Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sông núi Tây Ninh
Thứ tư: 08:15 ngày 13/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cho dù sông Sài Gòn chính là nơi người Tây Ninh lập nên kỳ tích vào cuối thế kỷ 20, sông Vàm Cỏ Đông lại nằm trong tình yêu và nỗi nhớ của những người con vùng biên nắng cháy da người, và có thể cả người đến từ những miền quê khác.

Đấy! Như nhạc sĩ Hoàng Việt, người từng viết nên bản Tình ca bất hủ; khi “nếm mật nằm gai” trong kháng chiến chống Pháp, trên những vùng rừng của chiến khu Dương Minh Châu rất gần sông Sài Gòn, thì ca khúc nổi tiếng khác của ông là Lên ngàn lại là viết về sông Vàm Cỏ Đông, được sáng tác năm 1952, sau trận lũ lịch sử Nhâm Thìn. Đến nay, sau 71 năm, người cả nước vẫn hào hứng với từng câu hát: “Hò ơ… dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi/ Trên sông Vàm Cỏ Đông, nước chảy ngược dòng…”.

Giai điệu da diết này là không thể quên, nhất là vào những tháng cuối năm con nước lớn dềnh lên lai láng đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông. Và cũng không thể quên những lời thơ của một nhà thơ chiến đấu ở phía hạ nguồn sông trên đất Long An, đấy là Hoài Vũ với Vàm Cỏ Đông: “Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông/ Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng/ Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng/ Giặc đi đời giặc, sông càng xanh trong…”.

Sông Vàm Cỏ Đông qua Gò Dầu.

Tháng 12.2020, Sở Khoa học và Công nghệ xuất bản cuốn sách Đặc điểm khí hậu thuỷ văn tỉnh Tây Ninh. Cũng thú thật là đến giờ chúng tôi mới nhận ra sách có một nhầm lẫn “chết người”. Đấy là ở chương III, mục I- Đặc điểm sông ngòi tự nhiên.

Tại đoạn đầu (trang 78) sách ghi rõ: “Tỉnh Tây Ninh có 2 con sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông…”. Vậy mà ở trang tiếp theo, khi mô tả chi tiết, sách lại viết thành sông Vàm Cỏ. Cụ thể: “Sông Vàm Cỏ bắt nguồn từ đỉnh núi thấp Thơ Mơ Rông tại toạ độ… Sông Vàm Cỏ đổ vào sông Đồng Nai tại… Sông Vàm Cỏ dài 218km, có diện tích lưu vực 12.800km2, trong đó phần diện tích trong nước là 6.820km2…”.

Có thể đó là cách gọi tắt của tác giả, nhưng sai sót “chết người” ấy là trong trường hợp này không thể gọi tắt. Đơn giản vì sẽ gây ra nhầm lẫn với sông Vàm Cỏ- một dòng sông ở tỉnh Long An. Đấy là khi Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh) và Vàm Cỏ Tây (Long An) hợp lưu thì đổ vào sông Vàm Cỏ chảy giữa 2 huyện Cần Đước và Châu Thành của tỉnh Long An. Sông Vàm Cỏ chỉ dài có 35,5km và đổ ra biển tại cửa Soài Rạp.

Buộc phải chỉ ra sai sót này là để nhiều người không nhầm lẫn hay gọi tắt về sông Vàm Cỏ Đông như thế nữa. Chỉ có thể chấp nhận khi gọi tắt là sông Vàm trong cụm từ chỉ miền quê hương “núi Điện, sông Vàm”.

Sách Địa chí Tây Ninh cũng cho biết thêm, là sông Vàm Cỏ Đông chảy trên đất Tây Ninh có chiều dài 151km. Các tài liệu khoa học kể trên còn cho biết, sông Vàm Cỏ Đông có tới 9 phụ lưu, gồm: Suối Xa Mát, rạch Nàng Đinh, sông Bến Đá, rạch Tây Ninh, rạch Rễ, rạch Bảo, rạch Bàu Nâu, rạch Ba Thời và rạch Trảng Bàng.

Nhiều dòng trong số đó tuy gọi là rạch nhưng thênh thang chẳng kém những dòng sông. 9 dòng rạch xoè ra khắp đất Tây Ninh như 9 nhánh sông vàng. Mà nhánh sông nào cũng để lại nhiều dấu vết hoặc công trình văn hoá và lịch sử trong suốt chiều dài 300 năm lưu dân đi mở đất.

Khi đọc lại sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, chỉ tiếc cho vị Hiệp tổng trấn Gia Định này, là ông không đủ công sức và thời gian đi khắp các nhánh sông Vàm Cỏ Đông. Vậy nên ông mới chỉ kể đến trong tác phẩm của mình những dòng viết về sông Lăng Khê (rạch Tây Ninh). Đấy là: “Sông Lăng Khê, ở bờ Bắc sông Quang Hoá, cách trấn lỵ về phía Tây 85 dặm rưỡi, theo sông nhỏ ở cửa sông đi ngược lên phía Bắc, 61 dặm thì đến thủ sở Thuận Thành, có nguồn từ các đầm phá ở núi Bà Đen thấm thía chảy ra…”.

Khi viết về sông Bến Nghé (Tân Bình), Trịnh Hoài Đức đã mô tả là “rộng lớn trong sâu”; thì nếu khảo sát kỹ sông Vàm Cỏ Đông, ông sẽ còn ca ngợi tới đâu? Bởi hiện nay, chỉ tính chiều dài các cây cầu, đã thấy sông Vàm Cỏ Đông vượt trội. Như cầu Bến Sỏi dài 186m, hay cầu Bến Cây Ổi dài 238,58m.

Trong khi đó, cầu Bến Củi qua sông Sài Gòn, nối Tây Ninh và Bình Dương chỉ có 82,88m. Từ tháng 9, qua các cây cầu trên sông Vàm Cỏ Đông, người ta đều thấy mênh mông con nước lớn tràn bờ. Các cánh đồng ven sông đều loang loáng màu nước bạc.

Sông tiếp tục bồi đắp phù sa. Để vụ lúa Đông Xuân nào cũng mơn mởn xanh, cho những mùa vàng năng suất. Ôi dòng sông! Từng nâng đỡ các con thuyền lưu dân đi mở đất lập làng; lại tiếp tục dâng đầy phù sa và cá tôm cho cuộc sống người dân. Làm sao mà người Tây Ninh không nặng lòng biết ơn và thương nhớ…

Và bây giờ là chuyện núi, dù núi Bà Tây Ninh không chỉ người Tây Ninh mới biết, bởi núi được coi như “nóc nhà Nam bộ” kia mà. Trong danh mục Dự án Du lịch mời gọi đầu tư tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020, do UBND tỉnh ban hành ngày 9.3.2016, có đoạn mô tả tiềm năng, là: “Quần thể núi Bà Đen nằm giữa vùng đồng bằng được cấu tạo bởi đá granit, granodionit… với 3 đỉnh cao: núi Bà (986m), núi Phụng (372m) và núi Heo- còn gọi núi Đất (335m), là khu vực có thắng cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, cùng với những di tích lịch sử văn hoá như chùa chiền, hang động.

Lễ hội diễn ra vào dịp đầu năm âm lịch, thu hút một lượng khách du lịch lớn trong tỉnh và các tỉnh thành Nam bộ…”. Đến nay, đã có thêm lễ hội vía Bà trong 3 ngày, từ 4-6.5 âm lịch, được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nhờ những nỗ lực của Tập đoàn Sun group mà Khu du lịch núi Bà Đen đã thu hút du khách trong cả nước.

Sắp tới đây, ngoài những hệ thống cáp treo hiện đại nhất, núi còn có thêm một con đường chạy xe lên tận đỉnh. Đường chạy từ thung lũng Ma Thiên Lãnh, vòng qua sườn núi Heo rồi lên đỉnh Bà Đen. Khi ấy, chắc sẽ còn nhiều loại hình du lịch tham quan hay khám phá đặc biệt. Bởi con đường mở ra nhiều cảnh quan mới mẻ mà con người xưa nay chưa từng được biết.

Núi Bà Đen

Núi một bên, lòng hồ một bên. Núi chỉ chiếm 30km2 trên mặt đất giữa lòng TP. Tây Ninh. Lòng hồ Dầu Tiếng ở huyện Dương Minh Châu liền kề lại có diện tích mặt nước là 270km2, gấp 9 lần nơi núi đứng. Tự thân núi và hồ trong tương quan như thế đã là một sinh cảnh tuyệt vời. Song, tôi vẫn nhớ những gì mà ông quan Trịnh Hoài Đức viết về núi và nước từ hơn 200 năm trước (1820).

Đấy là đoạn mở đầu của quyển 2: Sơn Xuyên chí (chép về núi sông): “Núi là xương của đất, nước là máu của đất, ấp ủ lưu thông mà thành đất đai một phương. Những anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ đều từ đó mà ra. Đó cũng là nơi sản sinh cất chứa vật quý làm cho của cải sinh sôi. Không gì là không đủ…”.

Và quả nhiên, trên miền đất núi Điện, sông Vàm, sông Sài Gòn này đã có biết bao thế hệ hào kiệt, anh hùng, trung thần, liệt nữ được sinh ra. Họ đã bảo vệ và dựng xây, làm rạng danh miền đất mang tên sông núi.

Trần Vũ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục