Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTN) - Hiện nay, ở huyện Bến Cầu, có hai khu di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh được khoanh vùng bảo vệ. Trước khi Nhà nước khoanh vùng bảo vệ, trong hai khu di tích đã có hàng chục hộ dân sinh sống. Và họ đã cư ngụ nơi đây gần 20 năm nay. Thực trạng đó vừa khổ cho dân, vừa khó cho công tác quản lý Nhà nước.

|
Một tiệm thuốc tây trong Khu di tích Thành Bảo Long Giang.
Khu di tích lịch sử văn hoá Thành Bảo Long Giang nằm trên địa bàn ấp Bảo, xã Long Giang. Đây là một công trình quân sự bằng đất đã tồn tại hơn 200 năm, với diện tích 12.330 mét vuông. Năm 1998, Thành Bảo Long Giang được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh và được khoanh vùng bảo vệ.
Tuy nhiên, một số hộ dân sinh sống trong khuôn viên Thành Bảo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) từ trước đó. Bà Trần Thị Nhuận, 62 tuổi, chủ một quán cà phê tại đây cho biết, ngay sau khi Bến Cầu được giải phóng (1975) gia đình bà đã về đây cất nhà, làm ăn sinh sống.
Năm 1995, mẹ của bà, là bà Trịnh Thị Hia, được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 2.400 mét vuông. Sau khi bà Hia qua đời, 4 người con của bà lần lượt cất nhà ra ở riêng trên phần đất của mẹ mình. Hiện nay, đến lượt cháu bà Hia lập gia đình, ra riêng, nâng tổng số hộ dân sống trong khuôn viên Thành Bảo Long Giang lên 6 hộ.
Các hộ này mở hàng quán kinh doanh ăn uống khá nhộn nhịp ngay tại khu di tích đã được khoanh vùng bảo vệ. Thật ra, các hộ sinh sống ở đây cũng chẳng sung sướng gì. Bà Nhuận kể lể: “Mấy chị em tôi sống rất khổ sở. Nhà cửa xuống cấp, xiêu vẹo, dột nát, xây cất lại nhà cũng bị lập biên bản, xử phạt.
Quán cà phê trũng thấp, mỗi lần mưa xuống nước ứ đọng, không buôn bán được, vừa đổ đất, tráng nền cho sạch sẽ cũng bị lập biên bản”. Bà đề nghị: “Nếu Nhà nước trưng dụng phần đất của gia đình tôi làm khu di tích thì hãy đền bù đất, chúng tôi sẵn sàng ra đi. Nếu không thì xoá quy hoạch, chứ quy hoạch treo mười mấy năm nay, chúng tôi không làm ăn gì được”.
|
Quán cà phê của bà Nhuận vừa được nâng cấp mặt bằng, đã bị lập biên bản.
Tương tự như thế, ở Khu di tích lịch sử văn hoá Bến Đình- khu di chỉ khảo cổ lớn của tỉnh, nằm trên địa bàn ấp B, xã Tiên Thuận hiện có hơn 20 hộ dân sinh sống. Bà con nơi đây cũng đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ông Phan Văn Ga, 51 tuổi, ngụ ấp B, kể rằng, ông sinh ra và lớn lên trong khu di tích này. Hiện ông có khoảng 1 ha đất tại đây.
Vì đất trong khu di tích nên không được cấp giấy CNQSDĐ. Trước đây, gia đình ông kiếm sống nhờ vào bến ghe- nơi ghe xuồng cập bến để vận chuyển cây tầm vông về miền Tây và chuyển phân tro, xi măng từ miền Tây lên. Năm 2010, ông Ga đầu tư 110 triệu đồng vào bến ghe, lắp đặt một băng tải để phục vụ việc bốc vác, vận chuyển hàng hoá lên, xuống.
Vì không có giấy CNQSDĐ nên ông Ga không xin được giấy phép kinh doanh và vì thế, bến ghe của ông đã bị ngưng hoạt động. Cuối cùng, ông Ga đành phải bán lại băng tải cho người khác với giá rẻ, chấp nhận lỗ 95 triệu đồng.
“Bây giờ, nhắc lại chuyện đó, tôi còn thấy buồn não ruột. Tôi đề nghị, nếu Nhà nước thu hồi đất làm khu di tích thì đền bù cho dân. Nếu không thu hồi thì hãy để cho dân làm ăn sinh sống”- ông Ga nói. Theo lời ông Ga, gia đình ông còn có một nỗi lo khác.
Đó là sát bên hông nhà ông hiện có hơn 10 cây sao, cây dầu khoảng 20 năm tuổi. Mỗi khi trời giông gió, ông rất lo sợ chúng bị gãy ngọn, rơi cành gây nguy hiểm cho mọi người trong nhà. Thế nhưng ông không dám tự ý cắt bỏ cây cành, sợ bị phạt.
Bà Lê Thị Kim Loan, 43 tuổi, ngụ cùng khu vực với ông Ga cũng bày tỏ nỗi khổ của mình. 21 năm qua, bà ở đậu trên phần đất của người khác gần bến phà Bến Đình và kiếm sống nhờ vào tiệm tạp hoá. Sau một thời gian tích luỹ, bà mua được một phần đất bề ngang 5 mét, bề dài hơn 50 mét trong Khu di tích Bến Đình.
Bà định trả lại đất thuê cho chủ, để cất nhà ở trên đất của mình. Nhưng bà cầm đơn đến UBND xã Tiên Thuận xin phép cất nhà đã hơn 10 ngày mà chưa được. Bà Loan cho biết: “Tôi chấp nhận nếu sau này Nhà nước có xây dựng gì trong khu di tích tôi sẵn sàng tháo dỡ, không đòi bồi thường. Nhưng chưa được UBND xã đồng ý, tôi chưa dám, sợ đang xây cất, bị phạt”.
Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Bến Cầu- người phụ trách mảng di tích của huyện cho biết: “Ở Khu di tích Bến Đình hiện có hơn 20 hộ dân sinh sống, và ở Khu di tích Thành Bảo Long Giang cũng có 5- 6 hộ dân sinh sống.
Đa số họ đã ở đây từ trước khi có quyết định khoanh vùng bảo vệ của tỉnh. Cả hai khu di tích này được khoanh vùng quá rộng và cũng đã quá lâu mà… không làm gì hết, gây khó khăn cho công tác quản lý ở địa phương. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức đi kiểm tra định kỳ.
Nếu phát hiện người dân xây cất trong khu di tích thì lập biên bản, rồi kiến nghị lên cấp trên xử lý. Nhà cửa xuống cấp, người dân tiến hành sửa chữa, xây mới, chúng tôi lại phải lập biên bản. Cứ xoay lòng vòng như vậy hoài mà chẳng giải quyết được gì”.
Từ thực trạng vừa kể, ông Phong kiến nghị lãnh đạo cấp trên nên xem xét, giải quyết vấn đề này theo hai cách: hoặc kiên quyết di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi hai khu di tích đã được khoanh vùng bảo vệ; hoặc khoanh vùng nhỏ lại theo hiện trạng đang có.
Cả hai khu di tích kể trên có một đặc điểm chung là bị đường giao thông chia ra làm đôi. Khu di tích Thành Bảo Long Giang bị đường 786 cắt ngang, còn Khu di tích Bến Đình thì bị con đường nhựa xuống phà Bến Đình chia hai. Từ thực tế hiện nay có thể thấy, quy hoạch hai khu di tích này nhỏ lại theo hiện trạng vừa đỡ tốn kinh phí giải toả, di dời gần 30 hộ dân, vừa bảo đảm đẹp về mặt không gian.
Đại Dương