BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sử dụng vaccine kịp thời để phòng, chống bệnh dại 

Cập nhật ngày: 02/05/2018 - 08:32

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 700 điểm tiêm chủng vaccine dại. Trung bình mỗi năm có 400.000-500.000 người tiêm vaccine phòng dại.

Bệnh nhân tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Ảnh: Báo Thanh niên

Bệnh dại bắt đầu vào mùa

Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng, từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh dại, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine phòng bệnh dại kịp thời cho người bị chó nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại ở người.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 700 điểm tiêm chủng vaccine dại. Trung bình mỗi năm có 400.000-500.000 người tiêm vaccine phòng dại.

Những tháng đầu năm 2018 tại một số địa phương xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ vaccine phòng bệnh dại. Từ thực tế đó, Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người đã khuyến cáo các điểm tiêm phòng dại cần tăng cường sử dụng phác đồ tiêm trong da thay thế phác đồ tiêm bắp khi sử dụng vaccine dại để tiết kiệm sử dụng vaccine, tăng số lượng người được tiêm.

Bên cạnh đó Bộ Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp như: Ban hành kế hoạch dự trù vaccine; phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch dại kịp thời; hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng các quy định hiện hành trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nhập khẩu, kiểm định, phân phối vaccine để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của người dân. Đến nay vaccine đã được cung ứng kịp thời cho các cơ sở tiêm chủng vaccine dại trên toàn quốc.

Khi nào cần đi tiêm vaccine phòng bệnh dại?

Theo các chuyên gia y tế, sau khi bị chó, mèo cắn, phải xử lý kỹ và sớm ngay chỗ vết cắn (bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng nhiều lần, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát trùng như cồn, iot) để làm giảm tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập, rồi tới các điểm tiêm chủng để được tư vấn có hay không phải tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ quyết định có nên tiêm phòng hay không. Nếu vết thương gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, vai, tay), hoặc ở nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh (đầu chi, bộ phận sinh dục) thì cần phải tiêm cả huyết thanh kháng dại (SAR) và vaccine dại.

Theo hướng dẫn của WHO có thể phân loại 3 cấp độ: Cấp độ I khi người sờ hay cho súc vật ăn, hoặc súc vật liếm trên da thì không điều trị nếu con vật có tiền sử đáng tin cậy.

Cấp độ II: Khi súc vật gặm vùng da trần, những vết cào xước nhẹ không chảy máu hoặc liếm trên da có vết trầy thì nên tiêm vaccine ngay.

Cấp độ III: Khi có một hay nhiều vết cắn hoặc cào xuyên thấu da, niêm mạc bị nhiễm nước dãi của súc vật, thì phải tiêm kháng huyết thanh và vaccine phòng dại ngay lập tức.

Do dại là một bệnh nặng, nên phụ nữ đang mang thai không chống chỉ định tiêm, không được thay đổi lịch tiêm phòng khi biết đang có thai. Có thể tiêm vaccine phòng bệnh dại khi đang cho con bú sữa mẹ trong trường hợp cần thiết.

Hiện nay, Việt Nam có 2 vaccine phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vaccine Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất và vaccine Abhayrab do Công ty Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất. Vaccine dại được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ do người dân tự chi trả.

Các loại vaccine này không gây hại, không gây nguy hiểm và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, cũng giống như các vaccine khác, khi tiêm vaccine phòng bệnh dại có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như: Đau, quầng đỏ, sưng, ngứa và có nốt cứng tại chỗ tiêm; sốt vừa, run rẩy, ngất, suy nhược, đau đầu, chóng mặt, đau khớp, đau cơ, rối loạn dạ dày và ruột. Cá biệt có thể gặp phản ứng kiểu sốc phản vệ, mề đay, ban đỏ.

Những lưu ý sau khi tiêm phòng dại

Phải tiêm sớm ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại.

Phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sĩ đối với từng loại vaccine dại và phác đồ tiêm.

Phải tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ 4-8 độ C.

Trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và dùng các chất kích thích.

Không dùng các thuốc có dạng corticoid, ACTH, các thuốc làm giảm miễn dịch… trong và sau khi tiêm phòng dại 6 tháng.

Nguồn baochinhphu