Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tìm đến gia đình bà lão ở ấp Bàu Cát, tận mắt chứng kiến một sự thật phũ phàng là người con trai của bà, khoảng hơn 40 tuổi đang tổ chức tiệc nhậu với đông đảo bạn bè ở nhà. Người con trai cho biết bà mẹ đang… đi chơi, đến tối mới về. Cán bộ xã gặng hỏi, bà lão đi chơi ở đâu, anh này nói mẹ mình đi “thăm bà con ở Thị xã”.
|
Mấy tháng nay, người dân ở thành phố Tây Ninh, huyện Hoà Thành thường trông thấy một bà lão ăn xin khoảng 80 tuổi, ôm bụng nhăn nhó, ra vẻ rất đau đớn ngồi ở góc các ngã tư đường giữa cái nắng chang chang từ 10 giờ đến 12 giờ hằng ngày để ăn xin. Nhiều người thương tình dừng lại cho tiền và hỏi thăm hoàn cảnh thì bà lão cho biết, bản thân bà bị bệnh tim, không nhà, không có ai nuôi, không tiền nằm viện nên phải đi ăn xin.
Bạn đọc thông tin đến Báo Tây Ninh và đề nghị Báo nên có bài viết về hoàn cảnh đáng thương của bà lão để xã hội giúp đỡ, đưa bà lão vào Trung tâm Bảo trợ xã hội sống những tháng ngày cuối đời. Thế nhưng, khi phóng viên vào cuộc tìm hiểu về bà lão thì phát hiện ra một sự thật quá phũ phàng.
QUÁ TỘI
Dưới cái nắng như đổ lửa của mùa hè, vào lúc 11 giờ trưa một ngày giữa tháng 5, tại góc ngã tư giao lộ CMT8 - Lê Lợi, thành phố Tây Ninh, bà lão ăn xin ngồi bên trụ đèn tín hiệu giao thông, một tay ôm bụng nhăn nhó, một tay cầm cái thau nhỏ để nhận tiền bố thí từ người đi đường dừng xe cho. Thấy bà lão ăn xin ngồi thở rất mệt mỏi, chị chủ tiệm bán tranh bên đường CMT8 đem ra hộp sữa tươi tự tay cầm cho bà lão uống, khiến ai chứng kiến cũng xót xa cho hoàn cảnh của một người già yếu bệnh tật phải đi ăn xin. Có người chạy xe qua khỏi rồi, vẫn quay xe lại cho bà lão một ít tiền. Có người vừa mới cho tiền đến khoảng 10 phút sau quay lại đưa cho bà lão một hộp cơm, một chai nước suối...
Đến gần 12 giờ trưa, nắng gay gắt mà chỗ bà lão ngồi không có bóng mát nên chị chủ tiệm bán tranh phải ra khuyên bà vào phía trong bóng cây ngồi nghỉ. Lúc này bà lão ăn xin mới đứng dậy chống gậy lê bước một cách vô cùng khó nhọc mới bước lên được vỉa hè. Nhìn vào sự mệt mỏi của bà lão, người ta nghĩ rằng nếu bà ngồi thêm dưới nắng như thế chừng khoảng 15 phút nữa ắt sẽ ngã gục vì kiệt sức.
Tuy nhiên, trong khi quan sát bà lão, chúng tôi phát hiện một chi tiết đáng chú ý là bà chỉ ôm bụng tỏ vẻ đau đớn khi đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư chuyển sang màu đỏ, có nhiều người điều khiển xe máy dừng lại. Khi tín hiệu đèn chuyển sang màu xanh thì bà lão không còn đau đớn nữa (?!). Do đó chúng tôi quyết định tìm hiểu cặn kẽ hơn về bà lão để thông tin đến bạn đọc về hoàn cảnh của bà.
Sau khi nghe chị bán tranh khuyên bảo, bà lão bước vào bóng cây ngồi nghỉ ngơi, chừng 15 phút sau bà đứng lên chống gậy đi một cách khó nhọc trên vỉa hè đường Lê Lợi. Khi vừa qua shop hoa tươi Như Lai, bà lão ngồi xuống vỉa hè ăn hộp cơm, uống chai nước do người đi đường đưa cho lúc nãy. Khoảng 20 phút sau, đập vào mắt chúng tôi là một hình ảnh hết sức bất ngờ: bà lão đứng thẳng dậy, bước đi một cách khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, không cần dùng gậy như trước.
Đáng nói là bà còn phì phèo điếu thuốc lá trên miệng khi di chuyển, không có vẻ gì là bệnh tật, đau đớn như lúc ngồi xin ăn tại ngã tư. Chúng tôi lặng lẽ theo chân bà lão, qua nhiều đoạn đường, đến bến xe Tây Ninh và trông thấy bà đón xe buýt về huyện Tân Biên. Trao đổi với chúng tôi, mấy anh tài xế xe buýt cho biết bà lão ăn xin kia thường xuyên đón xe lên xuống tại khu vực cây xăng 64 ở xã Tân Phong, huyện Tân Biên.
Chúng tôi quay trở lại ngã tư CMT8 – Lê Lợi, nơi bà lão vừa ngồi ăn xin để gặp chị chủ tiệm bán tranh. Chị chủ tiệm cho biết, thấy bà lão lớn tuổi mà ngồi dưới nắng ăn xin chị rất xót xa, vì vậy chị đem sữa ra cho bà lão uống. Thậm chí chị còn đếm tiền, sắp xếp ngay ngắn lại cho bà lão trong buổi sáng hơn 300.000 đồng để bà cất. Chị cho biết, thấy bà lão nhăn nhó, đau đớn chị hỏi thăm, thì bà trả lời là bị bệnh tim, đang nằm viện, nhưng không có gia đình, không ai nuôi và không có tiền nên đi ăn xin. Thấy vậy, chị và một số người khác định bỏ tiền thuê taxi để chở bà lão lên bệnh viện, nhưng bà không đồng ý dù luôn nhăn nhó than mệt.
ĐÁNG THƯƠNG HƠN ĐÁNG TRÁCH
Khi liên hệ với UBND xã Tân Phong để tìm hiểu về hoàn cảnh của bà lão ăn xin, chúng tôi đưa cho cán bộ xã xem hình ảnh, nhiều người nhận ra bà là dân địa phương, gia đình ở ấp Bàu Cát. Cán bộ xã cho biết, trước đây hoàn cảnh gia đình bà lão khó khăn lắm, xã đã cất tặng bà một căn nhà tình thương. Mấy năm gần đây, người con trai đang sinh sống cùng bà lão trúng vé số kiến thiết được số tiền lớn. Bà cũng còn một người con gái có chồng ở nước ngoài nhưng không hiểu lý do gì bà lại xuống tận thành phố Tây Ninh đi ăn xin như thế.
Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tìm đến gia đình bà lão ở ấp Bàu Cát, tận mắt chứng kiến một sự thật phũ phàng là người con trai của bà, khoảng hơn 40 tuổi đang tổ chức tiệc nhậu với đông đảo bạn bè ở nhà. Người con trai cho biết bà mẹ đang… đi chơi, đến tối mới về. Cán bộ xã gặng hỏi, bà lão đi chơi ở đâu, anh này nói mẹ mình đi “thăm bà con ở Thị xã”. Một người hàng xóm có mặt trong tiệc nhậu cũng nói rằng bà lão đi Thị xã thăm bà con. Cho đến khi chúng tôi nói là bà lão đi ăn xin ở thành phố Tây Ninh thì người hàng xóm nọ mới thừa nhận là có biết chuyện bà lão đi ăn xin. Cũng chính người này cho chúng tôi biết, bà lão tên N.T.M, năm nay đã 78 tuổi, phải đi xin ăn để lo cho con cháu, vì “con cháu trong gia đình bà quá khổ, trong đó có người con mà chúng tôi gặp đang uống rượu thì… bị bệnh gan”.
Người con trai của bà lão cho biết, anh làm công nhân cầu đường, nhưng khi nào có việc làm mới đi. Còn con trai của anh, tức cháu nội của bà lão ăn xin, nay đã 17 tuổi đang đi làm thuê cho người khác. Khi lãnh đạo xã Tân Phong đặt câu hỏi về việc ai nuôi bà lão, bà sinh sống như thế nào, người con trai lảng tránh không trả lời, mà chỉ lí nhí nói hiện nay bà đang sống với anh ta. Tuy nhiên, anh ta không phủ nhận chuyện mỗi buổi sáng bà lão 78 tuổi đạp xe hơn 3km từ Bàu Cát ra quốc lộ 22B ở xã Tân Phong đón xe buýt đi thành phố Tây Ninh để ăn xin.
|
Một người hàng xóm khác cho biết thêm, người con trai của bà lão có trúng số thật, nhưng không hiểu tiêu xài tiền như thế nào mà chỉ một thời gian ngắn lại trắng tay. Còn cô con gái có chồng nước ngoài thì lâu lâu mới gửi nhỏ giọt cho bà lão một, hai triệu đồng nên thực sự bà lão hiện sống rất khó khăn.
Như vậy, một sự thật về hoàn cảnh của bà lão ăn xin đáng thương đã được làm rõ. Bà lão có gia đình đàng hoàng, sống cùng con cháu đang tuổi lao động nhưng vì sao ở cái tuổi gần 80 mà bà phải “đóng kịch” bệnh hoạn ở các góc ngã tư, ngồi “hành xác” dưới nắng để ăn xin? Dù hành vi lừa dối mọi người của bà lão rất đáng trách, nhưng tình cảnh của bà cũng đáng thương khi bà không được con cháu chăm sóc tuổi già, mà có thể còn làm ngược.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Tân Phong khẳng định, UBND xã sẽ lập đoàn công tác để vào làm việc trực tiếp với bà lão và người con trai, yêu cầu người con trai phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng bà lão, chứ không thể cứ để bà lão phải đi “lừa” mọi người xin tiền về lo cuộc sống gia đình. Hy vọng sau khi được chính quyền làm việc, anh con trai sẽ tỉnh ngộ ra, sống có trách nhiệm hơn với người sinh ra mình, và để bà lão không còn phải ra đường tự “hành xác” một cách khốn khổ như thế.
THẾ NHÂN