Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sự tích về lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa

Cập nhật ngày: 26/03/2012 - 12:36

Đến hẹn lại lên, cứ vào vào dịp rằm tháng ba âm lịch hàng năm, du khách thập phương và người dân Minh Hoá từ khắp mọi miền quê đều nô nức tìm về thị trấn Quy Đạt, để hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ- hội và chợ rằm.

Lễ hội rằm tháng ba có tự bao giờ, đến nay vẫn chưa có một cứ liệu khoa học nào có thể khẳng định một cách cụ thể về thời gian, sự tích hình thành, hình thức sinh hoạt và giá trị văn hoá. Thế nhưng từ bao đời nay, lễ hội đã đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa và trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết tinh nét văn hóa đặc sắc của một vùng quê sơn cước.

Theo những bậc cao niên kể lại lễ hội rằm tháng ba ở Minh Hoá có xuất xứ từ câu chuyện 2 anh em một nhà nông ở làng Yên Đức, xã Yên Hoá đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Lên đến đỉnh họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả.

Lễ dâng hương tại thác Bụt hàng năm.

Dưới bóng cây râm mát có 12 hòn đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng như bàn cờ tướng và trên đó có những quân cờ cũng bằng đá. Hai anh em nghỉ ngơi, ăn quýt và ngắm nhìn những tượng đá. Thấy lạ người anh dùng dây rừng buộc lấy một hòn đá và mang xuống núi, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi.

Bực mình vì tiếc công mang, anh ta liền dùng rựa ghè sứt môi tượng đá, hậu quả là dòng họ của người anh trong nhiều đời liên tục đều có một người bị sứt môi hở hàm ếch. Khi tượng đá xuất hiện ở thác Cúi chưa được bao lâu thì làng Yên Đức sinh ra nhiều dịch bệnh, chim muông, thú dữ về phá hoại mùa màng và bắt gia súc, gia cầm. Dân làng lập đàn khấn vái thì một người ứng đồng tự xưng là Bụt hiện đang ở thác Cúi và đòi lập đàn thờ.

Nghe vậy, dân làng làm theo và tự nhiên dịch bệnh tiêu tan, mùa màng tươi tốt, nhà nhà trở lại yên ấm. Từ đó, tại đàn thờ ở thác Cúi hàng ngày có rất nhiều người đến cầu nguyện. Ở chỗ đặt tượng đá, dân làng đã dọn sạch cây bụi, làm một cái sàn nhỏ bằng gỗ bện dây rừng để đặt lễ vật khi cầu cúng. Lễ vật tuỳ tâm, có thể chỉ là miếng trầu, lá thuốc, xôi oản...nhưng phải thật tinh sạch.

Giới thiệu các món ăn truyền thống của người dân Minh Hóa.

Tiếng đồn về sự linh thiêng của Bụt và sự đắc nghiệm sau khi cầu khấn đã lan ra các huyện, các tỉnh lân cận thu hút người khắp nơi kéo về nườm nượp. Do vậy, thác Cúi trở nên chật chội và bất tiện cho việc cầu cúng nên dân làng Yên Đức đã góp tiền, góp gạo thuê dựng chùa ở phía nam dốc Cảng cho gần làng hơn để tiện việc tế lễ, gọi là chùa Rú Vàng (Tú Vàng). Có chùa nhưng không có sư mà chỉ có các ông sãi, ông từ coi giữ, quét dọn và làm lễ cầu cúng cho mọi người.

Lúc đầu, lễ cầu cúng được thực hiện liên tục hàng ngày, sau đó để thuận lợi hơn cho mọi người, dân làng đặt ra lệ chỉ làm lễ cầu nguyện chung mỗi năm một lần vào ngày rằm tháng ba cho đến bây giờ.

Từ ngày tái lập huyện Minh Hoá (1.7.1990) đến nay, lễ hội rằm tháng ba đã được tổ chức khá bài bản, nhằm bảo tồn và phát huy cả nội dung lẫn hình thức, phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của nhân dân trong toàn huyện.

Do vậy, năm 2004, hội rằm tháng ba truyền thống của Minh Hoá đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội văn hoá truyền thống cấp tỉnh. Rằm tháng ba ở Minh Hoá hội tụ cả 3 yếu tố gồm: lễ - hội - chợ và được duy trì từ xưa đến nay.

Thông thường phần lễ sẽ được Ban tổ chức thực hiện từ ngày 14 (âm lịch) tại thác Bụt (xã Yên Hoá), du khách và người dân Minh Hoá đổ về đây để thắp hương cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no... Sang ngày 15 (âm lịch), hầu như gia đình nào cũng có mâm cỗ dâng cúng tổ tiên, cũng là dịp để mọi người gặp gỡ kể chuyện gia đình và chúc nhau làm ăn ngày càng phát triển.

Thi đánh cờ tướng tại hội rằm.

Sau phần lễ là phần hội, tại trung tâm huyện lỵ Quy Đạt và ở các trung tâm cụm xã, đã diễn ra các hoạt động văn hoá- văn nghệ dân gian mang đậm bản sắc của người dân Minh Hoá như: hát sắc bùa, hát nhà trò, múa tiên, độc tấu nhạc cụ dân tộc, hò thuốc.

Ngoài các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước và những thành quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế- xã hội, du khách còn được hoà mình vào “điệu hát hôi lên” là sự đối đáp, tỏ tình yêu nam nữ: “Trời mưa (chừ) nước chảy hồi quanh hồi/Hôi lên là hôi lên/Anh không (chừ) lấy vợ ai đâm pồi (bồi) ăn anh ăn/Hôi lên là hôi lên”.

Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, lễ hội rằm tháng ba cùng với các làn điệu dân ca như: điệu hò thuốc, điệu đúm ví và điệu ru con đã trở thành nét văn hoá truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Minh Hoá. Đã là người dân Minh Hoá dù đi đâu, ở đâu cũng không thể nào quên ngày rằm tháng ba, bởi thế mới có câu "Thà rằng đau ốm mà nằm/ Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba..."

Đ.T (st)