Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ cuối tháng 4.2025 đến nay, nhiều đoạn trên sông Vàm Cỏ Đông xuất hiện tình trạng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, nhiều loại cá trên sông liên tục nổi đầu chết, khiến nhiều người dân sống trên lưu vực sông vô cùng lo lắng.

Nước sông ô nhiễm nặng
Hai ngày qua, nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua bến phà khách ngang sông Gò Nổi – An Bình (địa bàn giáp ranh giữa hai xã Ninh Điền và An Bình thuộc huyện Châu Thành) đột ngột chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhiều loại thuỷ sản không chịu nổi nguồn nước ô nhiễm nên liên tục nổi đầu, trong đó, có nhiều loại bị chết do không thể chịu đựng nổi nước ô nhiễm.
Ông Bùi Văn Quốc, ngụ ấp Thanh Bình, xã An Bình cho biết, tình trạng nước trên sông Vàm Cỏ Đông chuyển màu đen đã diễn ra từ hơn 3 ngày nay, ban đầu nước từ màu nâu đục chuyển dần sang màu nâu đen rồi đen kịt như hiện tại. Đồng thời, tại các tuyến kênh, nhiều loại cá nổi đầu, đớp móng liên tục giống như năm 2024 vừa qua.
Theo ông Quốc, hiện gia đình ông đang canh tác gần 5 ha lúa ven sông tại ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, hằng ngày ông đều phải qua lại đoạn sông này để thăm nom, chăm sóc lúa. Ngoài việc lục bình xuất hiện dày đặc, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, việc nguồn nước trên sông bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến ông hết sức lo lắng, không dám bơm vào ruộng tưới lúa vì sợ cây chết.
Ông Nguyễn Văn Hoà, ngư dân chuyên làm nghề đánh bắt thuỷ sản trên sông Vàm Cỏ Đông cho hay, hiện tại, nước sông đen ngòm, cá và một số loại thuỷ sản dồn vào trong các tuyến kênh nổi đầu, đớp móng liên tục. Nhiều người dân thấy vậy liền mang vợt đi bắt, người ít thì vài ký, người nhiều vài chục, thậm chí cả trăm ký. Đa số đều mang ra chợ bán chứ gần như không ai dám chế biến làm thức ăn.
Theo ông Hoà, tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm gần như năm nào cũng diễn ra, các loại thuỷ sản trên sông nhiễm độc, nên chết rất nhiều. Riêng gia đình ông có nuôi thêm một bè cá khoảng 40 mét vuông, chủ yếu là các loại cá tự nhiên, sau khi đánh bắt còn nhỏ nên thả lại nuôi. Tuy nhiên, vài ngày trước, khi nghe tin nước sông trên đoạn gần cầu Bến Sỏi bị ô nhiễm, ông đã vội vàng bán hết số cá đang nuôi, tránh thiệt hại.

Nhiều người dân sống ven sông thuộc ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền tỏ ra hoang mang cho biết, tình hình nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc đã ảnh hưởng đến sức khoẻ gia đình, nhiều người già, trẻ em bị bệnh về hô hấp như ho, chảy nước mũi, đau đầu… Nếu tình trạng này còn kéo dài, khả năng nước ô nhiễm sẽ thẩm thấu vào nước ngầm, tiềm ẩn nguy cơ nhiều căn bệnh liên quan đến ung thư.
Theo ghi nhận của người viết vào sáng ngày 8.5, đoạn sông Vàm Cỏ Đông qua bến phà khách ngang Gò Nổi – An Bình cho thấy, nước sông có màu đen kịt, bốc mùi hôi nồng, tại một đoạn kênh gần đó có rất nhiều cá đang nổi đầu đớp móng, một số con bị chết, xác nổi lềnh bềnh trên mặt nước đúng như người dân phản ánh.
Người dân không đồng tình với nguyên nhân gây ô nhiễm
Ngày 3.5.2025, Báo Tây Ninh có bài viết phản ánh tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua cầu Bến Sỏi bị ô nhiễm, trong đó có thông tin về nguồn gây ô nhiễm là do nước rỉ từ lục bình phân huỷ tại bến Huỳnh Vương (khu vực tập kết lục bình của công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công, đơn vị hợp đồng với Sở Xây dựng xử lý lục bình) chảy ra sông gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều người dân cho rằng, tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm một đoạn dài vài chục km, từ huyện Châu Thành đến địa phận huyện Gò Dầu là do nước phân huỷ lục bình là chưa thuyết phục.
Ông K, ngụ ấp Trường Ân, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành cho biết, hằng ngày ông đi ngang qua bến Huỳnh Vương, mặc dù có mùi hôi phát ra từ khu vực tập kết lục bình nhưng để kết luận nước từ đây gây ô nhiễm nước sông thì ông không đồng ý, vì với khối lượng lục bình tại bến Huỳnh Vương chỉ đủ làm ô nhiễm một đoạn ngắn, không thể làm cả chục km nước sông chuyển màu đen được.
Theo ông K, việc cơ quan chức năng yêu cầu đơn vị xử lý lục bình phải vận chuyển ngay lượng lực bình sau trục vớt là hoàn toàn đúng, vì việc để nước sau phân huỷ chảy ngược lại xuống sông cũng không nên dù ít hay nhiều.
Ông V.V.T, ngư dân chuyên đánh bắt thuỷ sản trên sông Vàm Cỏ Đông cho biết, khu vực bến Huỳnh Vương nằm tại xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành, nếu nước từ hoạt động phân huỷ lục bình gây ô nhiễm môi trường thì chỉ gây ô nhiễm khu vực hạ lưu sông, tức đoạn từ bến Huỳnh Vương xuống cầu Bến Đình. Trong khí đó, khu vực cầu Bến Sỏi nằm trên thượng nguồn, cách xa bến Huỳnh Vương vài chục km vẫn bị ô nhiễm. Do đó, ông V.V.T đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra các nguồn thải khác có thể gây ô nhiễm nguồn nước sông, trong đó, có các nhà máy chế biến nông sản nằm gần lưu vực sông Vàm Cỏ Đông.
Ông Huỳnh Long Định– Phó Giám đốc công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công cho biết, sau khi đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, lấy mẫu nước tại bến Huỳnh Vương, phía đơn vị đã tạm ngưng việc vớt lục bình tập kết tại đây, đồng thời vận chuyển số lục bình hiện có đi nơi khác, không còn tình trạng tồn đọng như trước đây.
Theo ông Định, công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công thực hiện xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông theo hợp đồng với Sở Xây Dựng (trước đây là Sở Giao thông vận tải) từ cuối năm 2022, công việc trục vớt, xử lý lục bình được đơn vị triển khai quanh năm, không có thời gian nghỉ, với số lượng máy móc, trang thiết bị nhiều hơn so với hợp đồng đã ký, thậm chí có lúc, đơn vị phải cho nhân công tăng ca liên tục trục vớt đến 16 tiếng/ngày. Do đó, ông rất mong cơ quan chức năng tỉnh sớm tìm ra nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện công tác xử lý lục bình theo hợp đồng đã ký, góp phần bảo đảm tuyến đường thuỷ trên sông Vàm Cỏ Đông được thông thoáng, thuận lợi có các phương tiện lưu thông.
Những ngày qua, Báo Tây Ninh liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nhiều đoạn trên sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm như đoạn sông qua cầu Bến Đình, rạch Vàm Bảo, đình Trường Tây, cầu Bến Sỏi và mới nhất là đoạn qua bến phà khách ngang sông Gò Nổi – An Bình.
Điều đáng nói là tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm gần như năm nào cũng diễn ra. Dòng Vàm Cỏ Đông với “nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng” đi vào thơ ca những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày nào đã và đang bị huỷ hoại vì ô nhiễm môi trường.
Thiện Đức