Pháp luật   Tin tức

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sư đoàn 5: Tự hào về một thời hoa lửa trên quê hương Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 26/04/2020 - 17:44

BTNO - Trong suốt chặng đường 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ (1965- 1975) trên khắp các chiến trường thuộc miền Đông Nam bộ, Sư đoàn 5 có nhiều đợt với tổng cộng thời gian gần 18 tháng trực tiếp chiến đấu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Có những đợt Sư đoàn 5 tác chiến vào thời điểm chiến trường ở Tây Ninh đang diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt. Tuy thời gian các đợt chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh chỉ gần 18 tháng, song nhiều địa danh nơi đây đã gắn liền với những chiến công vang dội của Sư đoàn 5; in đậm tình cảm, sự yêu thương, đùm bọc, tinh thần đoàn kết, phối hợp chiến đấu của Sư đoàn với lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Hiện nay, đóng quân trên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975), ôn lại lịch sử hào hùng của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 thêm tự hào về trang sử một thời hoa lửa của Sư đoàn trên quê hương Tây Ninh “Trung dũng, kiên cường”.

Chiến sĩ Trung đoàn 33, Sư đoàn 5 sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trong một trận đánh tại Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh vào tháng 8.1968

Trước hết là niềm tự hào về Trung đoàn 5, thuộc Sư đoàn 5 được thành lập ngày 31.5.1965 ngay tại Căn cứ Bà Hảo thuộc huyện Dương Minh Châu. Đồng thời, người con của quê hương Tây Ninh, chiến sĩ hội thề Rừng Rong Nguyễn Thới Bưng (Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) làm Trung đoàn trưởng đầu tiên.

Lúc mới thành lập, trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, Trung đoàn 5 đã nhận được sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ rất lớn của tổ chức đảng, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. Sau 3 tháng vừa chiến đấu, vừa huấn luyện và ổn địch biên chế đơn vị, đầu tháng 9.1965, Trung đoàn 5 nhận lệnh hành quân về chiến đấu trên địa bàn Bà Rịa - Long Khánh trong đội hình của Sư đoàn 5 (23.11.1965).

Đó là niềm tự hào về những ngày, tháng chiến đấu của Sư đoàn 5 trên địa bàn Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu trong đợt 2 và đợt 3 của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (từ đầu tháng 5 đến tháng 10.1968).

Những ngày đầu cơ động từ Biên Hòa về chiến đấu tại Trảng Bàng là thử thách vô cùng lớn đối với Sư đoàn 5, bởi quân số, vũ khí, trang bị hao hụt do những ngày chiến đấu liên tục ở Biên Hòa chưa bổ sung kịp. Trong khi đó, tại Trảng Bàng, Sư đoàn 5 phải đối đấu với Sư đoàn 25 bộ binh cơ giới Mỹ được mệnh danh “Tia chớp nhiệt đới”.

Sư đoàn 5 tiến công cụm chốt Phước Tân, Cây Da thuộc huyện Châu Thành vào tháng 8.1974

Mở đầu đợt 2 của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, với khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và khí thế thi đua diệt Mỹ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã vượt qua mọi khó khăn, sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đánh bại nhiều cuộc càn quét của quân Mỹ ở bắc Trảng Bàng.

Mỗi trận đánh và chiến công nơi đây thể hiện quyết tâm thực hiện khẩu hiệu hành động “Bám sát địch, đánh liên tục, tiêu diệt cả bộ binh và cơ giới Mỹ” của Sư đoàn 5. Những địa danh Tầm Đinh- Trảng Cỏ, Trảng Sa, Bời Lời, Cầu Xe, Trảng Ông Lên, Sa Nhỏ, Bàu Me… mãi in đậm nhiều chiến công của Sư đoàn 5 cùng quân, dân huyện Trảng Bàng.

Gần 20 ngày chiến đấu tại Trảng Bàng, Sư đoàn 5 đã tổ chức đánh 9 trận (2 trận cấp trung đoàn, 5 trận cấp tiểu đoàn), diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 2 máy bay, 31 xe tăng, xe thiết giáp, 60 xe cơ giới, 4 nhà lính, phá hủy 191 xe quân sự, 5 khẩu cối 106,7 mm.

Qua đợt 3 của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 (từ 17.8 đến 23.9.1968). Giai đoạn này, địa bàn chiến đấu của Sư đoàn 5 được mở rộng từ bắc Trảng Bàng đến Gò Dầu và Dương Minh Châu.

Phát huy khí thế thắng lợi của đợt 2 Tổng tiến công, ngày 19.8.1968, kỷ niệm 23 năm ngày Cách mạng Tháng Tám, mở màn cho đợt 3, Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 5 đã tổ chức đánh, giành thắng lợi lớn, tiêu diệt lực lượng ứng cứu của quân Mỹ tại khu vực Gò Da, Bến Củi, huyện Dương Minh Châu.

Chiến công đầu tại Bến Củi càng cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua diệt Mỹ của Sư đoàn 5. Nhiều địa danh ở Gò Dầu, Dương Minh Châu và Trảng Bàng như Thạnh Đức, Nam Đá Hàng, Cầu Kho, Ngã 3 Đất Sét, Trảng Dài, Gò Da, Gò Chùa, Bàu Tà Keng… đã ghi dấu bao trận đánh và chiến công của Sư đoàn 5 và lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương.

Đặc biệt, hưởng ứng đợt thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, trong trận đánh ngày 25.8.1968 của Trung đoàn 88 (Sư đoàn 5) diễn ra tại Nam Đá Hàng, Trung đoàn đã bắn cháy, phá hủy 245 xe cơ giới của địch, trong đó có 55 xe M41 và M113.

Đội Tuyên văn của Sư đoàn biểu diễn phục vụ bộ đội tại một khu vực trú quân thuộc huyện Tân Biên.

Kết thúc đợt 3 của Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Sư đoàn 5 đã đánh 19 trận cấp trung đoàn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại 6 tiểu đoàn địch, bắn cháy 590 xe cơ giới các loại, phá huỷ 24 khẩu pháo 105mm và cối 106,7mm, bắt 5 tù binh, thu 163 súng các loại và nhiều trang bị chiến tranh.

Đó là niềm tự hào về những ngày tháng cơ động chiến đấu từ đồng bằng khu 8 về Tân Biên, rồi lại trở lại lần lượt chiến đấu trên địa bàn huyện Châu Thành, phát triển qua Mộc Hóa, Kiến Tường (Long An) trong thời gian từ giữa năm 1973 đến tháng 2 năm 1975.

Trong giai đoạn này, mặc dù liên tục cơ động trên địa bàn rộng, vừa huấn luyện, vừa đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng, song Sư đoàn 5 đã phối hợp lực lượng vũ trang địa phương đánh tiêu diệt trên 2.000 tên địch, san bằng, bức rút 25 đồn, bốt, hỗ trợ nhân dân nổi dậy làm chủ 20 xã, 220 ấp, giải phóng 33 vạn dân. Ngoài ra, tại ngã ba Cây Cầy thuộc huyện Tân Biên còn mãi in đậm dấu ấn, niềm tự hào về Đại hội mừng công quyết thắng năm 1972 của Sư đoàn được tổ chức từ ngày 8.7 đến ngày 12.7.1973.

Tại đây, giữa chiến trường Tây Ninh, Đại hội đã vinh dự được đón nhận cờ thi đua luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng” có hình Bác Hồ và Huân chương quân công giải phóng hạng nhì; Trung đoàn 1 được tặng Huân chương quân công giải phóng hạng ba, Trung đoàn 2 được tặng Huân chương quân công giải phóng hạng nhất; có 3 trung đoàn (1, 2, 3) và 10 tiểu đoàn, 32 đại đội được tặng cờ “Đánh giỏi”.

Dấu ấn lịch sử vẻ vang chặng đường 10 đánh Mỹ, về một thời hoa lửa trên quê hương Tây Ninh “Trung dũng kiên cường”, mãi là niềm tự hào, góp phần cổ vũ, động viên Sư đoàn 5 không ngừng nêu cao truyền thống đơn vị 2 lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; truyền thống “Đoàn kết trung dũng, cơ động linh hoạt, tự lực, tự cường, đánh thắng mọi kẻ thù” của Sư đoàn trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện hiện nay.

Xuân Thu