Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bạo lực băng đảng đẫm máu trên đường phố khiến người dân Port-au-Prince cảnh giác cao độ để sinh tồn, thậm chí ngờ vực, xung đột lẫn nhau.
Những ngày này, đại lộ phía trước sân bay quốc tế Toussaint Louverture, thủ đô Port-au-Prince của Haiti tĩnh lặng như thời kỳ hậu tận thế. Con đường từng tấp nập người xe giờ chỉ còn những đám khói bốc lên từ đống rác, làm không khí như đặc quánh lại.
Một xe bọc thép của cảnh sát đỗ gần đó, các sĩ quan đứng gác che mặt bằng khăn trùm đầu. Đại lộ gần như hoang phế, như thể vừa có một thảm họa quét qua.
Người dân thủ đô Haiti hiểu rõ thảm cảnh này hơn ai hết, nhưng họ cũng không thể rời thành phố này. Sân bay duy nhất của Port-au-Prince đã phải đóng cửa sau nhiều cuộc tấn công của băng đảng.
Kể từ đầu tháng, các băng đảng ở Port-au-Prince phối hợp tấn công sân bay, đồn cảnh sát, tòa nhà chính phủ, nhà tù quốc gia, nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức. Nhưng việc ông Henry chấp nhận từ bỏ quyền lực tuần trước không có nhiều tác dụng trong khôi phục trật tự.
Các băng đảng bóp nghẹt nguồn cung thực phẩm, nước uống, nhiên liệu cho thủ đô, trong khi cảnh sát Haiti vẫn nỗ lực chiến đấu giành lại từng khu phố. Bạo lực đẫm máu đang làm suy giảm nghiêm trọng trật tự xã hội, cũng như tương tác cơ bản của con người.
Doanh nghiệp, trường học đóng cửa. Nhiều người dân tự cô lập, không ra khỏi nhà. Cuộc sống xoay quanh sự cảnh giác cao độ, sợ hãi, ngờ vực và giận dữ.
Lốp xe bốc cháy gần Trung tâm Cải tạo Quốc gia ở Port-au-Prince, Haiti, ngày 3/3. Ảnh: AFP
Trước tình trạng băng đảng kiểm soát 80% Port-au-Prince, nhiều người Haiti ở vùng thủ đô đã liên minh với nhau thành một phong trào chống tội phạm. Các cộng đồng thành lập ủy ban phòng thủ dân sự, lập công sự, hệ thống giám sát, thậm chí tuần tra chung.
Liên minh thu được một số kết quả, phối hợp với cảnh sát đẩy lùi băng đảng khỏi phố Canape Vert năm 2023. Nhưng trong thời loạn, ranh giới giữa tự vệ và công lý rất mong manh. Liên Hợp Quốc cho hay liên minh hồi tháng 10/2023 đã hành hình hàng trăm người bị nghi ngờ là thành viên băng đảng.
Tại một nhà thờ gần phố Canape Vert, một dân quân cho hay các băng đảng trước đây kiểm soát khu vực có nhiều doanh nghiệp lớn này, thu lời bằng hoạt động tống tiền.
"Sau khi đẩy lùi băng đảng, chúng tôi liên tục bị đe dọa. Chúng cảnh báo sẽ tấn công, phá hủy khu phố, nên dân quân phải chặn đường, nhờ cảnh sát khám xét", người này cho biết, lưu ý dân quân chỉ dùng "dao rựa và tay không".
Cảnh sát Haiti đối đầu băng đảng ở thủ đô Port-au-Prince ngày 29/2. Ảnh: AP
Cách Canape Vert 5 phút lái xe, một cộng đồng khác cũng đang nỗ lực gắn kết, nhưng gặp nhiều khó khăn khi phải quản lý một trại tị nạn. Đây là một trong hàng chục trại trên khắp thủ đô, nơi hàng chục nghìn cư dân tập trung sau khi mất nhà cửa trong chính thành phố vì nạn bạo lực.
Những người trong trại tị nạn bầu một người lãnh đạo để liên lạc với cảnh sát địa phương, vận động các tổ chức viện trợ thức ăn, nước uống. Nhưng thực tế có rất ít hàng viện trợ đến tay người dân.
Cuối tháng 2, Marie Maurice, 56 tuổi, bỏ lại toàn bộ đồ đạc, cùng nhiều người khác tìm đến trại tị nạn này để trú ẩn. Không ai trong gia đình bà đủ ăn, thậm chí không có không gian nấu nướng. Họ thường chia sẻ với nhau những bữa ăn qua quýt để sống qua ngày, có những hôm phải nhịn đói hoàn toàn.
Nỗ lực sinh tồn của người tị nạn còn khó khăn hơn nhiều khi họ phải sống trong sự ngờ vực của những cộng đồng sống xung quanh trại. Người địa phương nhiều lần ẩu đả, đòi người tị nạn rời đi, vì lo sợ dòng người hỗn tạp có thể thu hút sự chú ý của băng đảng.
Tổ chức Di cư Quốc tế đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng bất an cao độ tạo bầu không khí "mất lòng tin" ngày càng gay gắt ở Haiti, khiến các cộng động bất hòa, làm suy giảm gắn kết xã hội.
Người dân Haiti đốt lốp xe trên đường phố Port-au-Prince sau khi Thủ tướng Henry từ chức, ngày 12/3. Ảnh: AFP
Port-au-Prince đã chìm trong hỗn loạn do bạo lực băng đảng nhiều năm qua. Sau khi Thủ tướng Henry từ chức, giới chức Haiti đang thảo luận thành lập hội đồng tổng thống chuyển tiếp và bổ nhiệm thủ tướng lâm thời, trong khi cộng đồng quốc tế từ chối can thiệp.
Điều này khiến một giải pháp chính trị cho tình trạng bạo lực trở nên xa vời. Khi cả cảnh sát, băng đảng lẫn các nhóm dân quân đều thi nhau dựng trạm kiểm soát, Port-au-Prince đã trở thành pháo đài của nỗi bất an, cảnh giác.
Marie-Suze Saint Charles, 47 tuổi, cho hay đang phải nằm viện điều trị vì bị gãy chân do một cuộc tấn công của băng đảng trên đường phố hồi đầu tháng. Con trai 17 tuổi của bà cũng đang nằm ở bệnh viện khác do bị bắn.
Charles không rõ có ai đang chăm sóc hai con trai 8 và 13 tuổi còn lại hay không. "Chúng sợ hãi, không dám ra đường, thậm chí không muốn đến thăm tôi", bà nói.
Nguồn BHT