BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sửa một chỗ sai, trong “Trích ngang” tháp Chót Mạt 

Cập nhật ngày: 08/08/2023 - 22:44

BTN - Đấy là đá có màu sáng quá, khác xa với màu đá các ngẫu tượng Yoni hiện còn. Các tầng tháp phía trên cũng mới chỉ là các khối vuông, chồng xếp lên nhau kiểu kim tự tháp mà không có một chi tiết điêu khắc trang trí nào.

Trong bài trước “20 năm, tháp cổ được chữa lành”, chúng tôi đã kể về hiệu quả cuộc trùng tu theo phương pháp “mài chập”, với việc bảo tồn được nhiều chi tiết nguyên gốc, cũng như những “sáng tạo” hợp lý trong điều kiện trùng tu mà chưa có đầy đủ các căn cứ nguyên gốc. Hỏi rằng kết quả ấy đã là “mỹ mãn” hay chưa? Xin được trả lời: Kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Mặt tường phía Bắc tháp Chót Mạt hiện nay.

Cụ thể là ở phía Đông, cửa chính với 2 trụ đá tròn 2 bên và tấm “mi” cửa phía trên, làm từ đá sa thạch- là hoàn toàn mới, với các hoa văn, hoạ tiết trang trí có vẻ như còn chưa ăn nhập, hài hoà với đường nét nghệ thuật chung của tháp. Ngay cả chất liệu đá cũng không tương đồng với các cấu kiện đá còn sót lại ở tháp Chót Mạt. Đấy là đá có màu sáng quá, khác xa với màu đá các ngẫu tượng Yoni hiện còn. Các tầng tháp phía trên cũng mới chỉ là các khối vuông, chồng xếp lên nhau kiểu kim tự tháp mà không có một chi tiết điêu khắc trang trí nào. Thành ra “cái mũ đội đầu” của tháp cho ta cảm giác nặng nề, không tương xứng với phần thân tháp.

Đặc biệt nhất là mặt tường phía Bắc, do còn nhiều chi tiết gốc nên cho đến ngày nay nó vẫn là mặt tường đẹp nhất, thì hai trụ áp tường (xây mới) đã nhô ra hơi nhiều, nên có thể đã làm khuất lấp phần nào vẻ đẹp của các chi tiết điêu khắc gốc ở ngay bên. Điều này đã làm giảm bớt vẻ đẹp của mặt tường Bắc, mà chúng tôi đã ghi nhận được bằng 1 tấm ảnh chụp trước khi di tích này được trùng tu.

Tuy vậy, nói cho công bằng thì những khiếm khuyết kể trên là hoàn toàn khách quan. Lý do là tháp Chót Mạt đã hư hại rất nhiều. Trước khi trùng tu, phần tường phía Đông với cửa chính đã sụp đổ hoàn toàn. Ba mặt tường còn lại cũng chỉ còn từ một nửa đến 2/3. Tại các góc tường đã bị nứt toác làm cho liên kết các khối xây trở nên rất yếu, 3 mặt tường ấy gần như bị tách rời khỏi nhau.

Mặt Bắc đẹp nhất nhưng chỉ còn lại phần tầng tháp dưới cùng, phần trên đã biến mất từ lâu. Mà ngoài những bản ảnh chụp và vẽ ghi vào năm 1909 của nhóm các ông Henri Parmentier và Cudenet thì không còn tư liệu nào khác. Do vậy, phần nóc tháp hoàn toàn là do tạm thời ước định. Tương tự là các phần bên cửa chính, mặt tường hướng Đông hoặc các phần tháp đã bị sụp đổ trong quá khứ là không thể phục hồi đúng như nguyên bản gốc. Nếu có thể thì chỉ có “sáng tạo” làm nhẹ nhàng thanh thoát hơn ở phần mũ tháp; hoặc các hoa văn tinh tế, gần giống hơn với những phần còn lại ở mặt tường phía Bắc mà thôi! Những hoa văn ấy lại được các nghệ nhân xưa trau chuốt đến mức “trên cả tuyệt vời” thì làm sao mà bắt chước? Vậy thì đành chấp nhận “sai sót”!

Tuy vậy, cái sai sót của 20 năm trước còn có lý do khách quan, cái sai sót của người quản lý, bảo vệ di tích tháp Chót Mạt hôm nay mới thật đáng trách. Tấm bảng ghi tóm tắt giới thiệu về “Di tích LS-VH tháp Chót Mạt” vẫn còn tươi mới màu sơn nền xanh, chữ trắng, ở nơi dễ thấy nhất trong khu di tích. Thật đáng kinh ngạc khi tấm bảng ấy ghi rằng: “Hai mặt tường tháp ở phía Tây và Bắc hầu như bị sụp đổ hoàn toàn chỉ còn phần móng tường và đế tháp, các hoa văn trang trí mẻ, chỗ còn chỗ mất…”. Điều này là trái ngược hoàn toàn với hiện trạng tháp trước năm 2003.

Tháp Chót Mạt năm 1909. Ảnh: tư liệu P.TK

Tất cả những ai từng đến Chót Mạt những năm này đều nhớ, chỉ có mặt tường hướng Đông (hướng có cửa và hướng ra cổng chính vào khu di tích hiện nay) mới bị sụp đổ hoàn toàn. Còn mặt tường phía Bắc và Tây là những mặt được còn lại nhiều nhất các mảng tường của di tích gốc. Thậm chí mặt tường Tây, được gắn với mặt tường Nam, dù đã bị sụp mất một phần, nhưng vẫn còn lại với chiều cao nhất. Còn mặt Bắc, dù đã sụp các tầng tháp trên nhưng ở phần trệt vẫn còn khá đầy đủ với các chi tiết gạch chạm khắc hoa văn đặc sắc. Thế nhưng, dù có tin vào trí nhớ thì trí nhớ vẫn có thể sai. Vậy tốt nhất là tìm lại những tư liệu xưa từng viết về tháp Chót Mạt.

Lật giở lại các trang viết của H.Parmentier viết năm 1909. Thì ngoài các bản vẽ và ảnh chụp của ông và Cudenet, trong đó có bức vẽ ghi rất chi tiết của chính mặt tường phía Bắc, ông còn mô tả cụ thể và cũng rất chi tiết. Đấy là: “Tường ngoài phía Đông: hai tấm đá trụ vòm cửa, đỡ một lanh-tô rộng nhưng rất mỏng và đứng chân trên ngưỡng cửa tạo thành một khuôn cửa thấp khoảng 1m70. Ở đằng trước khuôn cửa này là hai trụ tường bằng gạch, có chạm khắc, bao lại các cột nhỏ đỡ một lanh-tô có trang trí đã đổ nhào…”.

Dù H. Parmentier không mô tả hiện trạng tường hướng Đông, mà chỉ là phần cửa. Nhưng tới năm lập luận chứng KTKT (1993) thì những tấm ảnh của luận chứng này cho thấy tường phía Đông đã sập đổ hoàn toàn. Tới mặt phía Bắc, H. Parmentier mô tả: “Bề mặt được bảo tồn tốt nhất là bề mặt Bắc (b.38.C). Cấp nhô ra nhất trình bày phía dưới một bản sao chính xác một kiểu cửa Khmer, nhưng được làm toàn bộ bằng gạch… Tượng phía Đông của mặt tường Bắc hầu như không còn gì, nhưng tượng phía Tây thì được bảo tồn tốt hơn nhiều: Nhìn từ sau lưng, tượng thể hiện prô-phin cái đầu và những cánh tay. Các bàn tay khoanh trước ngực nên không thể nhìn thấy. Chúng mang một chiếc ngà voi mà mũi nhọn vượt cao hơn bờ vai. Trang phục  là 1 sampot ôm khít mông, một vạt sau rộng…”.

Trên mặt tường phía Tây, chính là mặt tường được tấm bảng “trích ngang” là sụp đổ hoàn toàn ấy cũng được H.Parmentier miêu tả kỹ càng: “Trên mặt tường Tây còn hai hình người trong tình trạng được bảo tồn tốt. Tượng phía Bắc được thấy ba phần tư, cánh tay phải đưa về trước ngực, cánh tay trái để dọc theo một “vương trượng” cán dài… Chính những mô tả này của ông đã làm cơ sở cho các nhà trùng tu tôn tạo năm 2003 phục chế ngôi tháp, và còn đến hôm nay. Những ảnh chụp của nhóm thiết kế ngay trước năm đó cũng cho thấy mặt tường phía Tây vẫn còn lại nhiều nhất (so với các mặt tường còn lại).

Vậy thì vì lý do gì để những người có trách nhiệm giới thiệu di tích quan trọng này lại viết: “thì mặt tường tháp ở phía Tây và phía Bắc hầu như sụp đổ hoàn toàn”, chỉ có thể là chuyện “tam sao thất bản”. Nhưng thất bản đến độ quay ngược tới 180 độ như thế này thì thật đáng ngạc nhiên.

Tháp Chót Mạt năm 1938. Ảnh: tư liệu P.TK

Chúng tôi cũng đã “truy vết” lại chuyện tam sao thất bản này là từ đâu, do ai? Trong sách Tây Ninh Di tích lịch sử (2001) của Bảo tàng tỉnh có bài tháp cổ Chót Mạt của Nguyễn Ngọc Nam (nguyên Giám đốc Bảo tàng) mô tả gần đúng với những gì H.Parmentier đã viết. Về hiện trạng di tích (năm 2001), thì chỉ có: “Mặt chính phía Đông (phía bàu nước) của tháp cổ bị sụp đổ nguyên phần vách (tường), chỉ còn lại phần đế cửa là tấm đá hoa cương nằm ngang gác lên hai phiến đá hoa cương khác… Ba mặt (Tây, Nam, Bắc) của tháp đều có cửa “giả” được xây nhô ra ngoài phía mặt tường, trên bề mặt đều chạm nổi hình người, hoa lá cách điệu và nhiều hoạ tiết trang trí tinh xảo…” Như vậy là vẫn đúng. Vậy chỗ sai là từ đâu?

Giở cuốn sách Di tích LS-VH, Danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (Sở VH,TT&DL, 2014), tìm tới bài Di tích Kiến trúc Nghệ thuật tháp Chót Mạt (trang 37), thì ra việc tam sao thất bản chính là từ đây.

Về cơ bản, sách cũng đã kế thừa nhiều đoạn nguyên văn của cuốn sách 2001. Ảnh in kèm theo chính là ảnh chụp mặt phía Đông của tháp đã sụp đổ hoàn toàn. Vậy mà chẳng hiểu sao sách lại có thêm một đoạn sai “chết người”. Là: “hai mặt tường phía Tây và Bắc hầu như sụp đổ hoàn toàn”. Sách đã viết vậy thì làm sao có thể trách những người đã viết tấm bảng “trích ngang” trong khuôn viên khu di tích?

Lời cuối: Xin đừng coi đây là chuyện nhỏ. Vì mới chỉ 20 năm mà đã mắc sai như thế, thêm 30 năm nữa là 50 năm tháp được chữa lành thì hậu quả của nó sẽ còn kéo dài tới đâu, với các nhà nghiên cứu và thế hệ trẻ ngày sau?

Trần Vũ