Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ghi nhận mới cho thấy sóng thần ập vào bờ biển Palu cao tới 6m, cuốn trôi rất nhiều người tham dự một lễ hội.
Thi thể các nạn nhân nằm trên bờ biển Palu, tỉnh Trung Sulawesi hôm 29/9. Ảnh: Reuters.
Trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra ngoài khơi đảo Sulawesi chiều tối 28/9, tạo ra đợt sóng thần tàn phá nhiều khu vực ven biển của thành phố Palu và thị trấn Donggala, theo Reuters.
Khi thảm họa xảy ra, hãng thông tấn AFP của Pháp đưa tin sóng thần cao 2 m và phần lớn người dân đã sơ tán đến nơi an toàn. Video trên mạng xã hội cho thấy cơn sóng lớn tràn từ biển vào thành phố, phá hủy những ngôi nhà, phương tiện giao thông gần bờ biển và khiến nhiều người hoảng loạn.
Tuy nhiên, các hãng tin lớn trên thế giới như Reuters, AP, BBC sau đó khẳng định đợt sóng thần tấn công Palu và khu vực lân cận cao tới 6 m, trong khi hãng CNN đưa tin sóng thần cao 3 m.
Giới chức Cơ quan Ứng phó Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) cho hay sóng thần di chuyển với tốc độ lên tới 800 km/h. Hàng trăm người đang tham dự lễ hội trên bãi biển Palu khi sóng thần tràn vào bờ và cuốn trôi rất nhiều người.
Sóng thần tràn vào bãi biển và nhà thờ Hồi giáo ở Palu hôm 28/9. Ảnh: BBC.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) xác nhận số người chết trong thảm họa kép động đất và sóng thần đã lên đến hơn 1.200 người và dự kiến tiếp tục gia tăng. BMKG cũng đang phải đối mặt chỉ trích khi nhiều người cho rằng cảnh báo sóng thần bị dỡ bỏ ngay trước khi những con sóng khổng lồ tràn vào bờ.
BMKG cho biết việc dỡ bỏ cảnh báo sóng thần được thực hiện dựa trên dữ liệu có sẵn từ các cảm biến thủy triều gần nhất, cách Palu khoảng 200 km. "Chúng tôi không có dữ liệu quan sát ở Palu nên phải sử dụng dữ liệu có sẵn và phát cảnh báo dựa vào đó", Rahmat Triyono, người đứng đầu trung tâm động đất và sóng thần tại BMKG cho biết.
Ông cho biết thiết bị theo dõi thủy triều gần nhất (đo lường sự thay đổi của mực nước biển) chỉ phát hiện một đợt sóng không đáng kể cao khoảng 6 cm và không ghi nhận được những con sóng khổng lồ gần Palu. "Nếu chúng ta có thước đo thủy triều hoặc dữ liệu chính xác ở Palu, tất nhiên mọi chuyện đã tốt hơn. Đây là điều chúng ta phải đánh giá cho tương lai".
Hiện chưa rõ cảnh báo sóng thần được dỡ bỏ trước hay sau khi thảm họa xảy ra. "Dựa theo các video lưu hành trên mạng xã hội, chúng tôi ước tính sóng thần xảy ra trước khi cảnh báo chính thức bị dỡ bỏ", Triyono nói.
Theo Baptiste Gombert, một nhà nghiên cứu địa lí tại Đại học Oxford, "rất đáng ngạc nhiên" khi trận động đất hôm 28/9 gây ra sóng thần. Chuyên gia này cho rằng, trận động đất ngoài khơi đảo Sulawesi xảy ra do các mảng kiến tạo trượt qua nhau theo chiều ngang, trong khi thông thường các mảng kiến tạo trượt qua nhau theo chiều dọc mới gây sóng thần.
"Một số suy đoán cho rằng có thể một vụ lở đất dưới đáy biển đã gây ra sóng thần", Gombertông nói, nhấn mạnh thêm rằng địa hình hẹp của vịnh khiến sóng thần cao thêm khi di chuyển vào bờ.
Lực lượng cứu hộ Indonesia đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân còn mắc kẹt dưới những đống đổ nát ba ngày sau thảm họa. Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua tới Sulawesi để động viên người dân tại đây. Ông kêu gọi lực lượng cứu hộ "nỗ lực ngày đêm" để cứu tất cả những ai còn có thể.
Nguồn VNE