vãn về chuyện cái bếp lò. Hỏi ra anh mới biết gia đình họ vẫn muốn nấu ăn bằng bếp củi nhưng lại sợ ám khói, đen tường, mà làm nhà bếp riêng thì không đủ chi phí.
Anh Chính mới nảy sinh ý định làm ra một kiểu lò nấu bằng củi, nhưng lại hạn chế tối đa việc khói bám đen nhà. Sau vài lần làm thử lò đốt củi cải tiến từ lò truyền thống, anh thấy có hiệu quả nên mới chuyển sang sản xuất đại trà để bán.
Lò đốt củi của anh Chính được làm bằng xi măng, cát, đá mi, sắt và ống khói mua từ các lò gốm. Anh Chính cho biết: “Mỗi nơi có một kiểu khác nhau, tuỳ theo sở thích thẩm mỹ của từng vùng. Tôi thích làm kiểu bếp hình tròn, nhưng có những chỗ khác lại thích làm hình vuông.
Lò này thường dùng chảo thủng đáy kèm theo để nấu cho vừa với kích cỡ các nồi. Thợ làm lò phải nắm rõ kích cỡ của các loại xoong nồi mà khách hàng hay dùng. Việc này một mặt giúp cho khách hàng giảm thiểu chi phí mua thêm chảo thủng đáy, mặt khác người thợ cũng bán được hàng”.
Quan trọng nhất là lò nấu phải bền và không bị nứt. Lúc mới vào nghề, anh Chính làm lò cũng hay bị nứt, nhưng giờ thì đã khắc phục được yếu điểm này. Có nhiều bí quyết để làm lò, anh chỉ chia sẻ một trong những bí quyết đó là sàng cát phải lọc kỹ những hạt sạn. Nếu còn sót sạn trong cát thì khi lò nóng đến một nhiệt độ nhất định sạn sẽ bị nổ gây nứt lò.
Cái lợi của lò đốt củi kiểu này là gọn, sạch, đẹp, giữ được hơi nóng lâu, không sợ gió, dễ lấy tro và gần như đưa được hướng khói bay ra khỏi nhà bếp theo ý của người dùng. Có thể đặt bất cứ chỗ nào thuận tiện, quan trọng là khâu thiết kế ống dẫn để đưa khói thoát.
Đặc điểm của lò là khi đặt nồi lên bếp không còn kẽ hở, chỉ có một cửa đưa củi đốt vào và cửa còn lại để hơi khói rút theo ống bay ra ngoài. Chính vì lò được thiết kế để giữ hơi nóng nên chỉ cần đốt ít củi là có thể chín cơm.Tuy nhiên, do được đốt bằng củi và cải tiến từ lò truyền thống nên vẫn chưa khống chế được 100% lượng khói, nhất là khi mới nhóm lửa.
Lò của anh Chính hiện nay được bán đi nhiều xã trong huyện Tân Biên, cũng có khách hàng từ các huyện khác tìm đến mua. Sản phẩm này bán chạy hay không là do khách hàng giới thiệu truyền tai nhau hoặc cho số điện thoại của chủ lò.
Nên người đúc lò muốn sống được với nghề buộc sản phẩm làm ra phải chất lượng. Tuỳ theo lò đơn hay lò đôi, lớn hay nhỏ mà giá bán dao động từ 200 đến 800 nghìn đồng/lò.
Trung bình mỗi tháng anh bán được 15 lò. Bán chạy nhất thường là lò đôi, khách hàng mua về để nấu đồ ăn sáng như hủ tíu, bánh canh... Trừ tiền vốn và chi phí vận chuyển (có khách yêu cầu giao hàng tận nơi), mỗi tháng gia đình anh thu nhập được khoảng 6 triệu đồng.
Anh Tống Văn Đực, ngụ tại tổ 5, ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu cũng sản xuất lò cải tiến nấu bằng củi. Anh Đực làm lò theo kiểu hình vuông và có ốp thêm gạch men cho đẹp. Anh Đực mới vào nghề chưa lâu nên khách quen chưa nhiều.
Tuy nhiên, gia đình anh cũng sống ổn định được với nghề. Anh Đực cho biết: “Trung bình 3 ngày tôi làm được bốn lò, bán hàng cũng tuỳ theo thời điểm, có tháng chỉ bán được 2 đến 3 lò, nhưng cũng có tháng được 5 đến 7 lò. Nếu có vốn, tôi sẽ thuê thêm nhân công và mở rộng sản xuất, chắc chắn khách hàng sẽ nhiều hơn”.
Khi được hỏi vì sao lại chọn và theo nghề này, cả anh Chính và anh Đực đều có chung suy nghĩ: nhân sinh bách nghệ, không làm nghề này thì làm nghề khác, nhưng lại thích nghề mang đến hơi ấm, bữa cơm ngon và làm đẹp nhà bếp cho mọi người.
Quốc Sơn