Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sông Vàm Cỏ Đông: Lục bình dày đặc, nước sông chuyển màu đen
Thứ năm: 10:50 ngày 09/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm qua, nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa phận Tây Ninh liên tục bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên. Cùng với đó, tình trạng lục bình sinh sôi, phát triển dày đặc, cản trở lưu thông khiến người dân sống 2 bên bờ sông vô cùng bức xúc.

Phương tiện trục vớt lục bình bị hư hỏng không hoạt động.

Nước sông lại ô nhiễm

Hơn 10 ngày nay, nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành đến xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, bị chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối rất khó chịu khiến người dân sống ven bờ sông vô cùng bức xúc.

Ông Lê Thanh Bình, ngụ ấp Trường Huệ, xã Trường Tây (thị xã Hoà Thành) cho biết, người dân phát hiện nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông có hiện tượng ô nhiễm từ ngày 28, 29.4 (trước kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua), nước sông đoạn qua khu vực ấp Trường Huệ đột nhiên đổi thành màu đen, trên mặt sông có nhiều váng dầu, nước bốc mùi hôi nồng rất khó chịu. Đặc biệt, mùi hôi càng nặng hơn vào ban đêm; khi ngửi lâu có cảm giác muốn nôn ói. Trên mặt sông, có nhiều con cá nhỏ nổi đầu, đớp móng liên tục, có lẽ do thiếu oxy, một số ít cá trắng bị chết, được người dân vớt lên bờ.

Theo ông L.T.T (ngụ ấp Trường Ân, xã Trường Đông), tình trạng nước sông đoạn qua khu vực này bị ô nhiễm là vấn đề bức xúc mà gần như năm nào cũng xảy ra đúng vào dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5. Nước sông ô nhiễm không những huỷ hoại môi trường tự nhiên mà còn làm nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đảo lộn đời sống của những người dân nơi đây.

Theo ông T, người dân sống ven bờ sông từ khu vực đình Trường Tây (thuộc ấp Trường Huệ, xã Trường Tây) đến khu vực đình Trường Đông (thuộc ấp Trường Ân, xã Trường Đông) đều sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, nên rất lo ngại về tình hình ô nhiễm trên sông sẽ thẩm thấu vào nước ngầm, nếu sử dụng thời gian lâu dài sẽ phát sinh nhiều bệnh tật, nhất là những bệnh liên quan đến ung thư. Vì vậy, ông kiến nghị ngành chức năng cần tìm ra nguyên nhân và xử lý triệt để vấn đề này.

Ông Trần Khắc Phục – Trưởng phòng Quản lý môi trường kiểm tra thực tế khu vực sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua  thị xã Hoà Thành.

Lục bình dày đặc, cản trở lưu thông

Cũng theo phản của người dân, thời gian gần đây, khu vực từ cảng Bến Kéo đến gần chùa Cẩm Phong (thuộc xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu), lượng lục bình xuất hiện dày đặc khiến các phương tiện lưu thông trên sông gặp nhiều khó khăn, nhất là những người dân canh tác lúa phía bên kia sông, nhiều trường hợp ghe nhỏ bị kẹt cứng giữa sông, trôi theo dòng nước không thể vào bờ.

Ông Lê Hoàng Hận, nhà ở ấp Trường Huệ, xã Trường Tây đang canh tác hơn 1 ha lúa mới gieo gần 10 ngày tại xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành cho biết, để thuận tiện trong việc chăm sóc lúa, mấy ngày này ông phải ăn ngủ lại tại ruộng vì lục bình trên sông ken cứng, ghe thuyền nhỏ của người dân không thể di chuyển được.

Theo ông Hận, từ sau tết Nguyên đán năm 2024, lục bình bắt đầu xuất hiện nhiều trên đoạn sông từ cảng Bến Kéo trở về đây, có lúc ít, có lúc lục bình phủ đầy mặt sông nhưng không quá dày, ghe thuyền của ông và người dân vẫn qua lại được. Tuy nhiên, khoảng hơn một tuần nay, lượng lục bình tại đoạn sông này phát triển dày đặc, ken cứng khiến các ghe nhỏ gần như không thể di chuyển được. Để thuận tiện canh tác, ông và một số hộ có ruộng phía bên kia sông phải mang đồ đạc sang ngủ tạm vài ngày, đợi lúc giãn giãn lục bình thì chạy về lấy thức ăn, nước uống để tiếp tục chăm sóc lúa.

Ông Lê Thanh Bình, ngụ ấp Trường Huệ, xã Trường Tây (thị xã Hoà Thành) lo lắng khi nước sông chuyển sang màu đen

Còn theo ông Lê Thanh Bình, mấy ngày gần đây có rất nhiều ghe nhỏ bị mắc kẹt bởi lục bình, phải nhờ xà lan lớn kéo về.

“Sáng giờ có mấy người cố gắng đi qua sông, đến đoạn giữa dòng thì mắc kẹt, giờ chắc trôi tới Bến Kéo hay chùa Cẩm Phong rồi. Lục bình nhiều quá mà không thấy mấy tàu vớt lục bình hoạt động gì hết trơn”- ông Bình nói thêm.

Còn theo nhiều người dân tại xã Trí Bình, huyện Châu Thành, đoạn sông Vàm Cỏ Đông từ gần cầu Bến Sỏi (thuộc ấp Xóm Ruộng xã Trí Bình) đến khu vực gần giáp với biên giới từ hơn một tháng nay, lúc nào lục bình cũng phủ khắp mặt sông khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Lượng (ngụ ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình) cho biết, ông có chăn nuôi vịt nhốt ở phía bên kia sông (thuộc xã Hoà Hội), hằng ngày phải qua lại trên sông này nhiều lần. Vì lục bình quá nhiều, ông phải canh những lúc nước lớn, mặt sông rộng, lục bình giản ra để đi qua sông.

Theo ông Lượng, những ghe chèo bằng tay gần như không thể đi được, người dân phải trang bị máy có công suất lớn để vượt sông, nhưng cũng phải ngồi canh cả buổi, chờ lúc có khoảng trống mới dám đi.

Theo một lãnh đạo UBND xã Trí Bình, tình trạng lục bình ùn ứ trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua xã Trí Bình đã được người dân phản ánh với chính quyền địa phương nhiều lần. UBND xã cũng đã tiến hành kiểm tra thực tế và có báo cáo với UBND huyện Châu Thành, đề nghị đơn vị trục vớt lục bình đến xử lý nhưng chưa thấy thực hiện. Trong khi tình trạng lục bình dày đặc gây cản trở giao thông đường thuỷ, khiến người dân trên địa bàn hết sức bức xúc.

Chưa rõ nguyên nhân nước sông ô nhiễm

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 3.5, ông Trần Khắc Phục- Trưởng phòng Quản lý môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) đến khảo sát thực tế khu vực sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua cầu Gò Chai (thuộc hai xã Long Vĩnh và Thanh Điền, huyện Châu Thành) và đoạn sông từ bến Huỳnh Vương (thuộc ấp Trường Ân, xã Trường Đông) đến khu vực cầu Rạch Rễ Giữa (ấp Trường Huệ, xã Trường Tây).

Qua kiểm tra, đoạn sông qua cầu Gò Chai nước có màu xanh hơi đục, không ghi nhận mùi hôi, riêng đoạn sông từ bến Huỳnh Vương đến khu vực cầu Rạch Rễ Giữa nước có màu đen, có mùi hôi nhẹ, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu kiểm nghiệm nhằm xác định mức độ ô nhiễm.

Đoạn sông bị ô nhiễm.

Theo ông Phục, qua kiểm tra thực tế chưa ghi nhận nguồn xả thải gây ô nhiễm, vì nước trong các kênh chảy ra sông không có hiện tượng màu đen, nước chỉ hơi đục do người dân xả ra từ hoạt động làm đất, gieo xạ vụ hè thu. Sở đã chỉ đạo phòng Tài Nguyên và Môi trường các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Hoà Thành tiến hành kiểm tra những đoạn sông còn lại.

Riêng đoạn sông từ cảng Bến Kéo đến Đình Trường Đông đang có hiện tượng nước chuyển sang màu đen, có thể bị ô nhiễm, Sở sẽ yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hoà Thành kiểm tra tất cả các cơ sở chế biến, sản xuất tinh bột mì trên địa bàn, nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý theo quy định.

Sẽ tăng cường xử lý lục bình

Trao đổi về vấn đề xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, ông Huỳnh Long Định - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công (đơn vị được Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh ký hợp đồng xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông) cho biết, theo khảo sát của đơn vị, hiện nay sông Vàm Cỏ Đông có 2 đoạn có nhiều lục bình là đoạn từ cảng Bến Kéo đến chùa Cẩm Phong và đoạn từ gần cầu Bến Sỏi đến khu vực bến Băng Dung (xã Phước Vinh). Để thực hiện công tác xử lý lục bình, đơn vị đã tăng cường 8 phương tiện trục vớt, xử lý lục bình. Mỗi ngày đơn vị triển khai trục vớt liên tục 16 tiếng (chia thành 2 ca), kể cả thứ bảy, chủ nhật.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, có hai máy bị hư hỏng, đơn vị đang gấp rút sửa chữa. Trong vài ngày tới, đơn vị sẽ tăng cường thêm một máy vớt để xử lý lục bình. Dự kiến khoảng một tuần nữa, lục bình sẽ được kéo giảm.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục