Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Căn phòng đơn sơ, chật hẹp, nóng bức vào mùa hè chính là nơi cô gái nhỏ Nguyễn Thị Thuý Hằng, 18 tuổi, bị liệt đôi chân do tai nạn giao thông tạo ra sản phẩm từ những sợi len đầy màu sắc. Không thể ngồi lâu, Thuý Hằng phải nằm sấp trên giường để làm việc.
Thuý Hằng và góc nhỏ móc len của em.
Với đôi bàn tay khéo léo đầy nghị lực, những chiếc móc khoá bằng len được em tỉ mỉ thổi hồn vào trở thành những sản phẩm đầy sức sống. Trong căn phòng nhỏ, một thế giới đầy màu sắc được Thuý Hằng mở ra…
Không đầu hàng số phận
18 tuổi, nếu thế giới của bạn bè cùng trang lứa là giảng đường đại học hoặc công việc với bao điều mới để trải nghiệm thì thế giới của Thuý Hằng chỉ gói gọn trong 4 bức tường.
Chị Đặng Thị Xuân, 48 tuổi, ngụ ấp Cây Trắc, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, mẹ của Hằng xúc động kể lại, năm 6 tuổi, con gái chị bị tai nạn trên đường đi học về. Chấn thương tuỷ sống khiến cô bé bị liệt hai chân trong suốt quãng đời còn lại.
Hơn 10 năm trôi qua, nhưng chị Xuân vẫn nhớ những ngày ấy. Suốt một năm trời hai mẹ con lấy bệnh viện làm nhà. Rồi thời gian nằm viện cũng thưa dần khi sức khoẻ của Hằng ổn hơn. Vợ chồng chị Xuân đưa con về nhà chăm sóc. Từ đây, cô gái nhỏ dần quen việc chỉ nằm, ngồi một chỗ và lớn lên trong sự bảo bọc của gia đình.
Thuý Hằng kể trước năm lớp 5, em được ba mẹ và chị gái thay phiên đưa đến trường. Nhưng khi em ngày một lớn lên, gia đình cũng khó khăn hơn nên phải nghỉ học lúc vừa học xong tiểu học. Hơn 10 tuổi, cô gái nhỏ bắt đầu làm bạn cùng chiếc điện thoại để quên nỗi buồn và cũng để “ngắm” thế giới bên ngoài căn phòng của mình. Thuý Hằng nói: “Lúc đó em còn nhỏ lắm nên không thấy buồn gì cả. Em chỉ biết mình nghỉ học thì ba mẹ đỡ cực nhọc, có thời gian làm việc nhiều hơn”.
Đến lúc lớn thêm một chút, cảm nhận rõ hơn hoàn cảnh của mình, em bắt đầu suy nghĩ mình sẽ phải làm gì để kiếm sống chứ không thể mãi phụ thuộc vào gia đình như vậy được. Trong một lần lướt mạng internet, Thuý Hằng bị thu hút bởi những món đồ xinh xắn được móc bằng len.
Vốn là người yêu thích làm những món đồ thủ công, em càng xem càng muốn học. Đến năm 2020, Thuý Hằng lấy hết số tiền dành dụm của mình- gồm tiền lì xì, tiền trợ cấp- để nhờ chị gái mua cho chiếc điện thoại riêng. Có điện thoại, Thuý Hằng tìm hiểu bộ môn này dễ dàng và thuận tiện hơn. Cũng từ đây, cô gái trẻ bắt đầu nhen nhóm ý định mở một cửa hàng bán đồ len của chính mình.
Đôi tay khéo léo của Thuý Hằng.
Hiện thực hoá ý tưởng, Thuý Hằng đặt mua những cuộn len đầu tiên về thử nghiệm. Chị Xuân- mẹ của Hằng cho biết, khi ấy, chị thấy lo khi con gái mình mua nhiều thứ về mà chưa biết để làm gì. Nhưng nghe câu khẳng định chắc nịch “Con làm được” từ đứa con gái 14 tuổi, chị đã tin tưởng rồi cùng các thành viên trong gia đình giúp con gái thực hiện ước mơ. Bây giờ ngẫm lại, Thuý Hằng vẫn thấy mình đã làm đúng và hài lòng với quyết định đó. Bởi, việc làm ấy không phải là sự ương bướng của đứa con gái tuổi mới lớn mà là mong muốn được thử thách bản thân. “Mình phải thử mới biết khả năng mình tới đâu”- cô gái nhỏ chia sẻ.
Mở ra thế giới đầy sắc màu
Có thừa đam mê, cô gái nhỏ miệt mài móc những con thú, bông hoa. Sau khoảng 2 tuần cặm cụi, Thuý Hằng có được sản phẩm đầu tiên và đăng ảnh lên mạng xã hội. Được mọi người động viên, em càng có thêm động lực để tìm tòi và học hỏi. Từ đây, một thế giới mới tươi đẹp, đầy sắc màu được mở ra với em.
Chịu khó tìm, xem, học cách móc len trên các trang Facebook, TikTok rồi chọn ra những mẫu xinh xắn và làm theo, đôi tay Hằng ngày càng khéo léo, uyển chuyển. Những con vật, bông hoa ban đầu còn thô, xấu không khiến cô gái nhỏ nản lòng. Ngược lại, em rút kinh nghiệm và miệt mài tập luyện, sáng tạo.
“Em tìm hiểu thêm những chất liệu len mới để móc sản phẩm. Như khi móc chậu hoa sẽ dùng loại len nào để lên dáng đẹp, khi móc con thú dễ thương thì dùng loại len nào cho có hồn, mềm mại nhất. Hoặc có những mẫu trên mạng khi thực hành em chỉnh sửa lại theo sở thích và thẩm mỹ cá nhân của mình để ưng ý hơn. Sản phẩm của em chủ đạo là màu sắc tươi sáng và sự dễ thương”- Thuý Hằng hào hứng nói.
Sau hơn hai năm thử nghiệm và miệt mài với đam mê móc len, tháng 3 năm 2023, Thuý Hằng bắt đầu bán được những sản phẩm đầu tiên. Cô gái trẻ chia sẻ niềm vui: “Sản phẩm đầu tiên em cũng chỉ bán được cho những người thân quen và các anh chị ngoài Huyện đoàn Gò Dầu nhiệt tình ủng hộ nhưng em vui lắm vì sản phẩm của mình đã có thêm người biết đến”.
Chị Xuân cho biết thêm: “Lúc thấy con mình móc được những sản phẩm bằng len xinh xắn tôi rất vui. Mỗi khi gặp gỡ bạn bè hay đi đám tiệc tôi đều giới thiệu để mọi người mua ủng hộ cháu”.
Để tạo ra sản phẩm quảng cáo đến khách hàng, Thuý Hằng tìm kiếm những mẫu móc mới, làm ra đa dạng sản phẩm hơn- từ móc khoá đến chậu hoa, hoa, kẹp tóc... Em còn tỉ mỉ đặt thiết kế tem, logo, hộp đựng và tìm loại nước hoa phù hợp cho sản phẩm len. “Em muốn mỗi sản phẩm mình gửi đi đều phải chỉn chu. Em mong muốn khách hàng sẽ có trải nghiệm tốt nhất khi mua sản phẩm của mình”- Thuý Hằng nói.
Những sản phẩm đáng yêu do Thuý Hằng làm ra.
Hằng lập một trang Facebook chuyên bán hàng với tên gọi “Thỏ gặm len”. “Em vốn thích thỏ lại yêu móc len nên tìm ra một cái tên đặc biệt, hy vọng sẽ tạo được ấn tượng với nhiều người”- Thuý Hằng giải thích.
Là người trẻ, Thuý Hằng nắm bắt xu hướng trên mạng xã hội để tạo ra những sản phẩm hợp thị hiếu giới trẻ. Như tết sẽ có những mẫu về 12 con giáp; dịp 8.3, 20.10 hay 20.11 sẽ chuộng các mẫu hoa; dịp 30.4 hay Quốc khánh 2.9 có những mẫu móc khoá tạo hình cờ đỏ sao vàng và nón cối bộ đội. Hiện tại, em đang nghiên cứu và chuẩn bị lên mẫu dịp Giáng sinh, tết âm lịch sắp tới.
Hơn 4 năm gắn bó, nghề móc len không chỉ mang lại niềm vui sống cho Hằng mà còn giúp em có được thu nhập chi cho khoản khám bệnh, thuốc thang cho mình. Hằng cho biết, tuỳ thời điểm, mỗi tháng em có thể bán từ 10 đến vài chục sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Mỗi sản phẩm có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Đơn hàng gửi đi xa nhất đã đến Huế và được phản hồi tốt. Trung bình em có thể kiếm khoảng 2 triệu đồng cho mỗi tháng làm việc.
Sau hơn một năm “khởi nghiệp” với đam mê móc len, Thuý Hằng vẫn ngày ngày học hỏi để có thể phát triển ổn định với nghề. Em chia sẻ: “Phải dám thử mới biết là mình sẽ phù hợp với việc gì. Được làm việc mình yêu thích, em rất vui. Em sẽ cố gắng làm thêm nhiều sản phẩm và hy vọng được thêm nhiều người đón nhận. Em mong rằng mọi người ai cũng có thể thực hiện được ước mơ của mình. Điều đó rất tuyệt vời”.
Vi Xuân - Ngọc Bích