Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sự tích và trò diễn đêm hội Giã La

Cập nhật ngày: 15/06/2011 - 12:55

Căn cứ vào sự tích thành hoàng làng và trò diễn đêm Giã Hội còn lưu lại cho đến giờ thì “Giã La” ấy chính là xã thuộc Dương Nội, huyện Hoài Đức, Hà Nội. La Nội và Ỷ La từ xưa vẫn thờ chung một đình một quán, và một chùa Cả nên hội La là hội chung của hai làng.

Khi xếp hạng hội hè ở các vùng quê thuộc phủ Quốc Oai cũ, dân gian còn lưu truyền bằng câu ca: 

            “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
            Vui thì vui vậy chẳng tầy Giã La”

Đăm ở xã Tây Tựu. Giá ở xã Yên Sở. Thầy ở Sài Sơn. Còn La là La nào trong số 7 làng La của tổng La Nội trước đây?

Căn cứ vào sự tích thành hoàng làng và trò diễn đêm Giã Hội còn lưu lại cho đến giờ thì “Giã La” ấy chính là xã thuộc Dương Nội, huyện Hoài Đức, Hà Nội. La Nội và Ỷ La từ xưa vẫn thờ chung một đình một quán, và một chùa Cả nên hội La là hội chung của hai làng.

Theo Thần phả hiện còn lưu giữ ở quán La và các bản sao chép của một số dòng họ, vị thành hoàng làng có tên húy là Đương Cảnh. Dân vẫn kiêng gọi Cảnh là Kiểng. Mẫu thân của ngài là cô thợ nhuộm Trần Thị Châu vốn người xứ Hải Dương. Một lần đi hàng gặp hội cô dừng xem và nghỉ lại. Đêm ấy cô được Thần mộng triệu thai nghén mới mà sinh ra Ngài. Sau này làm quan thời Hùng Vương tới chức Đô đốc linh ứng đại vương. Tới đời vua Khải Định thì Ngài đã được triều đại trước sắc phong 22 đạo sắc (có 2 đạo sắc của triều Nguyễn Quang Trung)

Bấy giờ vùng này còn nhiều cánh rừng rậm. Ở quán Chảy xã Đông La cách đấy không xa, những năm 1994, 1995 vẫn còn một khoảng rừng nguyên sinh với những cây to chằng chịt dây leo. Trên đồng La vẫn còn một xứ có tên gọi Đồng Rừng1.

Một lần dẹp giặc qua làng, thấy dân tình trong vùng này hay bị hổ dữ hoành hành. Ngài đã tâu với vua và được vua cử về giúp dân trừ ác thú. Ngài đã dạy dân sắm vũ khí, làm hầm bẫy và tổ chức cách săn lùng. Cuối cùng Chúa sơn lâm là con "Hổ lang vàng mép" đã sa bẫy. Dân làng giết thịt ăn mừng. Sau này mỗi năm vào hội rước, trên sàn kiệu ông vẫn được trải một bộ da hổ còn đủ đầu đuôi và 4 chân để đặt ngai. Nơi chôn xương gọi là Đồng Hùm, hiện nay vẫn còn ở gần giữa quãng đường "rước vua" từ đình ra quán.

Ngài có hai bà vợ vốn dòng tiên là Chính Nương và Tuyên Nương. Một năm, vào ngày 2 tháng Chạp tự nhiên có một dải mây hồng như tấm lụa buông xuống trước cửa trại của ngài. Ngài chưa kịp định thần thì hai bà vợ Tiên đã theo đó mà ngược về trời. Cảm buồn vì cảnh cô đơn, Ngài lên ngựa đi sâu vào rừng tối và không bao giờ trở về. Nghe dân trình tấu, vua Hùng phong ngài là Thành hoàng làng. Dân làng nhớ ơn ngài và hai phu nhân đã dựng quán làm đình đời đời đèn nhang thờ phụng. Từ đây cứ đến 2 tháng chạp âm, tục gọi là ngày chạp vua, bô lão hai làng họp mặt, trước để tế thờ,  sau là bàn bạc để định việc mùa xuân tới có vào đám hay không?

Hội lễ hàng năm diễn ra vào mồng 6 tháng Giêng chỉ rước oản quả từ chùa Hoa Nghiêm lên quán, xong lại rước về chùa, là xong.

Hội chính còn gọi là đại đám, thường 5 năm mới mở một lần, cũng thường chọn năm "Hòa Cốc phong đăng". Đại đám bắt đầu từ ngày hội 6 tháng Giêng kéo dài đến hết 14 tháng Giêng.

Lễ hội ở đây có nhiều điều hấp dẫn và khác biệt với các lễ hội những làng lân cận.

Có phải chính vì trò diễn này với toàn bộ cảm hứng anh hùng ca xen lẫn chất trữ tình dân gian, do nó tạo ra một không gian huyền thoại nửa sáng, nửa tối, mà các hội nổi tiếng khác sánh chẳng tầy chăng?

Công việc chuẩn bị cho đêm giã hội được xem sắp đặt lần chót rất hào hứng và khẩn trương. Trước hết, một cánh rừng giả được bày ra trong hậu cung. Để tạo ra mặt bằng cần thiết giữa nơi chật hẹp này, bệ thờ được nâng cao, dành phần dưới sàn cho sân khấu. Về phụ trách âm thanh có ít nhất  4 người có tài “khẩu thuật” chuyên làm các tiếng gà gáy, chim kêu, vượn hót.

Cánh rừng giả khi ấy trở nên thâm u vang vọng như thực vậy. Vai chính trong trò đánh đặc biệt này là hổ dữ do một tráng niên tự nguyện được đảm nhận. Những năm xưa vai này thường được trả 300 (bằng ba thúng thóc). Lốt hổ được thửa rất công phu màu sắc đúng như trong tục truyền. Trước khi khai trò, hổ phải thu mình náu giữa cánh rừng nơi hậu cung. Có mấy chục quan viên, tư văn sắm vai những người đi săn. Mình họ khoác áo chéo tấm lụa đỏ, lưng thắt lụa xanh bó múi bên sườn. Tốp cầm lệnh khoảng 10 người. Tốp cầm côn. Tất cả đứng sẵn ngoài đại bái. Ngoài ra còn hàng trăm người quân kiệu chấp sự, tế sự dàn nhạc và những người hộ tống đám rước, cơ nào ngũ ấy răm rắp. Khán giả là lực lượng đông nhất, "đông như xếp ghế". Dân thiên hạ, dân địa phương kéo về đình chiếm chỗ từ chiều.

Giã hội được mở đầu bằng tuần tế phụng nghinh kéo dài từ nửa buổi chiều cho đến chập tối. Người mải xem chả biết đèn đuốc đã bật sáng từ bao giờ. Trước mắt họ những ca nữ đang hát bài thánh ca chúc Thánh. Tiếp theo là điệu múa lọ (lọ độc binh bằng đồng hoặc bằng gỗ), múa hoa, múa côn. Và tiếng rừng phút chốc từ hậu cung vọng ra đủ âm thanh cung bậc hoang dã. Một tiếng pháo lệnh lớn nổ vang, cuộc săn hổ bắt đầu.

            Một người dẫn trò xướng lên dõng dạc:

            “Hỡi đoàn lũ chúng ta
            Đi săn đón đường
            Đón Thánh giá hoàn cung
            Đón lấy quan cao lộc vị
            Về cho hai chạ
            Đoàn lũ chúng ta
            Côn kiếm vung ra
            Truy tìm hổ dữ”

            Ba hồi trống vừa dứt, đèn nến trong đình phụt tắt, hổ dữ từ hậu cung lao vọt ra như tia chớp.

Đoàn thợ săn đuổi ác thú quanh đình 3 vòng. Cả đám hội bị cuốn hút vào cuộc  truy lùng cũng bật lên ngàn tiếng reo hò sảng khoái, sau mỗi vòng hổ lại rúc vào rừng im thin thít. Tốp cầm côn đuổi theo, đến cửa cung chia ra hai nhóm và hỏi nhau. Lần một đại ý: Bên chú đi săn đến đâu, thấy gì? Đáp: Đi đến mả Thiền Quan chỉ thấy con chim chích thôi.

Lần thứ hai, bên được hỏi, đáp: gặp “ hổ lang vàng mép”. Tất cả đồng thanh, biểu lộ quyết tâm diệt thú dữ:

            ... “Lột da lót ngai
            Cho đức vưa ngồi
            Nanh là cán dao
            Cho đức vua cầm        
            Thịt nấu canh ngon
            Cho đức vua hưởng...”

Hổ dữ lần chót lại lao ra khỏi hang ổ. Nó chạy đến cổng đá của đình thì sa bẫy. Theo lệ, người sắm vai trút lốt tại đình rồi bươn một mạch về nhà mình, nằm vật ra, thở dốc tim đập loạn nhịp, cứ y như vừa thoát khỏi một tai họa thực sự.

Sau hàng giờ diễn ra "đánh biệt" căng thẳng hấp dẫn đèn nến trong đình lại bừng sáng. Đoàn thợ săn trở vào hậu cung dọn sạch cánh rừng, kết thúc lớp trò chính của đêm giã hội.

Nhưng đêm giã hội mới chỉ qua phần đầu. Còn từ đây đến rạng sáng ngày hôm sau với cuộc rước hoàn cung đồ sộ chưa từng thấy. Đoàn rước gồm: Một giá trống cái, một giá ngựa bạch, một long đình, 2 hương án, một bàn độc, một kiệu ông, hai kiệu bà và rợp trời cờ quạt với ngót 300 chân kiệu, chấp kích toàn là những nam thanh nữ tú được tuyển lựa luyện tập công phu. Biết bao cảnh kỳ thú sẽ diễn tiếp. Biết bao ý tình nảy sinh trong mối giao lưu dân dã hội hè.

Phải có được một lần trọn vẹn đêm hội Giã La mới thấy người xưa đánh giá quả không ngoa.

K.D (st)