Lên Sơn La-Tây Bắc là đến với xứ sở của hoa ban, vùng núi non hùng vĩ, nơi giữ gìn đa sắc màu văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Lên Sơn La-Tây Bắc là đến với xứ sở của hoa ban, vùng núi non hùng vĩ, nơi giữ gìn đa sắc màu văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam với những điệu xòe, điệu múa uyển chuyển, sản sinh ra những truyện thơ tuyệt tác: “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu của dân tộc Thái), “Tiếng hát làm dâu” của dân tộc Mông, điệu múa “Âu eo,” “Tăng bu” sôi động của dân tộc Khơ Mú, cùng các lễ hội của đồng bào dân tộc chỉ có ở Tây Bắc...
Cung đường du lịch Tây Bắc
Từ Thủ đô Hà Nội lên Tây Bắc qua tuyến Quốc lộ 6 trải rộng, chưa đầy 200km là có mặt trên vùng đất thảo nguyên xanh Mộc Châu - nơi đất trời hùng vĩ với độ cao trung bình 1.050m so với mặt nước biển để hít thở không khí trong lành, mát dịu. Mộc Châu trước đây còn có tên gọi là Mường Mok, nghĩa là mường mây trời, “Mây vương đầy đất không ai quét” (Thơ cổ).
Đến Mộc Châu, du khách có thể bắt gặp đâu đây dấu ấn của một thời đoàn quân Tây Tiến qua hồn thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Thấy được bức tranh đặc trưng của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và mỹ lệ “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
Núi non nơi đây đã tạo ra những con thác Dải Yếm, thác Púng Đanh, thác Chiềng Khoa và biết bao con thác đẹp mà nhìn từ chân thác lên tưởng chừng như nước đổ từ trên mây xuống trần giới. Vào ngày đẹp trời, du khách có thể “phượt” theo những cung đường đèo dốc chạy ngoằn ngoèo qua những đồng cỏ, đồng chè xanh mướt, những cung đường du lịch dẫn đến điểm du lịch Bản Dọi (xã Tân Lập) tạo cảm giác mãnh liệt, mạo hiểm và hoang sơ.
Nếu tour du lịch theo tuyến Quốc lộ 6, bạn sẽ đến huyện Yên Châu thăm xứ sở xoài thơm nổi tiếng, thăm hồ Chiềng Khoi, công viên đá Khổng Long, thăm cầu Tà Vài di tích lịch sử gắn với bài hát “Người Yên Châu em bắn máy bay” (nhạc sĩ Trọng Loan), được giao lưu với các “cô gái trắng nõn những búp tay” trong vòng xòe thâu đêm.
Theo cung đường du lịch đến thành phố Sơn La là đến với quê hương của “Cây đào Tô Hiệu,” đến với những huyền thoại, cổ tích và lịch sử. Nhà tù Sơn La có từ năm 1908, do thực dân Pháp xây dựng với diện tích 1.700 m2 để giam cầm các chiến sĩ cộng sản. Hiện bảo tàng còn lưu giữ 250 hồ sơ gốc của tù nhân, danh sách 63 liệt sĩ, 180 người được rèn luyện tại Nhà tù Sơn La và sau này giữ chức vụ cao của Đảng và Nhà nước như các vị lãnh đạo: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân...
Ông Tô Hiệu là Bí thư chi bộ đầu tiên của chi bộ Nhà tù Sơn La, trước lúc hy sinh đã trồng cây đào để mãi mai sau thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng vùng Tây Bắc thời kỳ chống thực dân Pháp. Tại Bảo tàng Sơn La và Thư viện tổng hợp Sơn La hiện còn lưu giữ kho sách chữ Thái cổ lớn nhất Việt Nam với trên 5.000 phiên bản. Đây là kho sách chữ Thái cổ có giá trị về văn hoá, lịch sử, khắc ghi phong tục tập quán, chuyện kể bản mường về một thời của người dân ở xứ sở miền hoa ban trắng này.
Thành phố Sơn La nay có một xã được gọi là Chiềng Ngần . Lần theo tích truyện ngày xưa, nơi đây có đám ruộng “ Xam Bỉa ” bị một con trâu lạ rất to đến ăn hết lúa. Thấy vậy, chủ ruộng liền đến bắt lấy trâu, định dắt về nhà để ai đến nhận trâu thì phải đền số thóc bị thiệt hại. Một người đến nhận là chủ trâu và xin chuộc ba lạng bạc (nên đám ruộng mới có tên là Xam Bỉa , nghĩa là ba lạng ). Chủ ruộng không nghe bèn dắt trâu về nhà, buộc dưới gầm sàn.
Đến nửa đêm, khi mọi người đã đi ngủ, bỗng nghe thấy giọng nói từ dưới gầm sàn: “Ta xin trâu nhé, sáng sớm mai nhớ đến dọn cối”. Sáng ra, chủ nhà xuống xem thì trâu không còn, nhìn vào cối thì thấy đầy bạc. Ông chủ nhà liền lần theo vết chân trâu. Đến ao to ở cuối cánh đồng thì thấy vết trâu tắm tại đó và… mấy đống bạc. Từ đó cái ao mới có tên là Nong Ngân (nghĩa là ao bạc ) hay còn gọi là Chiềng Ngần, Chiềng tương ứng với làng ở miền xuôi.
Huyền bí những hang động
Cao nguyên Mộc Châu-Sơn La-Nà Sản nằm trên trục dãy núi đá vôi cao sừng sững của vùng Tây Bắc, nên có rất nhiều hang động kỳ vĩ. Ngay tại cao nguyên Mộc Châu cũng có vài chục hang động được phát hiện như ngũ động Bản Ôn, Hang Dơi. Đặc biệt, hệ thống hang động mộ táng treo, Việt Nam chỉ có 2 nơi là ở phía tây tỉnh Thanh Hoá và ở Mộc Châu. Ngay tại điểm du lịch cộng đồng bản Dọi, xã Tân Lập có thể bắt gặp những hang có mộ táng treo gọi là hang Trung Xá, hang Phây Đón, nhưng tập trung nhiều nhất là ở xã Suối Bàng.
Theo các nhà khảo cổ học Việt Nam và người dân địa phương, riêng khu vực xã Suối Bàng của huyện Mộc Châu có 9 đến 13 hang được phát hiện chứa mộ táng treo, những cỗ quan tài này được làm bằng gỗ đinh thối.
Chuyện xưa kể rằng, các phìa (tù trưởng) người Thái khi mở rộng lãnh địa vào vùng đất của người Xá (dân tộc Khơ Mú ngày nay), phìa người Thái và tộc trưởng người Khơ Mú giao kèo với nhau cùng thi bắn nỏ. Nếu tên của bên nào bắn cắm được vào vách đá thì bên đó thắng và lấy được đất của bên thua. Tộc trưởng người Khơ Mú bắn nỏ trước, mũi tên vừa chạm vào vách núi đã rơi xuống đất. Phìa người Thái khôn ngoan hơn, trước khi dương cung đã lấy sáp ong gắn dính vào đầu các mũi tên, nên phát nào, mũi tên cũng đều dính chắc vào vách đá.
Thua trận, không những người Khơ Mú mất đất cho phìa người Thái, mà người chết cũng không có đất mà chôn, phải khiêng cáng đưa lên các hang đá cao chót vót trên vách núi, gác những cỗ quan tài treo lên thành hang. Tuy chưa có công trình khảo cổ nào xác định chủ nhân của những cỗ quan tài treo, nhưng thực sự những hang động lưu giữ những quan tài treo có giá trị văn hoá, lịch sử cần được nghiên cứu, bảo tồn.
Khác với hệ thống hang ở Mộc Châu, hệ thống hang động Chi Đảy (gồm 3 hang) tại xã Yên Sơn, huyện Yên Châu là điểm thu hút khách du lịch ở nhiều nơi, mới được dân địa phương đưa vào khai thác. Chi Đảy dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là “Sẽ được”, cầu được ước thấy. Chị Lò Thị Lả ở bản Đán, xã Yên Sơn nói rằng: Hang động ở đây có rất nhiều hình thù lạ, các tảng đá màu trắng đục giống hình người, hình các con thú rừng, có cả 2 mẹ con voi trắng nữa.
Đặc biệt ở gian giữa của hang có hệ thống ruộng bậc thang, chỗ thì đầy ắp nước như ruộng sắp vào vụ cấy, chỗ thì chứa đựng vô vàn những quả mận, quả na bằng đá. Chuyện lạ nhất truyền cho nhau mỗi khi lên động là không được mang bất cứ thứ gì ra khỏi hang, nếu chót cầm về sẽ gặp điều không may mắn.
Ở thành phố Sơn La có điểm du lịch Quế lâm ngự chế - đền thờ vua Lê Thánh Tông. Tại hang này vua Lê Thái Tông (1423-1442) sau chuyến kinh lý đã để lại bút tích một bài thơ bằng chữ Hán “Quế Lâm Ngự Chế” được khắc trên vách đá nhằm khẳng định sự thống nhất của đất nước và mong muốn thiên hạ thái bình. Hang còn có cái tên địa phương gọi là Thẳm Ké. Cửa hang ở dưới văn bia. Bước xuống 10 bậc đá là vào đến hang.
Trước mắt du khách mở ra một thế giới kỳ thú có đủ loại hình con cá sấu đang vươn lên đớp mồi, trên bờ ao là một chú khỉ đang đùa nghịch và một chú ếch đang trầm tư suy nghĩ. Vào đến bên trong hang rộng 5 mét, dài 20 mét, chiều cao hang chừng 6 mét. Bên phải hang là đụn thóc khổng lồ được tạo bởi những nhũ đá hợp thành những bó lúa vàng tầng tầng lớp lớp thể hiện sự no ấm của muôn dân. Trên đỉnh cây thóc là một khối đá hình chuông treo lơ lửng, khi gõ vào sẽ phát ra âm thành trầm ấm.
Cảnh đẹp trong hang như quy tụ được vạn vật trên mảnh đất này. Nó càng kỳ ảo hơn khi những tia nắng ban mai chiếu xiên qua giếng trời làm cho các nhũ đá lung linh, sinh động.
Từ thành phố Sơn La, cách thủ đô Hà Nội trên 300km, tour du lịch của bạn có thể tiếp tục hành trình vượt đèo Pha Đin đến Điện Biên, lên Lai Châu, Sa Pa - Lao Cai. Nhưng có một tour du lịch nữa là đi theo đường hồ thủy điện. Sơn La - Tây Bắc có 2 hồ nhân tạo là hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Sơn La lớn nhất Việt Nam.
Hai hồ này chạy nối tiếp nhau từ đập thủy điện Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình ngược lên thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên với chiều dài hàng trăm kilômét. Bình quân mỗi hồ có dung tích gần 10 tỷ m3 nước, riêng hồ thủy điện Sơn La có diện tích mặt hồ rộng 224km2.
Điều kỳ thú là mùa này hồ Sơn La đang tích nước lên cos ngập 215 mét, có thể du ngoạn, ngắm cảnh những hòn đảo xinh đẹp (tân đảo). Tiếp đó người ta có thể khám phá những hang động mới lộ diện ở dọc hai bên vách núi Pha Mường và Pú Pha Lạn.
Theo như người dân địa phương kể thì với hàng chục, hàng trăm hang động treo trên vách núi trước đây không ai dám mạo hiểm leo lên khám phá, nhưng giờ đây chỉ cách mặt nước hồ vài tầm cây sào chống thuyền là có thể đến được cửa hang. Những hang động có cái tên quen thuộc như: Hang Rồng, hang Thẳm Da Neo, hang Cáo, hang Thẳm Linh (hang khỉ) ở Nặm Mạ, Pá Na, thuộc huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu, hang Thẳm Xơ, hang Thẳm U Lên, động người xưa Cà Nàng, hang Én, Thẳm Phửng, Thẳm Kê ở Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La và còn nhiều hang động khác không tên, chưa được khám phá. Riêng hang Thẳm Kê không chỉ có một hang mà nhiều hang trùng tên bởi đó là hang của những loài dơi, khỉ, vượn cư trú.
Nói đến Thẳm Kê (hang Dơi), ông La Khun Hón ở Mường Chiên (huyện Quỳnh Nhai) kể câu chuyện hấp dẫn, li kỳ: Xưa có đôi bạn thân nhau từ nhỏ, nhưng khi lớn lên mỗi người mỗi cảnh, người thì giàu sang nhất vùng, kẻ thì khốn khó nhất bản, đến cái khố che thân cũng phải làm bằng vỏ cây. Một hôm, kẻ khó mà người trong bản quen gọi là Bả Khó (Thằng khốn khó) sang nhà người bạn giàu mượn cái lưới để bắt dơi ở trên hang đá. Hôm đó Bả Khó đợi mỏi mắt mà không thấy dơi bay ra khỏi hang, mãi đến nửa đêm mới thấy lưới động.
Bả Khó định bắt lấy thì con dơi nói ra tiếng người: Chàng ơi đừng hại em. Rồi nàng Dơi hiện ra thành người đẹp, nhận lời về theo Bả Khó làm vợ. Thấy lạ vì không những Bả Khỏ có vợ đẹp nhất bản, mà mỗi lần trả công mượn lưới, Bả Khó lại đưa cho mình một đồng tiền vàng, ông bạn nhà giàu liền gặng hỏi. Bả Khó thật thà kể lại câu chuyện trên hang đá của mình và còn để lộ một bí mật là mỗi lần vợ chồng gần gũi thì sáng hôm sau lại nhặt được một đồng tiền vàng dưới chiếu. Ông bạn nhà giàu nổi máu tham lam liền gạ Bả Khó cho "mượn" vợ 3 đêm.
Nể bạn, Bả Khó gật đầu. Thế rồi, người Dơi hoá kiếp bay về hang cũ trên núi Pha Lạn. Từ ngày ấy Bả Khó mất vợ, rồi hủ tục cho mượn vợ của đàn ông người Mường Chiên, Mường Lay cũng không còn nữa. Chuyện kể thì như vậy, đến giờ người ta còn tin rằng trong hang động cheo leo trên vách núi ven hồ Sông Đà kia có những điều kỳ bí, rồi mường tượng hang động đẹp như cung điện của thần tiên và mong muốn được khám phá.
Tại Phiêng Lanh, bến Pá Uôn của huyện Quỳnh Nhai giờ đây hình thành một bến sông mới bên hồ thủy điện Sơn La nhộn nhịp trên bến dưới thuyền kẻ mua người bán, hàng ngày có từ 3 đến 5 xe tải chở đầy tôm cá mà họ mua trực tiếp từ người dân khai thác trên hồ trở về xuôi tiêu thụ.
Uỷ ban nhân dân huyện Quỳnh Nhai còn khuyến khích các chủ thuyền đủ năng lực, điều kiện tham gia những tour du lịch phục vụ đưa đón khách trong và ngoài tỉnh tham quan cảnh đẹp tuyệt mỹ trên hồ. Đây là tín hiệu mới thu hút khách du lịch đến với Sơn La, đến vùng quê Tây Bắc đa sắc màu văn hoá dân tộc và mến khách.
(Theo TTXVN/Vietnam+)