Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sức mạnh của minh bạch thông tin
Thứ bảy: 09:15 ngày 14/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tự do tiếp cận thông tin không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là một công cụ quan trọng để tăng quyền công dân, cho phép người dân yêu cầu trách nhiệm từ Chính phủ và chống tham nhũng.


Ảnh: Bill Oxford/Unsplash

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã ghi nhận câu chuyện của công dân từ 10 quốc gia trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương - những người đã sử dụng quyền được thông tin để yêu cầu trách nhiệm từ Chính phủ của họ.

Từ việc phát hiện ra những hành vi sai trái ở Bangladesh và Mông Cổ, cho tới câu chuyện người dân ở Campuchia, Sri Lanka bền bỉ đấu tranh để bảo đảm công dân có được các dịch vụ công mà họ cần…

Dưới đây là câu chuyện của Sri Lanka về quyền được cung cấp và sử dụng thông tin, từ đó nhận thức đầy đủ về quyền được tiếp cận dịch vụ y tế cũng như chủ trương của Chính phủ về chăm sóc sức khỏe, tạo áp lực, buộc các cơ quan chức năng phải thực hiện đúng, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe như họ đã cam kết.

Bệnh viện tuyến cơ sở Samadhigama nằm ở một vùng hẻo lánh của quận Hambantota ở phía nam Sri Lanka, thiếu y bác sỹ và chỉ mở cửa 2 ngày trong tuần.

Năm 2018, nhà hoạt động xã hội Uduwela Arachchige Ariyasena lần đầu tiên tham dự hội thảo nâng cao nhận thức xung quanh những quy định pháp luật về quyền được thông tin, do TI Sri Lanka tổ chức. Ông đã thu được những hiểu biết quan trọng để có thể đấu tranh giúp cộng đồng của mình có được quyền tiếp cận thường xuyên với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tính đến tháng 10/2018, Bệnh viện Samadhigama vẫn chỉ hoạt động 2 ngày/tuần. Bởi vậy, cư dân từ 5 ngôi làng trong khu vực buộc phải di chuyển quãng đường dài để được chăm sóc sức khỏe cơ bản vào những ngày bệnh viện đóng cửa.

Điểm y tế gần nhất họ có thể tới là Bệnh viện Ambalantota, cũng cách đó tới 10km. Trong khi, đường xá, giao thông không thuận lợi, việc đi lại khó khăn, khiến chăm sóc sức khỏe người dân trở thành một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là với các trường hợp cấp cứu.

Sau khi tham dự hội thảo, ông Ariyasena đã gửi đơn đăng ký cung cấp thông tin tới Văn phòng Giám đốc Y tế tại quận Hambantota. Trong đó, có câu hỏi về việc chỉ định bác sỹ nội trú đến làm việc tại Bệnh viện Samadhigama, các bước thực hiện việc chỉ định… Ông Ariyasena cũng yêu cầu được cung cấp các bản sao chứng thực về những giấy tờ có liên quan.

Phản hồi cho yêu cầu của ông Ariyasena, Văn phòng Giám đốc Y tế quận Hambantota xác nhận, Bệnh viện Samadhigama là đơn vị chăm sóc y tế hàng ngày, nhưng do thiếu y bác sỹ, chức năng này đã không được thực hiện đầy đủ. Năm 2016, một bác sỹ của Bệnh viện Tangalle đã được chỉ định tới làm việc tại Samadhigama. Tuy nhiên, trên thực tế, Tangalle cũng là nơi thiếu y bác sỹ nên vị bác sỹ nêu trên đã không thể đảm nhận nhiệm vụ của mình ở Samadhigama.

Ngay sau khi nắm được thông tin, TI Sri Lanka cùng ông Ariyasena đã tổ chức các cuộc họp, thành phần bao gồm người dân khu vực và các quan chức có liên quan để thảo luận về cách giải quyết vấn đề.

Những thông tin minh bạch mà người dân nắm được đã giúp họ đặt vấn đề, yêu cầu các nhà chức trách phải đưa Bệnh viện Samadhigama hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước quy định.

Kết quả là, hiện nay Bệnh viện cơ sở Samadhigama đã hoạt động liên tục 6 ngày/tuần, với đầy đủ bác sỹ nội trú và nhân viên y tế cần thiết, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân khu vực.

Nguồn thanhtra

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục