Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người và việc
Sống trọn với đam mê
Thứ tư: 00:02 ngày 19/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời trẻ, ông cùng gia đình theo các đoàn cải lương như Sông Hàn (Ðà Nẵng), Sông Hương (Thừa Thiên Huế), Hoa Biển (Phú Yên), Tuổi trẻ Tây Ninh (tiền thân là Ðoàn ca múa Tây Ninh)… lưu diễn từ Nam ra Bắc. “Lúc ấy, cuộc sống rất thoải mái vì được sống trọn với đam mê”- ông Kính nhớ lại.

Vợ chồng nghệ sĩ Trần Thành Kính, Huỳnh Thị Dung.

Ở tuổi ngoài 60, vợ chồng ông Trần Thành Kính và bà Huỳnh Thị Dung (ấp 2, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu) vẫn giữ được sự trẻ trung trong tâm hồn và luôn nhớ về thời trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Ông Kính cho biết ông là con của một nghệ sĩ, được sinh ra tại đoàn hát nên “nghiệp cầm ca” như một phần cuộc sống, nuôi dưỡng những đam mê.

Thời trẻ, ông cùng gia đình theo các đoàn cải lương như Sông Hàn (Ðà Nẵng), Sông Hương (Thừa Thiên Huế), Hoa Biển (Phú Yên), Tuổi trẻ Tây Ninh (tiền thân là Ðoàn ca múa Tây Ninh)… lưu diễn từ Nam ra Bắc. “Lúc ấy, cuộc sống rất thoải mái vì được sống trọn với đam mê”- ông Kính nhớ lại.

Tại những đoàn hát này, ông Kính (nghệ danh Vương Châu) gặp người bạn đời của mình là nghệ sĩ Thuỳ Dung. Tâm tư hoà hợp không chỉ cùng đam mê ca hát mà còn đồng điệu về cuộc sống. Bà Dung sinh ra trong gia đình có truyền thống cải lương.

16 tuổi, bà bắt đầu dấn thân vào nghiệp ca diễn. Các con của ông Kính, bà Dung cũng được sinh ra ở “gánh hát”, rày đây, mai đó. Con gái của ông bà lúc 4 tuổi cũng tập tành ca cải lương trước sự ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết của đôi nghệ sĩ. Họ lại có thêm một đời tiếp nối với nghiệp ca diễn. 

Cải lương thoái trào, đời sống nghệ sĩ lâm vào cảnh khó khăn. Vợ chồng ông Kính đành giải nghệ về quê sinh sống. Bà Dung vẫn nhớ: “Lúc ấy, vợ chồng tôi không muốn các con phải tiếp tục sống lênh đênh, không ổn định như đời mình nên quyết định về quê. Ðó là thời điểm năm 1995”.

Từ bỏ sân khấu, vợ chồng ông Kính, bà Dung chuyển sang nghề chăn nuôi và buôn bán. Bà Dung nói: “Ðổi nghề đâu phải dễ dàng gì, lại là nghề mà trước đây tôi chưa làm bao giờ. Khó khăn lắm chứ!”. Bà Dung cười nhớ lại: “Những lúc nhớ nghề, hai vợ chồng vác đàn ra đàn, nghêu ngao lời ca để bớt tủi buồn”. Ông bà luôn động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, tất cả vì tương lai các con. Thỉnh thoảng vợ chồng ông Kính cũng tìm được niềm vui, vơi đi nỗi nhớ nghề khi tham gia một số hội thi, hội diễn văn nghệ do các đơn vị, địa phương tổ chức.

Năm 2011, CLB Ðờn ca tài tử xã Bến Củi được thành lập, ông Kính như “cá gặp nước” liền tham gia ngay. Ông hiện là Phó Chủ nhiệm CLB, có ngón đờn điêu luyện mà người quen hay gọi là nhạc sĩ Tư Kính.

Nhiều năm nay, mỗi tuần vào hai buổi tối thứ 4 và thứ 6, tại điểm sinh hoạt đờn ca tài tử của CLB lại vang lên tiếng đàn cổ réo rắt và những giọng ca ngọt lịm, trong đó vợ chồng ông Kính, bà Dung luôn là nòng cốt.

Ngày đầu trở lại với nghiệp hát ca, bà Dung không còn giữ được chất giọng như trước, ngón tay đờn của ông Kính cũng đơ cứng vì bỏ quá lâu. Nhưng những trở ngại này không làm khó được hai người. Họ nhanh chóng lấy lại phong độ khi hoà mình vào đam mê.

Những năm qua, vợ chồng ông bà cùng tham gia một số hội thi do Sở VH,TT&DL, huyện Dương Minh Châu, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) tổ chức. Bà Dung còn là hội viên phụ nữ, thường xuyên có mặt trong các cuộc thi hay biểu diễn phục vụ cho Hội LHPN xã. Bà chia sẻ: “Tôi thấy rất vui mỗi khi mình tham gia cuộc thi nào đó. Giải thưởng như thôi thúc niềm đam mê, động viên tôi tiếp tục với nghiệp hát”.

Ðại gia đình ông Kính, bà Dung.

Theo ông Kính, từ ngày có CLB đờn ca tài tử, phong trào ca hát của địa phương phát triển hơn. Ngày càng có nhiều người chọn cổ nhạc để thoả niềm vui ca hát. Ông Kính hiện là nhạc công cổ nhạc cho một điểm hát với nhau, mỗi ngày phục vụ hai buổi, mỗi buổi có trên dưới 30 người cùng tham gia.

Ông nói: “Tôi rất vui khi ngày càng có nhiều người biết đến đờn ca tài tử. Tôi hạnh phúc vì mình góp phần lan toả nó trong cộng đồng”. Theo ông Kính, để đờn ca tài tử phổ biến thì cần nhiều người biết đến, sau đó nếu ai có nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu thì CLB sẽ hỗ trợ phát triển.

Những năm qua, tiếng đàn, lời ca của vợ chồng ông Kính bà Dung đã trở nên quen thuộc với những người dân địa phương. Họ vẫn say sưa với tiếng đàn lời ca, góp phần lan toả niềm vui ca hát, gìn giữ những giá trị của đờn ca tài tử ở địa phương.

Vi Xuân

Báo Tây Ninh
tạo cv online nhanh chỉ 5 phút
Tin cùng chuyên mục