Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để giúp người dân tránh bị “sập bẫy” ma trận thông tin của giới đầu cơ đất tại các vùng quê, vùng nông thôn, có ý kiến cho rằng chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin quy hoạch, công khai, minh bạch cho người dân.
Lời rao có cánh về đất nền giá rẻ nhưng phía dưới lại có câu “mẫu trên Facebook” dễ đánh lừa người dân quảng bá trên mạng xã hội Facebook.
Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt đồng bộ và phủ kín 100% quy hoạch chung đô thị đối với 9/9 đô thị hiện hữu, 100% quy hoạch phân khu khu vực đô thị hiện hữu. Các phường, trục đường chính trên địa bàn Thành phố và các trung tâm thị trấn các huyện cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết đô thị giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2005, còn lại thực hiện theo quy chế quản lý kiến trúc, cơ bản đáp ứng yêu cầu về quản lý và hướng đến phê duyệt đồng bộ và phủ kín quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 71 xã được lập quy hoạch chung xây dựng xã thời kỳ quy hoạch đến năm 2020.
Chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn do nhiều nguyên nhân
Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, căn cứ Luật Đất đai năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện (từ năm 2015 đến nay). Ngoài ra, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hằng năm đối với các huyện, thị xã, thành phố có đề nghị để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình hoặc nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Việc công bố, công khai các quy hoạch đã phê duyệt được các địa phương thực hiện bảo đảm theo quy định (với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị; phổ biến trên đài truyền thanh cấp huyện, trạm truyền thanh cấp xã; lắp đặt pa-nô bản đồ quy hoạch nơi công cộng, niêm yết tại bộ phận Một cửa…), nhưng nhìn chung, hiệu quả mang lại chưa cao, thực tế không ít người dân chưa nắm được những quy hoạch đã phê duyệt trên địa bàn cư ngụ, việc người dân tiếp cận và hiểu các bản đồ quy hoạch chuyên ngành là rất hạn chế.
Một số khu vực quy hoạch chậm triển khai thực hiện trong thời gian dài nhưng chưa được điều chỉnh, huỷ bỏ gây khó khăn cho người dân có nhu cầu về nhà ở để ổn định cuộc sống. Công tác quy hoạch một số khu vực chưa đồng bộ, còn chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chậm được điều chỉnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khu vực đang quy hoạch, dẫn đến tình trạng: người dân có đất phù hợp quy hoạch xây dựng nhưng không thể chuyển mục đích sử dụng đất và ngược lại; tình trạng một số tuyến đường tuy cùng lộ giới nhưng có tim đường theo quy hoạch và hiện trạng chưa trùng khớp...
Nhìn chung, “điểm nghẽn” về quy hoạch có hướng giải quyết trong giai đoạn tới nhưng trong giai đoạn hiện nay khi thời kỳ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã hết. Quy hoạch tỉnh chưa có nên địa phương còn lúng túng khi xem xét đối với từng dự án cụ thể.
Việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 đang được tổng hợp theo nhu cầu sử dụng đất của các ngành và địa phương, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia hiện chưa phân bổ cho cấp tỉnh. Vì vậy, khả năng phải điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi quy hoạch tỉnh được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng là quy hoạch. Tuy nhiên, công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Về chất lượng quy hoạch, một số quy hoạch đã lập trước đây bị lạc hậu, không theo kịp thực tế phát triển của địa phương gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư, cản trở sự phát triển; một số khu vực giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chồng chéo, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khu vực đang quy hoạch nhưng chậm được điều chỉnh.
Việc các xã chưa có quy hoạch chi tiết điểm xây dựng dân cư nông thôn dẫn đến khó khăn trong quản lý nhà nước về xây dựng ở nông thôn. Trong khi đó, các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới hầu như chỉ đáp ứng được yêu cầu là làm cơ sở cho việc xây dựng các đề án xây dựng xã nông thôn mới, do thiếu tính liên kết, định hướng trong phát triển các khu dân cư nông thôn gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phát triển các khu sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách đồng bộ và hiệu quả.
Nguồn lực đầu tư xây dựng để triển khai quy hoạch là rất lớn, trong khi đó, ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nên không ít trường hợp người dân trong khu vực quy hoạch bị ảnh hưởng về quyền lợi (không được chuyển mục đích sử dụng đất để làm thủ tục xây dựng nhà, kinh doanh; giá trị đất bị ảnh hưởng khi mua bán, thế chấp…), gây áp lực cho địa phương, nhất là các địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh.
Trên mạng xã hội Facebook đầy rẫy những thông tin bán đất với những lời mời hấp dẫn khiến người dân dễ “sập bẫy” vào ma trận thông tin mà giới đầu nậu đất tung ra.
Cần cung cấp thông tin quy hoạch kịp thời
Chính vì các xã chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn, nên thời gian qua, các “đầu nậu” kéo nhau về các huyện nông thôn để mua đất phân lô, bán nền. Đây cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến nhiều người “sập bẫy” do lạc vào ma trận quảng cáo mà các “đầu nậu” và “cò đất” đạo diễn như thời gian qua.
Một người dân sống tại một khu đất nông nghiệp phân lô, bán nền ở huyện Châu Thành cho biết, phải cần hỗ trợ người dân trong việc nắm các thông tin về quy hoạch đất đai ở địa phương khi người dân có nhu cầu mua đất nhanh chóng, kịp thời, minh bạch hơn sẽ giúp người dân thoát được việc “sập bẫy” của giới đầu cơ đất.
Đơn cử như một người dân, nhìn vào các tấm pa-nô về quy hoạch đất đai ở địa phương với nhiều màu xanh, đỏ, vàng… thì có người dân nào biết được thửa đất mình sắp mua được quy hoạch đất gì? Còn đi hỏi thì không biết hỏi đâu.
Đúng như những gì xảy ra, cứ lên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… không khó để tìm gặp những lời quảng cáo "có cánh” về đất phân lô, bán nền với những lời rao hấp dẫn như gần khu công nghiệp, khu dân cư, có nhà đầu tư lớn chuẩn bị đầu tư…
Đó là lý do dễ hiểu vì sao khi tìm hiểu về vấn đề này, một người dân mua đất nông nghiệp cất nhà sai phép nói: “Khu đất này nằm gần đường cao tốc nên mai mốt sẽ ngon lắm”. Khi chúng tôi hỏi ai nói, người này trả lời là giới đầu cơ đất nói.
Rõ ràng việc chưa xây dựng điểm dân cư nông thôn tại các xã cũng là một “kẽ hở” để bàn tay giới đầu cơ đất tung “ma trận” thông tin nhằm nâng giá đất cho việc bán đất “phân lô, bán nền” tại các vùng quê vốn dĩ bình yên trước đây.
Được biết tại Điều 55 Luật Quy hoạch đô thị 2009 có quy định về việc cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị, nên người mua đất cần nắm thông tin có thể liên hệ cơ quan quản lý quy hoạch. Tại đô thị như thành phố hay thị xã, người dân liên hệ với Phòng Quản lý đô thị. Tại các huyện, người dân liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cung cấp thông tin quy hoạch.
Tuy nhiên, để giúp người dân tránh bị “sập bẫy” ma trận thông tin của giới đầu cơ đất tại các vùng quê, vùng nông thôn, có ý kiến cho rằng chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin quy hoạch, công khai, minh bạch cho người dân.
Trong đó cần thông báo rõ về việc, khi người dân muốn biết thông tin về quy hoạch đất đai cần liên hệ cơ quan nào, thủ tục yêu cầu như thế nào, thời gian trả kết quả bao lâu… Có như thế sẽ hạn chế tình trạng người dân “sập bẫy” ma trận của giới đầu cơ đất.
Tình trạng “sốt đất” hiện nay đang là vấn đề nóng trong cả nước chứ không phải riêng tỉnh ta. Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến các địa phương đều vào cuộc để chấn chỉnh về tình trạng này, trong đó có nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tế mà Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
T.P