Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sốt đất nền, thật hay ảo?
Thứ ba: 23:41 ngày 05/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi mua đất được tính bằng mẫu, sau đó bỏ một số tiền để mướn san ủi đất bằng phẳng, phân lô… rồi cho “tay em” đi lùng sục hỏi mua đất với giá cao, tung tin về các dự án lớn sắp hình thành tại khu vực đó để tạo cơn sốt giá đất.

Hình ảnh của khu đất nông nghiệp bỏ hoang sau khi bị các đầu nậu “xẻ thịt” ra hơn 40 thửa tại ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng.
Sau khi tỉnh ban hành Quyết định 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 quy định về diện tích tối thiểu tách thửa các loại đất trên địa bàn tỉnh, theo UBND tỉnh, tính từ ngày 6.8.2020 đến ngày 31.12.2021, cả tỉnh có 24.346 hồ sơ có nhu cầu tách thửa, đã giải quyết xong 22.153 hồ sơ.

Trong đó, không chỉ ở các địa phương như thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, thị xã Hoà Thành, mà tại các huyện biên giới như Bến Cầu, Dương Minh Châu, Tân Châu đều có nhu cầu tách thửa cao. Thậm chí có nơi như huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, số lượng hồ sơ có nhu cầu tách thửa còn cao hơn thị xã Hoà Thành.

ĐAU LÒNG KHI ĐẤT NÔNG NGHIỆP BỎ PHÍ

Trong đó, số hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp chiếm không nhỏ. Tuy nhiên, đây là quyền lợi chính đáng của người dân nên việc tách thửa, dù là đất nông nghiệp nhưng đúng quy định, cơ quan có chức năng không thể không giải quyết.

Đất nông nghiệp sau khi bị “xẻ thịt” từng thửa nhỏ có mang lại hiệu quả hay không? Đây là vấn đề không chỉ ở tỉnh ta mà một số tỉnh, thành khác cũng đang “nóng” và đau đầu tìm giải pháp ngăn chặn. Theo Quyết định 28/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh, khu vực nông thôn, diện tích đất nông nghiệp tối thiểu được tách thửa là 1.000m2, còn khu vực đô thị là 300m2. Đây cũng là cơ sở để các đầu nậu lùng đến tận các vùng quê, nông thôn mua những lô đất lớn rồi phân thành những thửa nhỏ đúng theo quy định để bán với giá cao.

Đất nông nghiệp sau khi tách thửa phải sử dụng đất đúng mục đích nhưng với thửa đất chỉ có 1.000m2 thì trồng loại cây gì để có hiệu quả? Câu trả lời mà chúng tôi ghi nhận được là đất nông nghiệp đã mất đi giá trị, từ mảnh đất màu mỡ, phát sinh giá trị hằng năm giờ nhiều thửa chỉ là đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, là nơi dành cho bò ăn cỏ. Nói nôm na, những khu đất nông nghiệp sau khi bị “xẻ thịt” gần như đã “chết” lâm sàng (!).

Tại một khu đất có diện tích khoảng gần 1 ha nằm ở ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, nhìn cảnh thửa đất bị hoang tàn không khỏi đau lòng. Theo một cán bộ địa phương, khu đất này đã được tách thửa theo đúng quy định của Quyết định 28 và được chia ra hơn 40 thửa. Trước đây, khu đất vốn là vườn cao su, sau đó bị phá, san ủi, phân lô… Tuy nhiên, do là đất nông nghiệp nên người mua đất không thể xây cất gì, từ đó cứ để hoang, không có bất cứ hoạt động canh tác nông nghiệp nào.

Đến khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh (cặp theo bờ kênh Tây), nhìn cảnh tượng những thửa đất nông nghiệp bị bỏ hoang, nằm trong những vườn cao su (năm 2020, Báo Tây Ninh từng có bài viết về khu đất này), sát những vườn bưởi, ruộng trồng hàng bông.

Khu đất nông nghiệp tại khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh sau khi bị “xẻ thịt” các đầu nậu đã hưởng lợi, còn lại khu đất trở thành nơi bò ăn cỏ.

Đến huyện Tân Biên, theo hướng dẫn của một “cò đất”, chúng tôi chứng kiến 1 khu đất lớn có diện tích vài héc-ta bị “xẻ thịt” nằm trên đường vào xã Hoà Hiệp, nhưng khu đất này lại thuộc địa phận xã Thạnh Tây. Người kêu bán 1 thửa đất trong khu đất bị xẻ thịt có diện tích khoảng 2.000m2 cho biết, khu đất nguyên là vườn cao su, sau đó chủ tách ra nhiều thửa và đã có người mua hết. Những thửa đất còn lại bị bỏ hoang, anh thấy phí nên trồng mì để có “đồng ra, đồng vô”.

Anh này còn cho biết, dù là đất cây hằng năm nhưng nếu mua cất nhà xưởng thì không sao. Nhiều người mua để cất nhà xưởng nhưng để đó, không cất. Trước đây, anh dự định mua cất nhà xưởng nhưng vợ anh nói xa quá nên anh bán, chứ đất đó sau này được chuyển thổ cư, giá trị tăng lên rất nhiều (!?).

Qua tìm hiểu thực tế tại một số khu đất nông nghiệp bị xẻ thịt, có một điểm chung là những con đường hiện trạng được “nâng cấp” thành đường đá mi, có kéo trụ điện bài bản… nhìn chẳng khác gì một khu dân cư sắp hình thành trong tương lai nên giá bán cũng được kêu khá cao.

“LÀM LỤNG CẢ NĂM, KHÔNG BẰNG TIỀN LỜI BÁN THỬA ĐẤT”

Đó là câu truyền miệng của giới đầu nậu đất và “cò đất”. Cũng khá dễ hiểu, bởi các đầu nậu mua đất nông nghiệp, sau đó đổ đá mi nâng cấp đường hiện trạng, kéo trụ điện… để cho khu đất “lên đời”. Việc còn lại là tách thửa theo đúng quy định và rao bán từng nền đất với những lời rao có cánh khiến nhiều người hám lợi dễ sập bẫy. Mà đa số là người nghèo, có nhu cầu mua đất thật sự để cất nhà ở.

Một đầu nậu đã giải nghệ chia sẻ, việc mua đất nông nghiệp để phân lô, bán nền, đầu nậu có tâm lý chọn nơi càng xa càng tốt. Bởi lẽ, khi mua đất được tính bằng mẫu, sau đó bỏ một số tiền để mướn san ủi đất bằng phẳng, phân lô… rồi cho “tay em” đi lùng sục hỏi mua đất với giá cao, tung tin về các dự án lớn sắp hình thành tại khu vực đó để tạo cơn sốt giá đất. Giống như bán hàng đa cấp, đầu nậu này bán lại cho đầu nậu khác để kiếm lời.

Nhưng quan trọng vẫn là đội ngũ “cò đất” với nhiều chiêu trò như mua bán sang tay nhau, thực chất là “lấy mỡ nó rán nó” vì tiền thuế chuyển nhượng đất nông nghiệp không cao. Cứ như thế, giá đất mỗi ngày được tăng giá qua các tay “cò đất” tạo nên hiệu ứng nhiều người dân đổ xô đi mua những lô đất nông nghiệp.

Khu đất nông nghiệp tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên được tách ra nhiều thửa, có hàng trụ điện nhưng chưa có kéo dây.

Thật ra thì chiêu trò này cũng không có gì mới nhưng do các “cò đất” đi xe ô tô, ăn vận bảnh bao, tạo ra tâm lý đám đông, người dân cũng háo hức đầu tư, thế là “dính bẫy” mê hồn trận mà các đầu nậu đã giăng sẵn.

Hệ luỵ của việc đất nông nghiệp bị xẻ thịt, ngoài việc đất bị bỏ hoang phí không phát huy được giá trị, giá đất nông nghiệp bị sốt “ảo”... còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác mà Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Báo cáo kết quả khảo sát “Công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và việc tách thửa đất, hình thành khu dân cư, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh” của Hội đồng nhân dân tỉnh nhận định, qua khảo sát thực tế tại các địa phương ghi nhận các trường hợp sau:

 Người đầu tư bất động sản mua các khu đất tại nông thôn, không có quy hoạch xây dựng, có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở, có tiếp giáp đường giao thông công cộng, sau đó tách thửa theo đúng quy định tại Quyết định số 28/QĐ-UBND của UBND tỉnh, rồi cải tạo lại đường hiện trạng cho đẹp khu đất, tự vẽ sơ đồ phân thành nhiều lô đất và đặt tên dự án hấp dẫn, rao bán dưới hình thức khu dân cư trên mạng internet, quảng cáo có vị trí đẹp gần các dự án lớn của Nhà nước sắp triển khai, cơ sở hạ tầng đồng bộ, chính sách hấp dẫn để thu hút người mua từ nơi khác đến (như huyện Dương Minh Châu có khu đất quảng cáo là “Khu dân cư Suối Đá” và “Khu dân cư Huyện Lộ ĐH12 Truông Mít”). Hiện trạng đất cắm cọc phân lô, chưa xây dựng, đất bỏ trống không sản xuất, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các khu vực này chưa bảo đảm...

T.P

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục