Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Người ta nhắc đến Thiên Cầm (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), một vùng non xanh biển biếc. Núi sông, biển cả kiến tạo nên một dáng vẻ địa hình riêng biệt...
Ánh biển Thiên Cầm. Ảnh: Hương Thành.
Bắt nguồn từ non cao, qua bao miệt mài rồi con sông cũng tìm về với biển. Biển thì rộng lượng, bao dung đón nhận bao nhiêu là nguồn mạch mà thành đại dương mênh mông.
Miền đất Kỳ La - Thiên Cầm là địa danh có từ lâu đời trong sử sách. Thuở mới kiến tạo quốc gia Đại Việt, mạch đất kéo dài từ Nam Giới đến Hoành Sơn là biên viễn, là cương vực phân chia lãnh thổ.
Biển Kỳ La, núi Thiên Cầm, Tượng Lĩnh rồi Cao Vọng là chốn dừng chân của bao cuộc hành tiến về phương Nam của ông cha trên đường hải đạo để mở cõi.
Thế cuộc thì phế hưng bao lớp mà sóng biển vẫn nguyên sơ muôn thuở bạc đầu. Bàn tay bày đặt của tạo hóa dựng nên một bức tranh kỳ thú, hội tụ đủ non xanh, biển biếc, cửa biển chiều hôm và một vệt xanh nằm bên bờ đại dương đã hình thành nên cộng đồng làng xã từ thuở khai thiên lập quốc.
Biển Kỳ La - Thiên Cầm lấn sâu vào đất liền thành vịnh chừng 5 km, bạc đầu sóng vỗ lên bờ bãi mịn màng.
Phía Bắc Cầm Sơn vang vọng đàn trời. Hướng Nam mênh mang cửa bể. Ngọn Tượng Lĩnh như đầu voi cố nhoài ra biển, tạo nên 2 bức bình phong thiên tạo mà trấn giữ biển Kỳ La như bài giặm vè mà dân chúng truyền lại:
Sao Giới Nam dọi lại
Sóng Đông Hải chầu về
Sáo thiên thổi vo ve
Bóng tà dương man mác
Áng mây lồng man mác
Từ bao đời, cuộc lênh đênh hải hồ xuôi ngược mưu sinh để bao lớp trạo phu buồm căng, gió lộng, vỗ nhịp mạn thuyền mà hát khúc ca đời thanh bình, ru cuộc nhân sinh muôn thuở.
Khác với bao miền duyên hải khác, đất Kỳ La - Thiên Cầm được nhắc đến nhiều trong địa chí, chính sử với nhiều huyền tích và sự kiện…
Chùa Cầm Sơn, một địa chỉ văn hóa tâm linh của người dân Thiên Cầm và các vùng lân cận. Ảnh: sỹ ngọ.
Kỳ La xưa thuộc tổng Vân Tán. Cư dân thuần phác bám vào đất đai vắt mạch từ ruột đất, dầm mình dưới đại dương mà tồn tại. Ngọn Thiên Cầm như thú hoang không theo kịp bầy đàn về đại ngàn đành nằm lại bên bờ đại dương.
Non xanh đá dựng sóng cuộn quanh mình. Nào là đá chum, đá vò rượu, bàn cờ, đá trống chiêng để dậy lên bao âm thanh muôn thuở của bản nhạc muôn đời.
Có phải thế chăng mà người ta vẫn gọi là Thiên Cầm như là tiếng vọng của đàn trời, hợp tấu thiên nhiên hoang dã đi vào tiềm thức người đời.
Ví như bao lớp sóng kia bạc đầu bởi khi hưng khi phế. Thế sự thì đổi thay, thiên sự thì biến cải. Mấy trăm năm về trước, do chỗ dòng Kỳ La chảy phía Bắc Cầm Sơn chứ không phải phía Nam là Cửa Nhượng như bây giờ mới có hồi kết của vương triều Nhà Hồ mùa hạ năm 1407.
Buổi ấy, khi chính sự rối ren, cơ ngơi ở Bắc Hà tan vỡ, cha con bậc đế vương Hồ Quý Ly chạy vào miền Hóa Châu.
Đến biển Kỳ La, trông vời non trùng sóng bạc đành tìm ngọn núi lẻ bầy trú thân. Kết cục là bị tướng Minh Trương Phụ bắt giải về Kim Lăng bên Trung Quốc.
Từ đó, Thiên Cầm lại mang tên rú Cùm. Vẫn đây hang Hồ, đường bắt. Vẫn còn dấu tích người xưa khi lên chùa hương khói. Non xanh tạc chuyện bi thương:
Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn
Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu
(Người tiều phu ở núi Na - NGUYỄN DỮ)
Thời gian trôi theo vòng nhật nguyệt và gửi lại dấu tích cho đời sau. Ngôi chùa cổ tọa lạc sườn non vẫn thản nhiên hương khói. Trải mấy đổi thay, con người vẫn lần tìm về cõi Phật. Nhịp vọng khoan thai, âm thanh trộn ánh dương tà mà vọng xuống cuộc đời nhân thế.
Tiếng chuông Cầm Sơn tự loang xa với thế tục, với bao lớp sóng mặc nhiên vỗ trên biển biếc bao la. Như là đức tin, như là hướng thiện, nơi đây là chốn tịnh tâm cho con người an lạc, cho quốc thái dân an.
Hè trên biển Thiên Cầm. Ảnh: Hương Thành.
Vậy là mạch đất Kỳ La - Thiên Cầm có sự hợp duyên giữa thiên nhiên kỳ thú và ánh sáng trầm tích văn hóa từ ngàn xưa hội tụ. Thắp nén nhang thành kính bái vọng Phật đài, tắm biển Thiên Cầm nước xanh như màu ngọc bích, đẫm mình trong tiếng sóng mà lắng sâu vọng tiếng đàn trời.
Thả mình trong không gian xanh vô tận mà ngẫm về quá khứ, về cuộc đời và những gì đã và đang chảy theo dòng xanh vô tận.
Những kết quả từ thiên tạo và nhân tạo đã khoác lên Thiên Cầm - Kỳ La vẻ đẹp vừa quyến rũ, kỳ bí để con người nối nhau tìm đến chiêm ngưỡng mà thư giãn với bao điều thú vị từ mạch đất, ngọn sóng như quà tặng vô giá của thiên nhiên.
Sự vật đến rồi qua theo bao lớp sóng. Duy có Kỳ La - Thiên Cầm như một chấm son xanh màu cổ tích. Núi non biển cả đón sóng vỗ muôn đời, gió ru muôn thuở cho vang vọng đàn trời. Một vệt xanh Thiên Cầm vừa huyền tích, vừa trang nhã luôn lấp lánh cùng thời gian.
Sóng vỗ Thiên Cầm hay tiếng sóng lòng ta mà mỗi lần đến Kỳ La - Thiên Cầm, tâm hồn ta thêm khoáng đạt và dậy lên những cung bậc như tiếng đàn trời, như gió reo đầu ngọn sóng vỗ mãi với thời gian.
Nguồn Báo Hà Tĩnh