Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Quyết định không ủng hộ ứng viên tổng thống nào trong bầu cử năm nay đã làm dấy lên sóng ngầm bất mãn ở Washington Post, tờ báo hàng đầu Mỹ.
"Washington Post sẽ không ủng hộ ứng viên tổng thống nào trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay cũng như trong tương lai. Chúng tôi đang trở lại với nền tảng ban đầu của mình", Washington Post ngày 25/10 đăng thông báo từ giám đốc điều hành William Lewis.
Washington Post thường xuyên ra tuyên bố ủng hộ ứng viên tổng thống Mỹ từ năm 1976, chỉ trừ năm 1988, tất cả đều là ứng viên đảng Dân chủ. Đây là lần đầu tiên Washington Post không làm điều này sau 36 năm.
CNN dẫn nguồn thạo tin nói ban biên tập Washington Post trước đó đã chuẩn bị một bài để bày tỏ ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ. Một bài viết trong mục "Phong cách" của Washington Post dẫn hai nguồn tin giấu tên cho hay tỷ phú Jeff Bezos, chủ sở hữu báo, đã ngăn ban biên tập đăng tuyên bố ủng hộ bà Harris.
Quyết định này ngay lập tức khiến Washington Post rơi vào hỗn loạn. Cây viết bình luận Robert Kagan, biên tập viên mục Quan điểm đã làm việc 25 năm tại Washington Post, tuyên bố từ chức ngay ngày 25/10 để phản đối.
Hàng loạt nhân sự cấp cao tại tờ báo viết và đăng bài bình luận để thể hiện sự phẫn nộ. Sau Kagan, hai thành viên ban biên tập David Hoffman và Molly Roberts nghỉ việc ngày 28/10.
"Đây rõ ràng là nỗ lực của Jeff Bezos nhằm lấy lòng Donald Trump trước khả năng ông ấy thắng cử", Kagan nói. "Trump từng dọa nhắm vào hoạt động làm ăn của Bezos. Bezos điều hành Amazon, một trong những công ty lớn nhất Mỹ. Họ có quan hệ cực kỳ phức tạp và phụ thuộc chính quyền liên bang".
Tỷ phú Jeff Bezos tại New York City, bang New York, Mỹ tháng 9/2021. Ảnh: Reuters
Trong bài viết trên Washington Post tối 28/10, Bezos cho rằng việc tờ báo đăng bình luận ủng hộ một ứng viên sẽ tạo ra cảm giác thiên vị, giữa lúc nhiều người dân Mỹ đang mất niềm tin vào truyền thông, và không làm thay đổi cán cân bầu cử.
"Không ủng hộ ứng viên nào là quyết định mang tính nguyên tắc và đúng đắn", tỷ phú này viết, thêm rằng lẽ ra việc này nên được thực hiện sớm hơn. "Đó là do thiếu sót trong việc lập kế hoạch, không phải tính toán có chủ ý".
Tuy nhiên, bài viết của Bezos không thể làm lắng dịu sóng ngầm ở tờ báo, khi nhiều nhân viên và cựu nhân viên cho rằng thời điểm Washington Post ra thông báo "rất đáng ngờ". Họ tin rằng lợi ích làm ăn của Bezos đã tác động đến quyết định.
Marty Baron, người từng điều hành Washington Post trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, cho hay tổng thống Mỹ lúc đó "liên tục" đe dọa Bezos, nhưng tỷ phú này "đã chống lại áp lực" từ Nhà Trắng. Baron cảm thấy "tự hào, biết ơn" dưới sự lãnh đạo đó.
"Nhưng Bezos còn có các lợi ích thương mại khác, nắm cổ phần lớn ở Amazon và có công ty không gian vũ trụ tên gọi Blue Origin", Baron nói. "Khi quay lại trong mùa bầu cử năm nay, Trump đe dọa sẽ trừng phạt các đối thủ chính trị nếu đắc cử. Tôi nghĩ không còn cách nào khác để lý giải chuyện đang xảy ra".
Baron cho rằng cách biện hộ của Lewis về quyết định của tờ báo là "nực cười". "Nếu triết lý của họ là độc giả tự quyết định trong những vấn đề lớn, vậy thì đừng đăng bất kỳ bài bình luận nào nữa", ông nói. "Nhưng thực tế thì họ lại đăng bài thông báo không ủng hộ ai trước ngày bầu cử chỉ 11 ngày".
Nhóm 17 cây viết bình luận của Washington Post đăng thông báo chung ngày 25/10, chỉ trích quyết định không ủng hộ ứng viên nào là "sai lầm khủng khiếp". "Nó thể hiện sự từ bỏ những niềm tin cơ bản của tờ báo mà chúng tôi yêu quý và đã làm việc với tổng thời gian 218 năm".
Số khác không thấy có vấn đề với quyết định của ban biên tập, vài người còn ủng hộ lựa chọn này, nhưng tất cả đều cho rằng thời điểm Washington Post ra thông báo đã gây nhiều rắc rối.
Một phóng viên nói "mọi người đều giận dữ vì cảm giác như các quản lý cấp cao đang làm suy yếu báo chí". Họ lo ngại cách độc giả phản ứng, như hủy đăng ký báo, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Washington Post.
NPR ngày 28/10 đưa tin hơn 200.000 người dùng đã hủy đăng ký Washington Post, dẫn hai nguồn hiểu rõ tình hình nội bộ tờ báo. Olivia Petersen, phát ngôn viên của Washington Post, từ chối bình luận về thông tin.
Nếu xác thực, đây sẽ là đòn giáng vào Washington Post, vốn đang gặp nhiều trở ngại về tài chính. Tờ báo có hơn 2,5 triệu người dùng đăng ký trong năm 2023, đa số là phiên bản trực tuyến, nhiều thứ ba ở Mỹ, sau New York Times và Wall Street Journal.
Trước Washington Post, một tờ báo lớn khác của Mỹ là Los Angeles Times cũng quyết định không ủng hộ ứng viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Theo biên tập viên Mariel Garza, chủ sở hữu của Los Angeles Times là ông Patrick Soon-Shiong đã ngăn ban biên tập ra tuyên bố ủng hộ bà Harris. Bà Garza đã từ chức để phản đối.
Các cố vấn của Trump nhanh chóng tận dụng diễn biến để công kích đối thủ. "Bạn biết chiến dịch của Kamala đang chìm xuống, bởi đến cả Washington Post cũng từ chối ủng hộ bà ấy", cố vấn cấp cao Stephen Miller của ông Trump bình luận.
Hồi đầu tuần trước, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã đề cập quyết định của Los Angeles Times trong email kêu gọi ủng hộ, gọi đây là "đòn giáng đáng xấu hổ" với bà Harris.
Người dân đi qua trụ sở báo Washington Post ở thủ đô Washington, Mỹ tháng 2/2019. Ảnh: AP
Washington Post năm 2016 ủng hộ bà Hillary Clinton, đăng các bài bình luận công kích ông Trump, người sau đó đắc cử. Ba năm sau, tập đoàn Amazon cho rằng Trump "đã gây áp lực để gây tổn thất cho đối thủ chính trị", cáo buộc ông tác động tới Lầu Năm Góc để cơ quan này trao thương vụ điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD trong 10 năm cho Microsoft, thay vì Amazon.
Quyết định này khi đó khiến các chuyên gia trong ngành bất ngờ, vì Amazon được đánh giá cao hơn Microsoft trong mảng điện toán đám mây. Amazon đệ đơn kiện, buộc Lầu Năm Góc phải đánh giá lại và hủy hợp đồng với Microsoft tháng 7/2021, vài tháng sau khi ông Trump rời Nhà Trắng.
Cơ quan này sau đó đưa ra chương trình phát triển điện toán đám mây khác trị giá 9 tỷ USD, trao cho 4 công ty Amazon, Google, Microsoft và Oracle vào năm 2022.
Trong bài bình luận tối 28/10, Bezos nói mọi người có thể coi tài sản và lợi ích kinh doanh của ông là thành trì chống lại sự đe dọa hoặc mạng lưới những xung đột lợi ích. Bezos thừa nhận các giám đốc điều hành tập đoàn hàng không vũ trụ Blue Origin của ông đã gặp Trump tuần trước, nhưng ông không biết trước thông tin về sự kiện này.
Bezos nhấn mạnh mình là người có nguyên tắc và những gì ông đã làm từ khi sở hữu Washington Post năm 2013 đã thể hiện điều đó.
"Tôi thách các bạn tìm được một ví dụ trong 11 năm qua về việc tôi đã thuyết phục ai đó ở Washington Post làm điều có lợi cho hoạt động kinh doanh của tôi", ông Bezos viết. "Chuyện đó chưa từng xảy ra".
Nguồn VNRxpress (Theo CNN, Washington Post)