Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dư luận và chương trình Công nghệ giáo dục:
Sự hiểu lầm đáng tiếc
Thứ hai: 06:16 ngày 10/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Liên quan đến chương trình công nghệ giáo dục đang được bàn tán xôn xao với nhiều góc nhìn, ý kiến trái chiều, cách nay vài ngày, Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT đã thông tin về vấn đề này dưới góc nhìn thuần tuý chuyên môn.

Học sinh Trường thực nghiệm Giáo dục phổ thông Tây Ninh (nay là Trường Nguyễn Hiền) trong ngày khai giảng năm học mới 2010-2011. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

HỌC TIẾNG TRƯỚC HỌC CHỮ

Theo tinh thần đó, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại gồm 3 tập với thứ tự là âm - chữ, vần và tự học. Sách hướng dẫn học sinh đánh vần trên cơ sở phân tích cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt, có phân biệt rạch ròi âm với chữ, ví dụ âm /cờ/ và chữ c, k, q...

Một trong những điều khác biệt giữa chương trình công nghệ giáo dục với chương trình truyền thống là học tiếng trước chữ viết. Theo đó, trình tự dạy đánh vần của tài liệu theo phương pháp của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là phát âm - âm - con chữ, tức là dạy tiếng trước dạy chữ. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục và sách giáo khoa hiện nay. Theo quan điểm của chủ biên, cách này thuận với tự nhiên là trẻ biết tiếng (phát âm) trước khi biết chữ.

Bài học đầu tiên trong tập 1 “âm-chữ”, học sinh sẽ được học tách câu nói thành từng tiếng, ví dụ “một ông sao sáng” gồm 4 tiếng: một/ông/sao/sáng. Với mỗi tiếng, sách ký tự thành một hình tròn/vuông/ngôi sao... Tiếng giống nhau được đánh màu sắc giống nhau, để học sinh dễ hình dung. Do học tiếng trước học chữ nên với trẻ bắt đầu học lớp 1, khi nhìn vào mặt chữ sẽ không biết từ đó đọc là gì. Điều này khiến phụ huynh hoang mang, thậm chí có người bức xúc đến xé sách của con vì đã quen với phương pháp truyền thống là học chữ trước rồi nhìn vào con chữ để đánh vần và nhận diện từ.

IMG9 4212.jpg

Học sinh Trường Thực nghiệm năm 1988 (ảnh do em Nguyễn Xuân Dũng cung cấp).

Theo sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, với mỗi tiếng, các em được hướng dẫn tách thành hai phần là đầu và vần, ví dụ tiếng “ba” có phần đầu là “b” và vần là “a”. Song song đó, bài học đầu giới thiệu với học sinh sáu thanh trong tiếng Việt gồm: ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và ký hiệu của các thanh này. Ở phần âm (bài 2), Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục dạy học sinh theo khoa học của ngữ âm học. Sách hướng dẫn cách phân biệt nguyên âm với phụ âm; trong vần có âm chính, âm đệm và âm cuối. Khi được học về âm đọc tròn môi (o, ô, u) và không tròn môi (a, e, ê, i/y, ơ, ư), học sinh sẽ được giới thiệu quy tắc ghép âm để tạo thành âm/vần mới. Ví dụ, ghép âm /a/ không tròn môi với âm /o/ tròn môi sẽ cho ra âm /oa/, hoặc vần “an” làm tròn môi bằng cách ghép với âm /o/ sẽ tạo thành vần “oan”. Cách ghi âm /cờ/ đứng trước âm đệm bằng chữ q; ghi âm /i/ đứng sau âm đệm bằng chữ y; dấu thanh đặt ở âm chính”... là một số luật chính tả được nêu trong Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, buộc học sinh phải ghi nhớ và làm theo. 

Đối với cách đọc chữ c/k/q đều đọc là /cờ/ đang gây “bão” trên mạng, theo phân tích của giới chuyên môn, có hai điểm khác biệt cơ bản trong cách phát âm chữ cái giữa tài liệu Tiếng Việt công nghệ giáo dục với sách giáo khoa đại trà. Khác biệt đầu tiên là cách đọc ba chữ cái c, k, q đều là /cờ/ trong khi sách đại trà có cách phát âm lần lượt là /cờ/, /ca/ và /quy/. Khác biệt thứ hai nằm ở các nguyên âm đôi. Trong sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục, có ba nguyên âm đôi là iê (đọc là /ia/) và có 4 cách viết là ia, ya, iê, yê. Trong khi sách giáo khoa đại trà chữ ia/ya, iê/yê phát âm lần lượt là /i-a/ và /i-ê/. Nguyên âm đôi uô đọc là /ua/ có hai cách viết là ua và uô; trong khi trong sách phổ thông “ua” và “uô” cách đọc khác nhau. Nguyên âm ươ cũng có hai cách viết là ưa và ươ, đều đọc là /ưa/,  khác với sách giáo khoa đại trà ươ sẽ đọc là /ư-ơ/. Với phát âm khác biệt này nên cách đánh vần trong Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục cũng khác. Từ “ke” sẽ được đánh vần là “cờ - e - ke” thay vì là “ca - e - ke” theo sách đại trà. Vần “uôn” sẽ được đánh vần là “ua - n - uôn” thay vì là “u - ô - n - uôn” như sách đại trà.

ĐỪNG ÁP ĐẶT NHỮNG ĐIỀU CŨ KỸ

Trao đổi về sự nhiễu loạn thông tin đối với chương trình công nghệ giáo dục, ông Cao Đức Hoà, người từng có thời gian rất dài làm Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm Giáo dục phổ thông Tây Ninh cho rằng, dư luận xã hội đã hiểu không đúng về chương trình này. Theo ông Hoà, học theo chương trình công nghệ, mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh là quan hệ phối hợp, không ai “đá lộn sân” của ai, và học sinh phải là nhân vật trung tâm trong hoạt động giáo dục. Cha mẹ không nhất thiết tham gia quá sâu vào chuyện học của con em.

“Tôi nhận thấy, học sinh Trường thực nghiệm chỉ sau một thời gian ngắn là viết đúng chính tả, đúng ngữ pháp. Vấn đề phát âm mà dư luận đang bàn tán, thật ra hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì”- ông Hoà nói. Theo ông Hoà, mỗi nhà khoa học có một phương pháp riêng và phương pháp của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là khoa học, phù hợp với thực tế dạy học. “Học sinh Trường Thực nghiệm tư duy rất tốt, học lớp nào chắc lớp đó, hiện có nhiều em thành đạt”- nguyên Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm thông tin thêm. Ông Hoà cũng cho rằng, đáng lý chương trình Công nghệ giáo dục phải được triển khai thống nhất cho học sinh tiểu học trong cả nước, vì nó rất hiệu quả.

“Tôi nói thật, đội ngũ giáo viên Trường Thực nghiệm cũng không phải xuất sắc lắm đâu nhưng nhờ được tập huấn kỹ, giáo viên trẻ nhanh chóng nắm bắt được công nghệ giáo dục, còn giáo viên lớn tuổi thì đã tích luỹ được  kinh nghiệm. Điều đó khiến việc dạy và học diễn ra suôn sẻ. Nếu có một đội ngũ giáo viên xuất sắc hơn thì chương trình Công nghệ giáo dục sẽ rất tuyệt vời”- ông Hoà cho biết. Về những thông tin đang được bàn tán trên mạng, theo ông Hoà, chẳng qua dư luận không hiểu, “anh tưởng anh hay nhưng thực ra những điều anh nói đã quá lạc hậu và không biết gì chuyên môn của ngành”- ông Hoà bình luận về thông tin trên mạng.

Cũng nhìn nhận về vấn đề tiếng Việt công nghệ giáo dục, lãnh đạo Trường Nguyễn Hiền (tiền thân là Trường Thực nghiệm) cho biết, theo quan sát của bà, học trò hoàn toàn ổn, không hề có chuyện các em học sinh không đọc, không viết được. Theo lãnh đạo nhà trường, những gì diễn ra trong nhà trường không như dư luận bàn luận. “Ở trường khác tôi không biết, còn ở Trường Nguyễn Hiền, từ trước đến giờ không hề có ý kiến nào của phụ huynh phàn nàn, phản ánh. Các em học sinh đã tiếp cận chương trình tiếng Việt công nghệ ngay từ đầu, cả môn Toán nữa”- vị lãnh đạo cho biết.

IMG 04222.jpg

Em Nguyễn Xuân Dũng năm học lớp 9 tại Trường Thực nghiệm.

HỌC SINH NÓI GÌ VỀ CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC?

“Hồi tiểu học, em không học ở Trường Thực nghiệm, em chỉ học ở đó ở cấp trung học cơ sở nên em không so sánh giữa chương trình đại trà với chương trình Công nghệ giáo dục. Do đó, trong những năm học ở Trường Thực nghiệm em thấy môi trường sư phạm ở đó thân thiện, rất tốt, tâm lý học không hề bị áp lực gì cả. Việc học không còn là nghĩa vụ nặng nề mà đó là một niềm vui, được học. Hiện tại em đang học thạc sĩ tại Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh và em vẫn nhớ về quãng thời gian học ở Trường Thực nghiệm”- em Lý Phương Dung, cựu học sinh Trường Thực nghiệm cho biết. “Mấy hôm nay em cũng có theo dõi thông tin trên mạng, em cho rằng dư luận hiểu không đúng và đã bóp méo thông tin. Thực sự vấn đề tiếng Việt chương trình công nghệ không phải như vậy. Em từng học chương trình công nghệ suốt 9 năm và em nhận thấy tư duy của mình rất tốt. Học xong chương trình công nghệ giáo dục, em đọc, viết tốt, viết chính tả, ngữ pháp rất chuẩn và tư duy của tụi em cũng khác. Cách nay cũng hơn 30 năm rồi, Trường Thực nghiệm ngày xưa chỉ là một trường làng thôi nhưng tụi em học hành, thể thao đều không thua bất kỳ trường nào trong khu vực lân cận. Học xong phổ thông, em vào đại học tại Trường đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, hiện em đang điều hành một công ty ở đây. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Vậy mình đặt ra một câu hỏi, mục đích học tiếng Việt để làm gì? Là để nghe, đọc, viết tốt, hiểu rõ tiếng Việt, đúng không”- em Nguyễn Xuân Dũng, một trong những học sinh đầu tiên học theo công nghệ giáo dục chia sẻ.

Với những thông tin nêu trên, có thể thấy, chuyện dạy và học tiếng Việt theo công nghệ giáo dục không cần thiết phải quá ồn ào. Một chương trình đã áp dụng từ lâu, nay trở thành “quả bom truyền thông” là điều đáng tiếc.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục