Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sông Vàm Cỏ Đông: Lục bình đã giảm
Thứ năm: 18:12 ngày 03/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm trước, thời gian này là lục bình dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông, gây khó khăn cho giao thông đường thủy và ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân sinh sống hai bên bờ sông. Năm nay, tình trạng lục bình đã giảm đáng kể.

Ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông mặt sông đã thông thoáng.

Những năm trước, ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông (đoạn trên địa phận Tây Ninh), nạn nục bình luôn là vấn đề nan giải đối với ngành chức năng và người dân làm ăn sinh sống, đi lại trên sông.

Do ở thượng nguồn mặt sông hẹp, dòng chảy uốn khúc quanh co nên lục bình thường xuyên ứ đọng cục bộ. Có những năm, tới kỳ thu hoạch lúa từ những cánh đồng dọc hai bên sông, nhưng nông dân không dùng xuồng ghe đi lại được trên sông.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) hợp đồng Công ty TNHH Huỳnh Vương xử lý lục bình. Tuy nhiên, Công ty này xử lý lục bình không đạt hiệu quả cao như yêu cầu đặt ra. Từ tháng 6.2020, Sở GTVT hợp đồng đơn vị khác là Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) thử nghiệm xử lý lục bình bằng máy vớt cắt lục bình. Từ  đó đến nay, loại bèo tây này giảm dần và bước đầu cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận.

Sáng 2.3, ở thượng nguồn sông Vàm không còn tình trạng lục bình ken cứng mặt sông như những năm trước. Ghi nhận tại khu vực cầu Cây Ổi (xã Hòa Thạnh- Phước Vinh, huyện Châu Thành), trên sông còn một vài khóm lục bình trôi theo dòng nước. Hai bên bờ sông còn những giề lục bình lớn hơn bám dính vào nhánh cây, bụi cỏ.

Mặt sông thông thoáng, các phương tiện giao thông đi lại dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Dung, ngụ ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, làm ăn sinh sống hơn 30 năm tại chân cầu Cây Ổi, nhận xét: “Năm nay, tình trạng lục bình giảm khoảng 30- 40 so với những năm trước.

Nguyên nhân, do có một số sà lan cắt, vớt lục bình thường xuyên hoạt động ở khu vực này. Nhờ vậy, thời gian qua, bà con đi lại trên sông thuận lợi hơn nhiều”. Người dân này nhớ lại, ba năm trước, vào mùa này lục bình ken kín mặt sông. Mật độ lục bình dày đến nỗi có thể dùng tấm ván để lên lục bình rồi lên đi bộ qua sông được. Người dân thu hoạch lúa không còn vận chuyển được bằng xuồng ghe mà phải chở lúa bằng đường bộ dọc theo hai bên bờ sông.  

Ở Cảng Bến Kéo, những phương tiện giao thông đường thủy kích thước lớn góp phần “nhốt” lục bình lại

Ở khu vực cầu Bến Sỏi (xã Thành Long, huyện Châu Thành), lục bình trên sông có phần nhiều hơn so với ở thượng nguồn, chủ yếu vướng vào hai bên bờ sông. Giữa dòng sông chỉ còn lác đác vài cụm trôi theo dòng nước lớn ròng. Một chiếc thuyền ch vật liệu xây dựng di chuyển nhẹ nhàng từ phía thượng nguồn về mà không gặp trở ngại như những năm trước.

Ông Phạm Văn Quang, ngụ ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long cung cấp thông tin, từ tết Nguyên đán đến nay, theo con nước lục bình trôi lên trôi xuống. Có lúc lục bình phủ gần kín mặt sông, nhưng tàu bè vẫn đi lại được bình thường.

Có lúc mặt sông gần như sạch hết lục bình. Nhìn chung so với những năm trước, tính đến thời điểm này tình trạng lục bình “đỡ” hơn trước nhiều, nhưng chưa biết thời gian tới như thế nào? Người nông dân này chia sẻ, gia đình ông có làm ruộng phía trên thượng nguồn, những năm trước, khi thu hoạch lúa, phải chờ nước ròng, lục bình trôi về hạ nguồn mới chở lúa về nhà được.

Năm nay, thời điểm này lúa chưa chín nhưng muốn ra thăm đồng là đi lúc nào cũng được. Ông cho hay, từ sau Tết nguyên đán đến nay thường nhìn thấy máy xử lý lục bình hoạt động ở khu vực này, nhưng cách diệt lục bình như thế vẫn chưa phải là cách hay nhất.

Theo ông Quang, cách tốt nhất là tỉnh ta làm sao giữ cho nước sông Vàm Cỏ Đông đừng bị ô nhiễm. “Nước sông bị ô nhiễm khoảng nửa tháng là lục bình sinh sôi nảy nở đầy sông”, ông Quang chia sẻ.

Cũng trong chiều 2.3, điểm lục bình ùn ứ nhiều nhất là ở khu vực cua quẹo ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền. Buổi trưa cùng ngày có 3 chiếc tàu chuyên vớt, vận chuyển lục bình của Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp đang hoạt động hết công suất.

Ông Huỳnh Long Uyên- một trong những người lái tàu xử lý lục bình cho biết: "Ngày hôm qua, các tàu này đều xử lý ở khu vực Bến Cây Sao, Bực Lở (xã Phước Vinh). Sáng nay cả 3 chiếc tàu này được điều về tập trung xử lý lục bình ở Gò Nổ.

Dự kiến, đến ngày hôm sau sẽ tiếp tục xuống trục vợt lục bình ở khu vực cầu Gò Chai (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Từ trước Tết âm lịch đến giờ, ngày nào chúng tôi cũng xử lý lục bình. Từ 7 giờ sáng làm đến chiều. Địa điểm nào lục bình nhiều, chúng tôi phải tăng ca đến 7, 8 giờ tối”.

Ở khu vực Cảng Bến Kéo (xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành), có khoảng 1/4 mặt sông có lục bình. Tuy nhiên, những giề lục bình này theo con nước chảy, trôi về hạ nguồn tạo thành một vệt dài dọc theo mặt sông. Vì thế những chiếc xà lan, thuyền, ghe lưu thông trên sông không bị ảnh hưởng gì cả.

Tại khu vực này có khúc cua, nhiều lục bình bị tấp vào bờ. Cộng với Cảng Bến kéo có nhiều sà lan, thuyền kích cỡ lớn neo đậu chờ lên, xuống hàng hóa. Những phương tiện giao thông đường thủy này góp phần “nhốt” lục bình lại bến Cảng.

Một số người dân gần Bến Cảng làm nghề đánh bắt cá trên sông, hoặc có ruộng bên kia bờ sông, thường xuyên dùng ghe, vỏ lãi di chuyển cắt ngang mặt sông vẫn còn gặp khó vì lục bình cản trở.

Xử lý lục bình tại khúc cua Gò Nổi.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Cuộc là một trong những trường hợp như thế. Trưa cùng ngày, ông Cuộc điều khiển chiếc vỏ lãi đi từ hướng bờ đối diện (xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành) vào gần cảng Bến Kéo.

Do lục bình ùn ứ dày đặt ở khúc của này nên ông Cuộc phải tăng ga hết cỡ và phải loay hoay một lúc, chiếc vỏ lãi mới cập bến được. Người dân này nhận thấy: “Từ Tết đến nay, lục bình loãng hơn mọi năm, nên đi lại tương đối dễ, không bị mắc kẹt giữa dòng như những năm trước”.

Nhưng theo kinh nghiệm của ông Cuộc, hiện nay, nước sông nhiều, nên lục bình loãng ra, sắp tới tháng 5 tháng 6, nước sông ít lại, những người làm nghề đánh bắt cá sẽ giở chà hai bên bờ sông, đẩy lục bình ra khỏi bờ, nhiều khả năng lục sẽ đầy bít mặt sông.

Càng xuôi dần về phía hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, tình trạng lục bình càng ít hơn. Tại khu vực cầu Bến Đình (xã Cẩm Giang, huyện Gò Gầu), lục bình chỉ còn vài khóm nhỏ trôi trên mặt nước.

Bà Nguyễn Thị Liên, sinh sống bằng nghề nuôi vịt tại chân cầu Bến Đình cho biết, theo quan sát của bà, tình hình lục bình năm nay “đỡ” hơn năm trước nhiều. Vì ngoài những chiếc tàu vớt lục bình, nhiều người dân trong xóm thường xuyên vớt lục bình làm thức ăn cho dế. “Tôi ở gần sông nên thấy có ngày mặt sông trống, không có lục bình. Có ngày, buổi sáng xuất hiện lục bình nhiều hơn một chút, buổi chiều trôi đi hết”, bà Liên cho hay.

Đại Dương

Sẽ tăng cường thêm một chiếc sà lan xử lý lục bình cỡ lớn

Trao đổi về công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, ông Huỳnh Lonh Định- Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp cho biết, trước tháng 1.2022 tới nay, đơn vị đã tham gia xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.

Hiện tại, Công ty có 4 sà lan chuyên dùng xử lý lục bình đang hoạt động, trong đó có 1 chiếc sà lan lớn và 3 chiếc sà lan nhỏ. Những phương tiện này vừa vớt, vừa chứa và chở lục bình vào bãi tập kết trên bờ. Khoảng giữa tháng 3 này, Công ty sẽ tăng cường một chiếc sà lan lớn có công suất vớt 5 ngàn mét vuông lục bình/giờ, sức chứa khoảng 200 khối/chuyến.

Theo ông Định, hiện tại, lục bình trên sông chỉ còn lại khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. “Mục tiêu năm nay của chúng tôi là xử lý lục bình hết mức có thể. Vì vậy vào những lúc cao điểm, các nhân viên làm việc đến 9- 10 giờ đêm”, ông Định nói.

Trường Giang

 

Thu mua lục bình

Chủ cơ sở Bảo Ngọc thu mua cọng lục bình để sản xuất hàng mỹ nghệ bán trong nước và xuất khẩu.

Gần một năm nay, ở chân cầu Bến Cây Ổi (ấp Cây Ổi, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành) có cơ sở Bảo Ngọc, chuyên thu mua cọng lục bình để sản xuất hàng mỹ nghệ bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những cọng lục bình có chiều dài từ 50cm trở lên được thu mua với giá 700 đồng/kg loại tươi và 18 ngàn đồng/kg loại khô. Nhiều người dân địa phương tranh thủ thời gian nông nhàn đi cắt lục bình trên sông, rạch, kênh mương đem về bán kiếm thêm thu nhập.

Chủ cơ sở này còn hướng dẫn người dân địa phương cắm cọc, giăng dây làm rào chắn, nuôi dưỡng lục bình ven hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Sau thời gian nuôi dưỡng khoảng 2,5 tháng, lục bình cao lớn, đủ tiêu chuẩn thu mua.

Sau khi thu hoạch, lục bình tiếp tục được nuôi dưỡng và chờ đến đợt thu hoạch tiếp theo. Lục bình được nuôi dưỡng trong rào chắn, giúp mặt sông thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông đường thủy đi lại trên sông.

Nếu mô hình này được nhân rộng thì có thể trở thành giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn nạn lục bình ùn ứ trên sông Vàm Cỏ Đông và biến loại bèo tây này trở thành tiềm năng phát triển kinh tế gia đình cho người dân hai bên sông Vàm.

Thảo nguyên

Tin cùng chuyên mục