BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sự thật câu chuyện “Cờ Trung Quốc trong sách giáo khoa lớp 1” 

Cập nhật ngày: 23/11/2021 - 23:45

BTN - Trước hết, một lần nữa phải khẳng định ngay, không hề có chuyện cờ Trung Quốc xuất hiện trong sách giáo khoa lớp 1 của bất kỳ chương trình nào (chương trình 2000 hay chương trình 2018).

Trong giờ học. Ảnh minh hoạ, chụp vào năm học 2020-2021.

Giữa tháng 10.2021, trên trang cá nhân của một nhà thơ, nhà phê bình văn học có tiếng đăng tải một thông tin gây “choáng” cho nhiều người. Theo thông tin trong bài viết của nhà thơ này, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có in hình lá cờ của Trung Quốc.

Kèm theo bài viết có ảnh của trang sách, trong đó có lá cờ màu đỏ, nhiều ngôi sao (dễ dàng nhận thấy đây là quốc kỳ của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa). Thông tin nêu trên được nhà thơ viết ngày 16.10 nhưng chia sẻ trở lại trên trang cá nhân của mình vào ngày 20.11, là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Sự thật thế nào?

Ngoài thông tin nêu trên, nhà thơ này còn đặt ra nhiều câu hỏi, đọc qua có cái gì đó giống “thuyết âm mưu” kèm theo những lời quy kết nặng nề, vô căn cứ nhắm vào một số nhà biên soạn sách giáo khoa. Sự thật thế nào?

Thực lòng, chúng tôi (người viết bài này) cũng hơi ngạc nhiên khi thấy ảnh chụp trang sách in lá cờ của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là, quyển sách có in lá cờ Trung Quốc được cho là sách giáo khoa lớp 1 thuộc chương trình, nhà xuất bản nào, ai chủ biên và ai chịu trách nhiệm xuất bản? Liên hệ với một số giáo viên, cán bộ làm công tác chuyên môn trong ngành Giáo dục ở Tây Ninh, tất cả đều cho biết, không hề có chuyện hình lá cờ Trung Quốc in trong sách giáo khoa lớp 1.

“Nếu có, chúng tôi đã phát hiện từ năm ngoái, vì sách lớp 1 đã triển khai được 1 năm. Tôi khẳng định sách giáo khoa lớp 1, kể cả chương trình năm 2000 cũng như chương trình 2018 không hề có in lá cờ đó”- một vị trưởng phòng Giáo dục trao đổi với phóng viên.

Thực ra, cuốn sách trên được thiết kế không phải là sách giảng dạy chính thức trong trường học mà chỉ dùng để tham khảo tại nhà. Lần theo dấu vết, hoá ra câu chuyện “sách giáo khoa vẽ cờ Trung Quốc” xuất hiện từ năm 2013 nhưng nhà thơ kia “khai quật” trở lại cách nay vài ngày.

Tuy nhiên, cuốn sách vẽ lá cờ của Trung Quốc không phải sách giáo khoa lớp 1 như nhà thơ kia viết, mà nó có cái tên khá dài: “Bé làm quen với chữ cái” (hành trang cho bé vào lớp 1) của tác giả Nguyễn Thị Thuý Hà, sản phẩm do Nhà xuất bản ĐHSP xuất bản.

Trang sách có vẽ lá cờ Trung Quốc nằm trong bài học số 14. Cuốn sách này lưu hành một thời gian ngắn thì bị phát hiện có sai sót. Tại thời điểm đó, trả lời một số tờ báo, ông Đinh Văn Vang- Tổng Biên tập Nhà xuất bản ĐHSP, người chịu trách nhiệm về nội dung các đầu sách của NXB phát hành, nói như sau: “Chúng tôi tiếp nhận từ tác giả Nguyễn Thị Thuý Hà nội dung cuốn sách, gồm cả phần chữ và hình ảnh.

Chúng tôi phát hiện trong một bài có vẽ cờ Trung Quốc và đã đề nghị sửa vì không phù hợp khi sử dụng cho đối tượng trẻ em Việt Nam. Hiện tại bản sách chúng tôi phát hành đã in cờ Việt Nam. Chúng tôi đang liên lạc với tác giả để làm rõ chuyện này. Nếu cuốn sách được in ra với bản có “cờ Trung Quốc” thì chắc chắn là bản in mạo danh Nhà xuất bản ĐHSP”.

Cũng tại thời điểm đó, tác giả cuốn sách, bà Nguyễn Thị Thuý Hà trả lời báo chí rằng, những cuốn sách “vẽ cờ Trung Quốc” chỉ là bản in thử được mang gửi ở một số nhà sách. Một tờ báo khác tường thuật: “Giám đốc Nhà xuất bản ĐHSP cho biết nhà xuất bản có lỗi khi chưa phát hiện ra đã cho xuất bản cuốn sách.

Lỗi ở đây là do tác giả và đối tác liên kết (Công ty cổ phần in Dịch vụ văn hoá Sư phạm) không kiểm tra kỹ bản thảo trước khi in thử. Bản thảo này tiếp tục đưa về Nhà xuất bản ĐHSP để biên tập, đọc duyệt, tuy nhiên tại đây, người biên tập cũng không phát hiện ra những sai sót này.

Trong khi đó, đối tác liên kết đã in thử một số để quảng cáo, tiếp thị, sau khi in thử mới phát hiện ra những sai sót trên và đã cho sửa chữa kịp thời trong bản in sau...”. Cuối cùng, câu chuyện khép lại khi Nhà xuất bản ĐHSP yêu cầu tác giả Nguyễn Thị Thuý Hà thu hồi toàn bộ cuốn sách “in thử” có vẽ cờ Trung Quốc.

Thấy gì từ những thông tin nêu trên?

Trước hết, một lần nữa phải khẳng định ngay, không hề có chuyện cờ Trung Quốc xuất hiện trong sách giáo khoa lớp 1 của bất kỳ chương trình nào (chương trình 2000 hay chương trình 2018). Cuốn sách có sai sót trong bản in thử (thông tin đã dẫn) thuộc loại sách tham khảo, không phải sách giáo khoa dành cho lớp 1.

Câu chuyện sai sót trong cuốn sách tham khảo xảy ra đã hơn 8 năm chứ không phải mới đây. Nhưng cách thể hiện lập lờ của nhà thơ, nhà phê bình kia khiến nhiều người hiểu nhầm rằng, sai sót nêu trên thuộc về bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành hoặc bộ sách của chương trình năm 2000. Cách thể hiện thông tin, kèm theo văn phong mỉa mai, ngoa ngôn, đại ngôn kiểu “đao to búa lớn” khiến nhiều người có những bình luận ác ý, không đúng sự thật về bản chất câu chuyện.

Không chỉ ở phần bình luận, chính nhà thơ kia cũng có những nhận định quy chụp vô căn cứ khi viết: “Nước ta trong năm tháng này, sao lại để cho Trung Quốc khống chế nền giáo dục, khiến sách dạy Tiếng Việt phải in nhiều cờ Trung Quốc cắm trên cổng trường Việt Nam”.

Không có quốc gia nào khống chế nền giáo dục Việt Nam cả. Vin vào một sai sót trong cuốn sách tham khảo rồi nói nước này nước nọ khống chế nền giáo dục Việt Nam, không những không đủ sức thuyết phục mà còn làm giảm giá trị của bài viết cũng như độ tin cậy của bạn đọc dành cho người viết.

Cách thể hiện ý kiến của nhà thơ là hết sức hồ đồ, nó không nên xuất hiện, không nên có bởi một người có năng khiếu làm thơ như ông. Ông càng lớn tiếng, ngoa ngôn đòi truy cứu hình sự mấy vị lãnh đạo Bộ GD& ĐT vì “toa rập với ngoại bang bỏ hẳn môn văn trong nhà trường phổ thông và đại học”- lại càng làm gia tăng sự hồ đồ, thiếu bình tĩnh đến mức không còn chút khách quan nào khi phê bình.

“Nói phải củ cải cũng nghe”. Khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng đối tượng được phê bình là nguyên tắc tối thiểu khi phê bình người khác hoặc phê bình một sự việc nào đó. Xin hỏi nhà thơ, dựa vào đâu ông khẳng định những người biên soạn sách giáo khoa “toa rập với ngoại bang”? Tố cáo người khác nhưng không đưa ra được chứng cứ nào đủ sức thuyết phục, nhà thơ có biết mình đang có dấu hiệu phạm vào cái tội (mà chính ông) “la làng la xóm” đòi truy cứu hình sự những nhà biên soạn SGK không?

Việt Đông