Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chúng ta có bao giờ tạo dựng xung quanh con một vành đai an toàn của lòng yêu thương?
Chúng ta thường chọn cách rào kín cánh cổng nhà mình để bảo vệ con cái và hoài nghi tất cả, cảnh giác với tất cả. Vô hình chung, ta tự làm tổn thương chính đứa trẻ của mình.
Vấn đề đặt ra là có cách nào tạo nên vành đai an toàn để đứa trẻ có thể phát triển một cách tự do và lành mạnh trong thế giới đầy hiểm nguy hay không? Vành đai an toàn đó không đơn giản chỉ là cổng sắt, bốn bức tường hay chiếc camera. Tôi nghĩ nó vô hình hơn nhưng có sức mạnh nhiều hơn…
Sự tin cậy dành cho giáo viên, bao nhiêu là đủ?
Khi con trai học lớp một, tôi cảm thấy rất lo lắng. Con vốn dĩ tính tình nóng nảy, ngang bướng, thích đi ngược lại đám đông, không đi học chữ trước… Vì thế, tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn là năm học đầu tiên của con sẽ vô cùng chông gai, vất vả.
Tôi gặp cô giáo và chia sẻ về những hạn chế đó của con để mong cô giúp đỡ. Tôi cũng nói với cô là gia đình không kỳ vọng con giỏi giang như các bạn khác, chỉ cần con thích và tự giác học tập là được rồi. Không hiểu cô động viên thế nào mà sau một tuần đi học, con tỏ ra vui vẻ, về nhà tự giác học bài, không bao giờ phải nhắc nhở thúc giục.
Mỗi khi phát hiện các con có điều gì đó bất thường là tôi lại đến gặp cô giáo để hỏi xem ở lớp con có biểu hiện gì không và nhờ cô giúp đỡ. Cũng có lúc do sức khỏe con không được tốt, sự xáo trộn trong cuộc sống ảnh hưởng đến chuyện học hành của con, tôi đều đến cầu cứu cô. Nếu như có điều gì chưa đồng ý với cách dạy của giáo viên, tôi đến gặp và gợi ý giải pháp khác thay thế phù hợp nhất với tính cách của con mình.
Tôi không có thói quen gửi phong bì các cô nhân dịp lễ tết nhưng tôi thấy giáo viên của con đều rất yêu thương và hiểu các con. Thậm chí, khi con mới chuyển sang trường Thăng Long, thấy con đọc viết còn yếu, cô giáo còn gọi điện cho tôi, đề nghị giữ con lại để dạy thêm Tiếng Việt. Cứ như vậy, hai con đều vui vẻ đến lớp, yêu cô, quý bạn.
Có thể nói, khi con đến tuổi đi học, rời xa vòng tay của cha mẹ, vành đai an toàn bao xung quanh con chính là thầy cô giáo. Thầy cô của con vừa là con mắt nối dài của tôi, giúp tôi nhìn thấy những điều mà tôi không thể nhìn thấy, Đồng thời, thầy cô vừa là người dẫn đường cho con, giúp tôi uốn nắn con từ những thứ nhỏ nhặt hàng ngày.
Con ở trường với cô nhiều hơn với cha mẹ. Con mang nguồn gene với đầy đủ những ưu khuyết điểm của tôi. Tôi hiểu cô khó khăn biết chừng nào để có thể hiểu con. Do đó, tôi cần phải truyền tải được toàn bộ lòng yêu thương con, mong đợi, mục tiêu của tôi cho cô. Tôi cũng muốn truyền tải những hiểu biết của mình về con cũng như hoàn toàn gửi gắm niềm tin cho cô. Bởi chỉ có cô mới là người có thể khiến cho những yêu thương, mục tiêu và kỳ vọng ấy của tôi trở thành hiện thực.
Nếu cô chưa hiểu con mà hành xử sai lầm, đó là lỗi của tôi, là do tôi chưa truyền thông tốt, chưa dành đủ thời gian và tâm sức để xây dựng được cho con một vành đai an toàn ở trường.
Xuất phát từ những suy nghĩ đó, tôi luôn cảm thấy biết ơn những người thầy của con mình. Trên bàn ăn, trong phòng ngủ, trên đường, tôi thường nói với con là: “Cô của con tài thật đấy, làm thế nào mà từ một đứa chẳng biết chữ nào, con có thể đọc được ngần này thứ?”.
Tôi nhờ các con mang tới lớp niềm biết ơn đó của mình. Con tôi có thể kém, có thể chưa hoàn hảo nhưng tôi biết trong thâm tâm, chúng thực sự khâm phục cô giáo của mình. Khi khâm phục cô giáo thực lòng, chúng sẽ cư xử hài hòa hơn.
Xây “vành đai an toàn” cho con
Khi mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh được thiết lập dựa trên sự hoài nghi, hoặc quan hệ đổi chác sẽ khiến giáo viên nhận thấy công việc của họ đơn giản chỉ là một dịch vụ. Họ sẽ hiểu thân phận của mình chẳng qua chỉ là kẻ làm thuê, với nghĩa vụ và trách nhiệm trong giờ làm việc, ở nơi làm việc.
Tuy nhiên, trong cuộc đời đi học của mình, tôi đã gặp những ông thầy không ngần ngại xông vào quán bi-a để tìm học sinh trốn học. Tôi cũng biết những cô giáo sẵn sàng đến tận nhà để gặp phụ huynh khi phát hiện ra học sinh của mình có những biểu hiện bất thường. Có không ít thầy cô đã “nhường cơm, sẻ áo” cho những đứa trẻ nghèo khổ, thiệt thòi.
Không một người nào trong số thầy cô đó nghĩ rằng họ làm những việc này để được trả lương cao hoặc được đền ơn. Bởi với họ, đó là việc cần làm, xuất phát từ trái tim. Chỉ khi nào ta có thể gạt bỏ sang một bên tâm lý “tôi là người trả tiền, anh là người phục vụ”, giáo viên mới có thể cảm nhận được giá trị của họ. Từ đó, họ mới cảm nhận được sứ mệnh của mình, ý thức được mình không phải đang làm công ăn lương. Trên hết, họ ý thức được mình đang xây đắp nên một con người và phải chịu trách nhiệm với xã hội về sự trưởng thành của con người đó.
Với tư cách là một người mẹ, cũng như những người mẹ khác, tôi muốn xây dựng vành đai an toàn cho con mình. Tôi không thể bao bọc con trong lồng kính. Con cần phải vươn ra cuộc đời, chịu va đập và sóng gió. Con cần được nâng đỡ và yêu thương bởi những người khác tôi, nhờ sự vươn ra đó mà con trưởng thành.
Khi xã hội càng nhiều nguy hiểm, khi niềm tin của con người dành cho nhau ngày càng giảm đi, tôi biết mình càng cần phải mở rộng vành đai an toàn đó bằng sự yêu thương và tin cậy của mình.
Nguồn baoquocte
TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh
Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Sách ơi mở ra