Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sony đang 'hụt hơi' trước các đối thủ
Thứ ba: 09:11 ngày 19/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chiến lược bảo thủ, không tận dụng được công nghệ sẵn có khiến mảng điện thoại của Sony đi xuống và có nguy cơ trở thành "HTC thứ hai".

Sony là thương hiệu không xa lạ trên thị trường di động. Trong những năm 2000, không ít mẫu điện thoại nghe nhạc hay, chụp ảnh đẹp được đón nhận dưới liên doanh Sony Ericsson. Năm 2007, thị phần điện thoại Sony Ericsson chiếm khoảng 9% trên toàn cầu.

Sony từng có tham vọng lớn với smartphone Android. Ảnh: Phonearena.

Đến 2010, liên doanh này lần đầu bước chân vào thế giới Android với một số model đáng chú ý, như Xperia X10 và Xperia Arc. Một năm sau, Sony quyết định mua lại cổ phần của Ericsson và đổi tên bộ phân di động là Sony Mobile.

Sau khi đạt được 5% thị phần smartphone toàn cầu năm 2013, Sony Mobile đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới. Thậm chí, họ còn muốn trở thành "Apple trong giới Android" bằng những sản phẩm cao cấp.

Sai lầm đầu tiên

Khác với iOS chỉ dành riêng cho iPhone, thế giới Android rộng lớn hơn nhiều. Người dùng có rất nhiều lựa chọn từ Samsung, HTC... để có trải nghiệm tương tự, nhưng Sony có vẻ không nhận ra điều này. Đưa ra giá bán cao hơn mặt bằng chung để xây dựng hình ảnh cao cấp, trong khi không thực sự có tính năng đột phá khiến hãng bắt đầu trượt dài. Từ 2014, lượng máy bán ra sụt giảm, chiến lược tiếp thị lại tỏ ra không hiệu quả và hãng cũng không giảm giá để thu hút khách hàng.

Một trong những sai lầm của Sony tại thị trường Mỹ là hời hợt trong việc liên kết cùng nhà mạng. Nguyên nhân được cho là do Sony không muốn thực hiện các điều chỉnh cho điện thoại mà nhà mạng yêu cầu, cũng như không đạt thỏa thuận chia doanh thu. Do đó, doanh số bán hàng giảm đáng kể và việc quảng bá thương hiệu với khách hàng tiềm năng bị hạn chế.

Thiết kế bảo thủ

Khi còn liên doanh với Ericsson, Sony thường thử nghiệm thiết kế và hình dạng khác nhau cho điện thoại. Thế nhưng, từ khi hoạt động độc lập, họ lại hướng tới những mẫu trông nghiêm túc hơn, phù hợp với doanh nhân.

Hầu hết smartphone Sony đều có thiết kế tương tự nhau. 

Trong nhiều năm, hãng điện tử Nhật liên tục ra các dòng Xperia gần giống nhau cả về kiểu dáng lẫn trải nghiệm phần mềm và áp dụng từ bản giá rẻ đến cao cấp. Sự bảo thủ này khiến người dùng cảm thấy nhàm chán và dần chuyển sang iPhone hoặc những mẫu Android đa dạng hơn.

Sony cũng có một vài nỗ lực đổi mới, đáng chú ý nhất là Tablet P - máy tính bảng năm 2011 có hai màn hình, có thể gập lại. Tuy vậy, công nghệ khi đó chưa đủ để nó hữu dụng trong thực tế, khiến sản phẩm bị "khai tử" sau một thời gian ngắn.

Không tận dụng được lợi thế

Một trong những lợi thế của Sony là khả năng chụp ảnh. Hãng có hẳn một công ty con chuyên sản xuất cảm biến máy ảnh cho rất nhiều smartphone hiện nay, có cả iPhone XS Max.

Trong thời gian dài, Sony đặt cược vào cảm biến 23 megapixel trên Xperia, trong khi các đối thủ như Samsung, HTC, Apple dùng cảm biến 12 megapixel. Không ít người nghĩ rằng công ty Nhật đang nắm lợi thế, nhưng thực tế là cảm biến độ phân giải 12 "chấm" cho hình ảnh với độ nhiễu kỹ thuật số thấp hơn, từ đó ảnh chụp rõ ràng hơn dù số pixel thấp hơn.

Việc không sử dụng chống rung quang học (OIS) khá lâu, cũng như ưu tiên một số tính năng kém thiết thực, như quay video 960 khung hình/giây, cũng làm cho smartphone Xperia mất lợi thế trước đối thủ.

Sony chậm chạp thay đổi để phù hợp xu thế. 

Sony còn chậm thích ứng với xu hướng thị trường. Chiếc flagship màn hình OLED đầu tiên của họ xuất hiện năm ngoái, dù các nhà sản xuất khác khác có từ lâu. Cũng phải đến 2018, thiết kế viền mỏng mới được Sony áp dụng sau thời gian dài trung thành với thiết bị có viền trên và dưới dày cộm. Chưa kể, họ còn loại bỏ giắc cắm tai nghe, đồng nghĩa khả năng nghe nhạc - điều từng là niềm tự hào trong quá khứ - bị hạn chế.

Từ tham vọng trở thành đế chế Android, Sony hiện sản xuất không nhiều smartphone và cũng âm thầm rút lui tại một số thị trường, như Đông Nam Á. Theo báo cáo của Sony, họ chỉ xuất xưởng khoảng 7 triệu điện thoại năm 2018, tương đương lượng máy bán ra trong hai tuần của ba nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới. Một số chuyên gia cho rằng, nguy cơ trở thành "HTC thứ hai" của Sony hoàn toàn là điều có thể.

Nguồn VNE (theo PhoneArena)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục