Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo các nhà khoa học, việc lây nhiễm virus đã kéo theo quá trình lão hóa các tế bào và dẫn đến tình trạng viêm kéo dài, điều này có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng COVID kéo dài.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nhà khoa học Nhật Bản mới đây đã phát hiện virus SARS-CoV-2 gây ra tình trạng lão hóa các tế bào trong cơ thể con người ở giai đoạn khởi phát, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng COVID kéo dài (Long COVID).
Nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí Nature Aging của Anh.
Sau khi tiến hành các cuộc thí nghiệm trên động vật, nhóm nghiên cứu do giáo sư sinh học Eiji Hara thuộc Viện nghiên cứu các bệnh về vi sinh vật thuộc Đại học Osaka (Nhật Bản) đứng đầu đã khẳng định những tế bào bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập đã làm tăng tình trạng viêm nhiễm gây ra hội chứng COVID kéo dài.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng cơ chế viêm có thể là lý do khiến các bệnh nhân từng mắc COVID-19 gặp phải tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, đau đầu, rụng tóc và các triệu chứng khác sau khi cơ thể hết virus.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xem xét quá trình được gọi là sự lão hóa của các tế bào. Theo đó, các tế bào bị tổn thương ngừng tăng sinh - một cơ chế tồn tại thông thường của tế bào, và thay vào đó chúng phân tán các chất gây viêm ra xung quanh. Hiện tượng này được biết đến là nguyên nhân gây bệnh ung thư, xơ cứng động mạch và các rối loạn khác liên quan đến cao tuổi.
Sau khi nghiên cứu về tác động của chứng viêm trên những bệnh nhân mắc COVID-19, các thành viên trong nhóm đã quyết định xem xét mối tương quan giữa những triệu chứng của COVID-19 kéo dài với sự lão hóa của các tế bào.
Với việc đưa virus SARS-CoV-2 mới vào các tế bào người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều tế bào nhiễm virus đã bị chết trong vòng vài ngày và virus cũng biến mất. Đồng thời, họ cũng nhận ra rằng các tế bào bị nhiễm bệnh này đã giải phóng ra các chất làm thúc đẩy quá trình lão hóa tế bào trước khi chúng chết đi. Do vậy, các tế bào xung quanh trở nên “già đi” do các chất này vẫn còn tồn tại và đã tiết ra các chất gây viêm.
Bằng việc thử nghiệm trên những con chuột hamster bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các chất gây viêm vẫn tiếp tục phát ra từ các tế bào già trong phổi của chuột ngay cả sau khi virus không còn tồn tại.
Trong khi đó, nhóm cũng phát hiện ra rằng việc sử dụng một loại thuốc để loại bỏ các tế bào già ở những con chuột nhiễm bệnh đã mang lại hiệu quả trong việc giảm viêm phổi.
Dựa trên các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu kết luận rằng việc lây nhiễm virus đã kéo theo quá trình lão hóa các tế bào và dẫn đến tình trạng viêm kéo dài, điều này có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng COVID kéo dài.
Tuy nhiên, giáo sư Hara lưu ý rằng còn quá sớm để quyết định xem liệu cơ chế này có nên được lựa chọn để điều trị cho các bệnh nhân mới mắc COVID-19 hay không. Ông cho rằng các tế bào già cũng đem lại một số lợi ích, chẳng hạn như ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm, thay vì chỉ gây ra tác động tiêu cực. Do vậy, vấn đề không chỉ đơn giản là loại bỏ các tế bào bị lão hóa.
Nguồn TTXVN/Vietnam+