Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Khi Tây Ban Nha đồng ý tiếp nhận toàn bộ 629 người di cư trái phép trên vùng biển Địa Trung Hải sau khi bị Manta và Italy từ chối hồi tháng 6-2018, đất nước này đã lập tức thế chỗ Italy trở thành “điểm đến” chính tại châu Âu.
Thủ tướng Minister Pedro Sánchez khi đó tuyên bố: “Đây là nhiệm vụ của chúng tôi nhằm tránh một thảm họa nhân đạo, cung cấp điểm đến an toàn cho những người di cư và cũng để tuân thủ nghĩa vụ nhân quyền”.
Số liệu công bố ngày 4-1 của Frontex - Cơ quan bảo vệ biên giới và biển của Liên minh châu Âu (EU) - cho thấy trong năm 2018, số người di cư tới Italy đã giảm tới 80%, còn khoảng 23.000 người - mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Trong khi đó, số người di cư tới Tây Ban Nha lại tăng gấp đôi, lên 57.000 người, khiến tuyến đường từ Morocco tới bán đảo Iberia trở nên nhộn nhịp nhất châu Âu. Chỉ trong 2 ngày đầu năm mới 2019, Lực lượng bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha đã cứu được 401 người di cư trên Địa Trung Hải. Trước đó ít ngày, tàu cứu hộ của một tổ chức từ thiện đã đưa 311 người di cư, chủ yếu là người châu Phi, từ ngoài khơi bờ biển Libya đến Tây Ban Nha, kết thúc một hành trình đầy kinh hoàng của họ.
Với việc Italy đóng cửa lãnh hải, từ chối tiếp nhận người di cư kể từ tháng 6 năm ngoái, Tây Ban Nha trở thành điểm đến hàng đầu để vào châu Âu bằng đường biển của người dân các nước có xung đột ở Trung Đông - Bắc Phi. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), trong năm ngoái đã có hơn 56.000 người di cư đến Tây Ban Nha bằng đường biển và 769 người đã thiệt mạng trong hành trình này. Ủy ban Hỗ trợ người tị nạn Tây Ban Nha cho biết đây là số người di cư đến nước này thiệt mạng trên biển cao nhất kể từ năm 2006.
Việc Chính phủ Italy kiên quyết đóng cửa nhiều cảng biển ngăn chặn dòng người di cư vào nước này là để gây áp lực buộc các nước thành viên EU cùng chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư. Theo Washington Post, Madrid cũng từng tuyên bố họ đồng ý tiếp nhận những người tị nạn như một “cử chỉ chính trị” để “buộc châu Âu phải đưa ra một chính sách chung cho một vấn đề chung”.
Hồi đầu tháng, Hà Lan tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận một số lượng hợp lý trong 32 người di cư tàu Sea-Watch 3 giải cứu trên Địa Trung Hải. Tuy nhiên, điều kiện mà Amsterdam đưa ra là các nước châu Âu khác cũng phải có những hành động tiếp nhận tương tự. Trước Hà Lan, Chính phủ Đức cũng tỏ rõ quan điểm rằng Berlin sẽ chỉ tiếp nhận một số người di cư trên nếu các nước châu Âu khác cũng có thiện chí như vậy.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một giải pháp tổng thể để chia sẻ gánh nặng chung này. Mặc dù hiện số người di cư vào châu Âu đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, nhưng vấn đề đặt ra là sức “cưu mang” của Tây Ban Nha đến khi nào thì quá tải. Về lâu dài, nếu các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán khó về gánh nặng di cư thì lục địa già tiếp tục đau đầu với các thách thức về an ninh, đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết vấn đề xã hội nảy sinh với những người di cư. Vẫn còn đó cơn sóng ngầm trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang gia tăng trong lòng xã hội châu Âu.
Nguồn SGGPO