Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bạo ngụ tại ấp Ngã Tắc, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu là tấm gương về sự cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, mẫu mực trong nuôi dạy con, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương.
Ông Bạo và bà Nhê.
Ông Bạo nay đã ngoài 70, còn bà Lê Thị Nhê- vợ ông cũng xấp xỉ 70 tuổi. Ở cái tuổi này mà hai ông bà vẫn còn khoẻ mạnh, vẫn chăm chỉ lao động hằng ngày. Trong ngôi nhà tường khang trang, hai ông bà vui vẻ kể chuyện mình...
Cả hai ông bà đều xuất thân trong gia đình nông dân. Khi ra riêng, họ được cha mẹ chia cho mảnh ruộng để lập nghiệp. Tình hình sản xuất hồi đó không được thuận lợi như bây giờ. Mảnh ruộng của ông Bạo chỉ làm được mỗi năm một vụ do đất đai khô cằn, không có nước tưới. Cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Rồi 5 đứa con lần lượt ra đời khiến cảnh nhà càng thêm chật vật hơn. “Cuộc sống cơ cực lắm, một tháng cả nhà phải ăn cơm với muối quẹt hết hai mươi ngày rồi”- bà Nhê kể lại.
Không cam chịu cuộc sống đói nghèo, hai vợ chồng ông Bạo ra sức làm lụng trên mảnh ruộng nhà, vừa tìm phương kế sinh nhai. Sắm được tay lưới đánh cá, sau giờ lao động trên đồng ruộng, hai vợ chồng ông lại đi lưới cá vừa để có thức ăn vừa đem bán kiếm thêm đồng ra đồng vô.
Bà Nhê nói, hồi đó thấy người ta nuôi bò đem lại thu nhập cao, bà mê lắm. Về sau, khi tích cóp được ít tiền, bà quyết định mua hai con bò về nuôi. Sau một thời gian, hai con bò này đã sinh sôi nảy nở thành cả đàn bò. Vốn là người nhạy bén, nuôi bò được thời gian, bà Nhê chuyển sang nuôi trâu vì thấy kinh tế hơn. Ðàn trâu và bò không chỉ đem lại nguồn thu nhập đáng kể, mà còn đỡ đần cho vợ chồng bà rất nhiều trong công việc đồng áng, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.
Năm 2011, cánh đồng nơi gia đình ông Bạo bà Nhê canh tác lúa được xây dựng tuyến kênh nội đồng. Nhờ đó, đám ruộng của ông bà có nguồn nước tưới quanh năm, việc sản xuất cũng tăng lên 3 vụ/năm. Hai vợ chồng lao vào việc tăng gia sản xuất, hết trồng lúa đến thuốc lá vàng. Hai ông bà ít thuê mướn nhân công, thường tự tay làm lấy mọi việc. Bà Nhê chia sẻ: “Mình không có vốn liếng nhiều, lấy công làm lời sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, nhờ vậy cũng ít gặp thua lỗ hơn”. Làm ngày làm đêm, gần như không ngơi nghỉ, vợ chồng bà dần có nguồn tích luỹ, tậu thêm được 3 ha ruộng để sản xuất.
Nhờ chăm chỉ lao động, vợ chồng ông Bạo, bà Nhê cuối cùng cũng đã tạo được cuộc sống ổn định. Căn nhà vách đất, mái rơm ngày nào của hai ông bà giờ đã được thay bằng căn nhà tường khang trang, tiện nghi. Hai ông bà là minh chứng thuyết phục cho sự thành công đến từ sức lao động cần cù chịu khó. Ðó là cả một hành trình phấn đấu, đồng cam cộng khổ của cả hai vợ chồng.
Giờ đây, niềm vui lớn nhất của đôi vợ chồng ông Bạo, bà Nhê là nhìn thấy con cái khôn lớn nên người. Các con của ông bà đều đã yên bề gia thất, tất cả đều có cuộc sống gia đình đầm ấm. Ông Bạo tâm sự: “Tôi thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Nhờ nỗ lực lao động thời trẻ, bây giờ tuổi già vợ chồng tôi mới được an nhàn và được vui vầy bên con cháu. Chúng rất hiếu thảo, nên vợ chồng tôi thấy tuổi già của mình tràn đầy hạnh phúc, vui vẻ”.
Cho đến bây giờ, đôi vợ chồng già ấy vẫn giữ thói quen chăm chỉ lao động. Ngày nào cũng như ngày nấy, từ mờ sáng, ông Bạo đã có mặt ngoài đồng ruộng để trông coi cây trồng. Còn bà Nhê, sức khoẻ không còn được như trước nên không làm ruộng nữa nhưng bà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Bà mở một quán bán hàng lặt vặt, kiếm đồng ra đồng vô, tiện thể trông coi các cháu để con cái an tâm làm việc.
Chia sẻ về bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc, bà Nhê nói: “Ðiều quan trọng là hai vợ chồng phải tôn trọng nhau, làm việc gì cũng phải đồng vợ đồng chồng, mọi việc mới thuận lợi, có hiệu quả. Làm bậc cha mẹ, ông bà thì phải sống gương mẫu, từ đó mới dạy được con cháu”.
THẾ ANH