Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nước Pháp hôm 10-6 bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử lập pháp theo sau quyết định bất ngờ của Tổng thống Emmanuel Macron một ngày trước đó.
Tổng thống Macron đã kêu gọi bầu cử sớm sau khi Đảng Phục hưng của ông thất bại nặng nề trước Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Theo trang Euronews, bước đi trên được xem là canh bạc lớn đối với tương lai chính trị của ông Macron. Một kết quả bất lợi có thể trao cho phe cực hữu quyền lực chính trị lớn, đồng thời làm suy yếu 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron.
Theo kế hoạch, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 30-6 và vòng hai vào ngày 7-7. Reuters nhận định kết quả bầu cử có thể sẽ phụ thuộc vào việc cử tri cánh tả và trung hữu quyết tâm ngăn phe cực hữu nắm quyền đến mức nào. Đảng Phục hưng hiện nắm 169/577 ghế hạ viện.
Với RN, con số này là 88. Nếu RN giành đa số, ông Macron vẫn nắm quyền quyết định về quốc phòng và chính sách đối ngoại nhưng mất quyền thiết lập chương trình nghị sự trong nước, từ chính sách kinh tế đến an ninh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc gặp ở thị trấn Gransee (Đức) hôm 28-5. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, tại Đức, đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) cũng giành kết quả ấn tượng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu khi giành số phiếu nhiều thứ 2 (16,2%). Trong khi đó, theo Reuters, Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz chỉ giành được 14%. Dẫn đầu cuộc bầu cử này là phe bảo thủ với 30,2% phiếu.
Nước Bỉ hôm 9-6 tiến hành cùng lúc các cuộc bầu cử quốc hội liên bang, cơ quan lập pháp khu vực và Nghị viện châu Âu với kết quả cho thấy sự trỗi dậy của phe cực hữu.
Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo quyết định từ chức do Đảng Tự do và Dân chủ Flemish mở của ông có màn trình diễn kém. Đáng chú ý, đảng này chỉ giành khoảng 6% phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội.
Dẫn đầu cuộc bầu cử này là Đảng Liên minh Flemish mới (N-VA) với 22% phiếu bầu, theo sau là đảng cực hữu Vlaams Belang. Cả hai đảng N-VA và Vlaams Belang đều không thuộc liên minh cầm quyền 7 đảng hiện nay. Sau bầu cử, các cuộc đàm phán về việc lập chính phủ liên hiệp sẽ diễn ra và tiến trình này thường mất nhiều thời gian.
Nguồn NLDO