Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sông xưa, một thuở Lên Ngàn 

Cập nhật ngày: 06/10/2021 - 00:46

BTN - Nghe câu hát này lên, đa số người Tây Ninh đã biết ngay sông xưa đó là con sông nào rồi. Và bài hát là bài Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt, được viết ngay sau mùa lũ Nhâm Thìn 1952 lịch sử. Thì đúng là như thế, nhưng chưa đầy đủ.

Sông Vịnh

“Hò ơ… Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi

Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng…”

Vì đã lên tới Trảng Cồng cho “em cắt lúa thay chồng (ơ) nuôi con” thì còn phải ngược hàng chục cây số trên dòng sông Vịnh nữa. Sông Vịnh xưa còn có tên là sông Bến Đá, hoặc rạch Sóc Om.

Sông Vàm Cỏ Đông, thời triều Nguyễn còn gọi là sông Quang Hoá. Trịnh Hoài Đức trong sách “Gia Định thành thông chí” đã mô tả khá kỹ về sông này, suốt từ hạ nguồn lên tới thượng nguồn sông: “24 dặm rưỡi thì đến cửa sông Khê Lăng (rạch Tây Ninh), 91 dặm rưỡi đến thủ sở Quang Phong, tiếp địa giới Cao Mên, gặp đường ngang sứ Cao Mên sang cống (nay thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát)”.

Ông cũng viết rõ: “Lên phía Tây, thì nước chia hai ngả, ngả bắc (tục danh là Cái Bát) đi về phía bắc hơn 100 dặm thì cùng nguồn, ngả tây (tục danh Cái Cậy) đi về phía tây hơn 150 dặm nữa là cùng nguồn, đều là đất liền với rừng Quang Hoá”. Nơi “Nước chia hai ngả” ấy nay chính là Vàm Trảng Trâu, ngày nay đã có một cây cầu bê tông vững chãi bắc qua, nối liền 2 xã Phước Vinh và Biên Giới, huyện Châu Thành.

Thế mà Trịnh Hoài Đức cũng đã “bỏ sót” một dòng nhánh quan trọng nữa của sông Vàm. Chính là sông Bến Đá, còn gọi là sông Vịnh. Sách “Đặc điểm khí hậu - thuỷ văn tỉnh Tây Ninh” (Sở Khoa học và công nghệ Tây Ninh, năm 2020) mô tả: “Sông Bến Đá bắt nguồn tại 106 o 02’ 20” KĐ, 11o 53’ 45 VB ở độ cao 165 mét, sông dài 84km…

Sông Bến Đá đổ vào sông Vàm Cỏ tại vị trí 105 o 56’ 50” và 11o 20’ 55” VB, cách cửa sông Vàm Cỏ 188km”. Căn trên bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh, ta sẽ thấy điểm đầu sông ở bên kia biên giới nhưng rất gần với suối Chor, chảy qua di tích Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Còn điểm cuối chính là ở giữa 2 ấp Trường của Hảo Đước và Phước Thạnh của Phước Vinh. Gần đây là tuyến kênh đưa nước thuỷ lợi Lòng Hồ đi sang miền hữu ngạn sông Vàm Cỏ.

Trở lại với bài ca Lên ngàn của Hoàng Việt. Khi ông viết: “Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi” thì chúng tôi ngờ rằng cái hình ảnh nước xiết ầm ào lũ đổ ấy là hình ảnh của dòng sông Vịnh. Bởi muốn tới Trảng Cồng thì nhất thiết phải ngược dòng sông cho tới bến Lon.

Từ bến Lon lại ngược rừng sang ấp 1, xã Phước Vinh. Mà không ở đâu có nước xiết mạnh trong mùa lũ như sông Vịnh, đặc biệt là trong mùa lũ Nhâm Thìn 1952. Năm ấy, nhạc sĩ Xuân Hồng, một người con của quê hương Tây Ninh cũng có mặt tại nơi sinh ra bài hát Lên ngàn.

Trong bài “Nhớ về một người bạn”, sách “Hoàng Việt- bản tình ca đời đời của nhạc sĩ anh hùng” ông nhớ lại: “Vào đúng tháng 10 âm lịch năm ấy, một trận bão lụt mà từ nhỏ tới giờ tôi chưa từng thấy, đã nhận chìm hầu như toàn bộ ruộng lúa sắp chín trên một vùng rộng lớn, trong đó có các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu, Gò Dầu thuộc tỉnh Tây Ninh.

Hàng ngàn mái nhà sụp đổ, hàng trăm người chết, gây cảnh đau thương tang tóc trong nhân dân. Chỉ một vùng rẫy (nương) rất nhỏ ở tại Trảng Cồng thuộc xã Hoà Hiệp là không bị ngập/ Nhân dân các xã kéo nhau về Trảng Cồng để đi gặt lúa mướn, đi mót lúa rơi để độ nhật qua ngày/ Trong số đoàn người ngược dòng sông Vàm Cỏ hướng về rẫy Trảng Cồng, có đoàn Văn công Phân liên khu miền Đông (nơi Hoàng Việt công tác) và đoàn Tuyên truyền lưu động (huyện Châu Thành) của chúng tôi…

Chúng tôi đi xin cắt lúa mướn, được nhân dân “chiếu cố” nhận cho làm, có nơi còn cho ăn cơm độn khoai mì, vậy là rất vững bụng. Chỉ thương các chị, các cô, con bế con bồng, có khi xin làm mướn không dễ, vì quá đông người, phải đi nhặt từng hạt lúa rơi vãi, chỉ mong có được nồi cháo trong ngày.

Những cảnh ấy đều lọt vào mắt người nhạc sĩ tài năng của chúng ta. Bài Lên ngàn đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. Bài hát đã được Đoàn chúng tôi dàn dựng cho anh Duy Phụng đơn ca, đã được bộ đội và nhân dân đón mừng nồng nhiệt…”.

Đọc bài Nhớ Hoàng Việt của nhà thơ Bảo Định Giang, ta càng có thể khẳng định rằng dòng sông Vàm Cỏ Đông trong lời ca Lên ngàn chính là sông Vịnh. Đấy là vào cuối 1952: “Nước vừa rút, hai anh em chúng tôi có dịp cùng đi công tác ở Đước Hoà Bình…

Hết hạn công tác ngắn ngày, chúng tôi chuẩn bị về lại căn cứ (DMC- TV). Giờ chót, Hoàng Việt thay đổi ý kiến, đề nghị tôi về trước, anh sẽ về sau, sau khi đi thăm rẫy Trảng Cồng, nằm sát ven sông Vàm Cỏ Đông. Có lẽ anh bị xúc động nhiều bởi tiếng than của chị chủ nhà- nơi chúng tôi ở về cuộc sống đang bị đe doạ bởi lũ lụt…”.

Cái rẫy nằm sát bên sông ấy, thì chỉ có thể là sông Vịnh mà thôi! Và Trảng Cồng cũng còn cách bờ sông khoảng 2-3 cây số. Ngày nay nơi đây đã trở thành một rừng cao su đang khai thác, đẹp tuyệt vời. Đẹp, là bởi luồn lách giữa rừng cây là một con suối nhỏ trong veo chảy ra suối Tổng Du thuộc xã Phước Vinh rồi đổ ra sông Vịnh. Vào mùa cao su đổ lá, chắc nơi này sẽ đẹp không kém một Mùa thu vàng trong tranh Levitan đã nổi tiếng toàn thế giới.

Khoảng năm 2012-2013, cũng giữa mùa nước lớn có đoàn làm phim của HTV lên Tây Ninh để làm phim ký sự: “Vàm Cỏ Đông, dòng sông đời người”. Dĩ nhiên, đoàn sẽ đi suốt tuyến sông chính là sông Cái Bắc ngược rừng Lò Gò - Xa Mát.

Đến khi biết rẫy Trảng Cồng nằm bên bờ sông Vịnh, thì đoàn lại quyết đi ghe trên toàn tuyến sông này. Linh mục Nguyễn Khắc Hoài- Chánh xứ giáo xứ Bến Trường đã giúp đoàn bằng cách vận động anh Duy, một giáo dân có ghe máy lớn đưa đoàn làm phim ngược dòng sông Vịnh.

Tới đây lại có thêm yêu cầu, tìm một ca sĩ nữ hát Lên ngàn ngay trên dòng sông. May mà có cô ca sĩ (kiêm cô giáo) tên Thanh Ngọc nhận lời. Thế là trên đoạn sông ở gần cầu Vịnh có cảnh người con gái của thời hôm nay đang hát bài ca của hơn 60 năm trước. Bài ca đưa người xem trở lại một thời bi tráng trên dòng sông mà con người Tây Ninh từng lập nên bao chiến công trong các thời kỳ giữ nước, chống ngoại xâm…

Theo đoàn làm phim, để có một chuyến “để đời” trên sông Vịnh. Sông không rộng lắm. Cầu Vịnh chỉ dài 54m. Tức là dòng qua đây chỉ rộng trên dưới 40m. Ngược lên, dòng nước cuộn xoáy lên chỉ một màu phù sa óng ả, tươi hồng. Đôi bờ vẫn là ngun ngút tre pheo.

Sau tre là những vườn cao su chạy dài hun hút. Có đoạn sông mở rộng lòng ra, cho nước dềnh lên, lai láng. Có nơi sông lại thắt vào, khiến hàng tre đôi bờ giáp ngọn vào nhau, chỉ đủ chỗ cho con thuyền bươn tới, lách qua.

Qua đoạn sông mà bà con Khmer Chót Mạt gọi là Rạch Tre, đã có thêm một cây cầu máng đưa dòng kênh Tân Hưng trườn sang Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Lên nữa không xa lại thấy cây cầu Rạch Tre bắc từ ấp Xóm Tháp sang ấp Hoà Đông A, Hoà Hiệp.

Vài năm gần đây, lại đã có thêm cây cầu bến Lon dài 57,9m nối từ Hảo Đước đi sang ấp 1, Phước Vinh. Cái bến sông này sẽ đưa ta đến Trảng Cồng. Khi chưa có cầu, bến có một con phà vuông, qua lại bằng dây kéo. Dù qua cầu nào thì khi nhìn, luôn thấy một dòng hõm xuống. Luôn là một quang cảnh kỳ bí, lạ lùng, hun hút những thẳm sâu. Sông như ẩn chứa bao điều còn bí mật của tự nhiên, và cả…. những đời người.

Trần Vũ

(còn tiếp)