Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 31.12, Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo đề tài khoa học cấp tỉnh về “Sự biến đổi các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tỉnh Tây Ninh”.
Cấu trúc gia đình thiếu bền vững do chịu nhiều yếu tố tác động
Báo cáo đề dẫn, ông Trương Văn Thành, Phó hiệu trưởng nhà trường, chủ nhiệm đề tài nêu, Tây Ninh có đông tộc người sinh sống bao gồm Kinh, Khmer, Hoa… hình thành nên nhiều giá trị văn hóa gia đình truyền thống như thờ cúng tổ tiên, giáo dục đạo đức lối sống, bảo tồn các phong tục tập quán gia đình, lễ nghi gia đình, ứng xử đạo đức lối sống trong gia đình… Những giá trị văn hóa gia đình truyền thống tỉnh Tây Ninh vừa mang sắc thái tôn giáo, vừa mang truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần làm cho bản sắc văn hóa tỉnh Tây Ninh độc đáo, đa dạng so với các khu vực khác ở vùng Đông Nam Bộ.
Trong xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa gia đình truyền thống ở Tây Ninh tiếp tục được bồi đắp và lan tỏa, là yếu tố nội sinh tạo nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, Tây Ninh cũng như nhiều địa phương, giá trị văn hóa gia đình truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại, có nhiều biến đổi.
Sự biến đổi các giá trị văn hóa gia đình truyền thống bao gồm: biến đổi của truyền thống sống chung nhiều thế hệ trong gia đình; biến đổi của truyền thống nêu gương về nhân cách của cha mẹ, ông bà, đề cao truyền thống gia phong của gia đình, dòng họ; biến đổi của truyền thống đề cao lòng chung thủy, hòa thuận và có thứ bậc trong quan hệ vợ chồng; biến đổi của truyền thống yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ con cháu, anh chị em trong gia đình; biến đổi của truyền thống hiếu thảo đối với cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên.
Những biến đổi đó tác động nhận thức về giá trị văn hóa gia đình truyền thống của các thế hệ trong mỗi gia đình đang có biểu hiện lệch nhau, điều đó làm cho văn hóa gia đình thiếu ổn định và thống nhất. Do vậy, hạnh phúc gia đình trở nên mỏng manh, cấu trúc gia đình dễ bị đỗ vỡ. Điều này đem đến thách thức của thời đại đối với cấu trúc gia đình hiện nay. Mặt trái của biến đổi xã hội và giao lưu văn hóa, thông tin cũng ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa gia đình. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế tạo nhiều cơ hội, điều kiện cho sự phát triển của văn hóa gia đình. Đất nước có nhiều thay đổi, đặc điểm gia đình cũng đang thay đổi mạnh, đòi hòi công tác gia đình trong tình hình mới phải có những đột phá.
Trong xây dựng đời sống văn hóa gia đình, nhiều giá trị văn hóa gia đình truyền thống của tỉnh Tây Ninh có nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải được nghiên cứu làm sáng tỏ. Nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát huy giá trị gia đình truyền thống chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng một bộ phận gia đình, người dân chưa phân biệt rõ những giá trị nào của gia đình truyền thống cần phát huy, những nội dung nào không phù hợp với yêu cầu mới hiện nay…
Sự biến đổi của các giá trị văn hóa gia đình truyền thống là điều không thể tránh khỏi trong một xã hội phát triển và thay đổi không ngừng. Tuy nhiên, cần phải biết cách duy trì, phát huy những giá trị cốt lõi của gia đình truyền thống, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong việc ứng dụng những giá trị đó vào bối cảnh xã hội hiện đại. Có nghĩa, phát huy những giá trị truyền thống, đồng thời kết hợp với các yếu tố văn hóa hiện đại để gia đình là nền tảng vững chắc. Gia đình phải là nơi giữ gìn những giá trị nhân văn, chỗ dựa vững vàng cho mỗi cá nhân trong cuộc sống.
Mỗi gia đình Tây Ninh, việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ trách nhiệm, còn là niềm tự hào, là cách để chúng ta tiếp nối, phát huy những di sản quý giá mà cha ông đã để lại. Việc mỗi người dân Tây Ninh nhìn nhận và thấu hiểu sự biến đổi của các giá trị văn hóa gia đình, từ đó tạo ra những cách thức mới, sáng tạo để duy trì mối liên kết gia đình bền chặt, hướng tới một tương lai phát triển hài hòa, thịnh vượng là điều hết sức cần thiết.
Sự biến đổi các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tỉnh Tây Ninh cần phải có nghiên cứu, đánh giá để đề xuất những giải pháp phù hợp để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Tây Ninh trong thời kỳ hội nhập. Vì vậy, Trường Chính trị tỉnh được UBND tỉnh tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện đề tài cấp tỉnh theo đặt hàng của UBND tỉnh, thời gian thực hiện 18 tháng. Sau 10 tháng triển khai nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đề tài đã thực hiện được hai nội dung chính.
Nội dung một: Cơ sở lý luận và thực tiễn về giá trị văn hóa gia đình truyền thống và nội dung hai: Thực trạng biến đổi của các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tỉnh Tây Ninh. Nhằm hoàn thiện các nội của kết quả nghiên cứu, giúp nhóm nghiên cứu đề tài có thêm những góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nội dung nghiên cứu thứ ba: Đề xuất giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá gia đình truyền thống Tây Ninh.
Người cao tuổi cô đơn, cô độc trong chính gia đình mình
“Sự phát triển kinh tế, trong đó có sự ra đời của các khu công nghiệp và đô thị hoá đã góp phần làm thay đổi cấu trúc gia đình Tây Ninh từ đại gia đình sang gia đình hạt nhân. Nhiều người rời bỏ làng quê và gia đình của mình đến cư ngụ gần các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị... để làm việc, mưu sinh, dẫn đến những thay đổi về cấu trúc gia đình. Nhìn từ góc độ tích cực, tái cấu trúc gia đình là xu hướng cần thiết để các gia đình thích nghi với những thay đổi từ các yếu tố kinh tế - xã hội, từ đó họ có thể tự chủ được về kinh tế gia đình, có thu nhập nuôi sống bản thân mình và giúp đỡ người thân trong gia đình. Sự tăng trưởng kinh tế của Tây Ninh trong thời gian qua đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, giúp cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống của các gia đình
Nhìn từ chiều hướng tiêu cực, sự thay đổi về cấu trúc gia đình dưới các tác động kinh tế có thể dẫn đến sự phân tán của các gia đình do mưu sinh, cha mẹ có thể không ở gần con cái, ông bà để chăm sóc, nuôi dưỡng. Điều này làm cho các mối quan hệ gia đình bị phá vỡ, làm mất đi sự kết nối và tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, dẫn đến mối quan hệ lạnh nhạt và xa cách. Sự thiếu vắng giao tiếp và hiểu biết lẫn nhau có thể dẫn đến xung đột và mâu thuẫn trong gia đình, đồng thời có thể làm đứt gãy sự giáo dục của gia đình…”- TS Đoàn Thị Thuỳ Trang và TS Hoàn Văn Tú đến từ Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Miinh nêu vấn đề.
“Những người cao tuổi trở nên cô đơn trong chính gia đình của mình, có sự xa cách giữa ông bà và con cháu. Mối quan hệ giữa ông bà và con cháu cũng xuất hiện những xung đột do sự khác biệt về nhu cầu sở thích trong cuộc sống, thiếu sự quan tâm chia sẻ. Kết cấu gia đình ở Tây Ninh có nhiều biến đổi, con cái không cần ở chung với cha mẹ để báo hiếu, phụng dưỡng mà thông qua dịch vụ trong xã hội như thuê người chăm sóc. Mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ và có xu hướng giản tiện các nghi lễ, phép tắc trong gia đình...”- ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP HCM nhìn nhận.
Tháng 12.2023, tại kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh, trong phiên chất vấn trực tiếp, đại biểu thông tin, từ đầu đến cuối năm 2023, số vụ ly hôn chiếm 29% tổng số vụ án. Trả lời sau đó, lãnh đạo Toà án nhân dân tỉnh cho biết, tỷ lệ hoà giải thành công thấp, chỉ khoảng hơn 600 vụ (năm 2023) trên tổng số hơn 4.000 vụ ly hôn. |
Việt Đông