Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thị trường Tết nguyên đán:
Sức mua vẫn chưa tăng
Thứ hai: 06:15 ngày 13/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đang đến gần, tuy nhiên, theo nhận định của một số người bán, dù đã cận tết nhưng sức mua trên thị trường vẫn chưa tăng cao.

Khách mua bánh mứt tại chợ Long Hoa.

Hàng hoá phong phú

Hàng hoá thường bắt đầu bày bán từ cuối tháng 12.2019. Dạo quanh các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong ngày tết đã được bày bán với số lượng lớn, giá cả tương đối ổn định, chỉ một số ít mặt hàng tăng giá nhẹ.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm trong dịp tết, các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hoá. Các mặt hàng này đều được áp dụng kèm chương trình ưu đãi, nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. Ông Nguyễn Văn Bảo- Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết, từ giữa năm 2019, Co.opMart Tây Ninh đã tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2 đến 4 lần nhằm chủ động điều tiết giá hàng hoá tết. Siêu thị bảo đảm đủ hàng bình ổn 3 tháng trước - trong và sau tết, chủ yếu là nhóm thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thiết yếu, hàng đặc trưng tết.

Riêng nhóm hàng nhãn riêng (Co.opMart Select) cũng kịp thời cho ra mắt những sản phẩm mới phục vụ tết như các loại hạt, mứt, bánh kẹo, nước giải khát với giá tốt. Đặc biệt, mặt hàng đang “nóng” hiện nay là thịt heo, Co.opMart Tây Ninh bảo đảm đủ số lượng và chất lượng với giá cả hợp lý bằng hoặc thấp hơn so với thị trường, nhằm giữ sự ổn định cũng như hỗ trợ tốt nhất cho người tiêu dùng trong cao điểm tết.

Hiện tại, siêu thị Co.opMart Tây Ninh đã bày bán rất nhiều hàng hoá tết. Cụ thể, các loại nước ngọt như Coca cola, Pepsi, 7up, Fanta, Mirinda... có giá dao động từ 189 - 216 ngàn đồng/thùng; các loại bia như: bia 333, Tiger, Heineken, Budweiser... có giá từ 335 - 450 ngàn đồng/thùng. Mặt hàng bánh kẹo tết cũng đa dạng chủng loại, thương hiệu từ hàng Việt đến hàng nhập khẩu có giá từ 80 ngàn đến 350 ngàn đồng/hộp.

Các sản phẩm này được đóng gói đẹp mắt, bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, siêu thị còn bán các mặt hàng đặc trưng như dưa món củ kiệu ngâm chua, cà pháo tôm chua, hành, tỏi chua ngọt... giá từ 60 - 120 ngàn đồng/hũ. Tuỳ trọng lượng và thương hiệu, lạp xưởng có giá từ 40 ngàn - 239 ngàn đồng/túi, chả lụa từ 120 - 220 ngàn đồng/đòn 500g, giò bò có giá từ 144 - 247 ngàn đồng/giò 500g. Giá cả các loại mứt cũng không tăng so với năm trước, từ 27 - 120 ngàn đồng/hộp, tuỳ trọng lượng.

Cũng để phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng, siêu thị đã nhanh chóng tung ra các giỏ quà tết với nhiều mẫu mã hấp dẫn.  Có giá dao động từ 400 ngàn đến 5 triệu đồng/giỏ. Ngoài ra, để hỗ trợ khách đón tết, siêu thị Co.opMart còn có dịch vụ gói quà miễn phí tại gian hàng gói quà tết, dịch vụ đặt mâm ngũ quả, mâm cỗ chay, đặt hàng qua mạng và nhiều ưu đãi, dịch vụ tiện ích khác.

Dạo quanh các tuyến đường và chợ truyền thống, hàng tết cũng đã hiện diện khắp nơi. Nhìn chung, giá hàng tết tại các chợ không tăng so với năm ngoái, chỉ trừ hàng thịt heo đang có giá rất cao. Bà Trần Thị Mai Phương, một tiểu thương bán thịt heo ở chợ phường 3 (TP. Tây Ninh) cho biết, năm nay, tiểu thương không được đặt trước số lượng thịt heo bán tết sớm mà phải chờ cận tết thương lái mới thông báo. Bà Phương dự đoán cận tết, giá thịt heo sẽ tăng từ 20 - 30 ngàn đồng/kg. Hiện tại, giá thịt ba rọi tại chợ phường 3 là 150 ngàn đồng/kg, thịt đùi 135 ngàn đồng/kg, xương 130 ngàn đồng/kg, thịt sườn 180 ngàn đồng/kg…

Tại chợ, giá các loại rau củ quả để làm dưa món có giá khá ổn đinh, củ kiệu có giá 60 - 80 ngàn đồng/kg, cải sậy 10 - 15 ngàn đồng/kg… Các loại nguyên liệu gói bánh như: nếp có giá từ 16 - 28 ngàn đồng/kg, các loại đậu có giá từ 28 - 30 ngàn đồng/kg, đường cát giá 15 ngàn đồng/kg. Bánh kẹo, mứt không có nhiều loại mới, chủ yếu vẫn là các loại mứt truyền thống có giá từ 50 - 100 ngàn đồng/kg. Các loại hạt sấy như: hạt điều có giá 250 - 350 ngàn đồng/kg, hạt dẻ từ 330 - 380 ngàn đồng/kg...

Không chỉ thực phẩm, mặt hàng quần áo cũng được bày bán với số lượng lớn. Nhộn nhịp nhất là đoạn đường Võ Thị Sáu (khu vực chợ phường IV, TP. Tây Ninh). Chẳng biết từ bao giờ, tuyến đường này đã trở thành nơi mua sắm quần áo dành cho người dân trên địa bàn Thành phố và các huyện lân cận. Vào buổi chiều các ngày giáp tết, tuyến đường tấp nập người mua kẻ bán.

Nhưng sức mua còn thấp

Anh Nguyễn Hoàng Phương, một tiểu thương bán bánh kẹo, mứt tết tại Trung tâm thương mại Long Hoa (còn gọi là chợ Long Hoa) hơn 10 năm nay cho biết, thời gian gần đây, các siêu thị mini xuất hiện ngày càng nhiều khiến người mua bị phân tán. Các tiểu thương trong chợ đang lo lắng khi phải cạnh tranh thị trường tết với các siêu thị hiện đại, có máy lạnh mát mẻ thu hút khách hàng.

Theo anh Phương, tình hình mua bán của bà con ở chợ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Đặc biệt tại khu vực chợ Long Hoa, người bán trong nhà lồng còn phải cạnh tranh với cả người bán hàng rong xung quanh cổng chợ. Trước tình hình này, nhiều tiểu thương trong chợ ngại nhập nhiều hàng, sợ tồn đọng, qua tết không bán được.

Năm nay, để chuẩn bị cho mùa tết, anh Phương đã nhập hàng từ cuối tháng 11, chủ yếu cũng chỉ các loại bánh, mứt truyền thống như: mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai, mứt bí, thèo lèo... và bắt đầu bán từ đầu tháng Chạp. Tuy nhiên, lượng khách đến mua khá thưa thớt, đúng như dự đoán của anh từ đầu.

Chị Đặng Thị Hồng Mai, chủ một gian hàng quần áo ở chợ phường IV cho biết, chị nhập hàng tết từ đầu tháng Chạp, hiện đã gần 20 tháng Chạp mà lượng khách vẫn chưa nhiều như những năm trước. Chị hy vọng trong vài ngày sắp tới sức mua sẽ tăng cao hơn.

Thực tế cho thấy, sức mua ở chợ giảm không chỉ do cạnh tranh về giá cả, chất lượng với các siêu thị mà còn do khách hàng đang đứng trước nhiều sự lựa chọn, và họ không còn vội mua hàng như xưa. Trước nguồn thực phẩm tết đa dạng, phong phú mẫu mã, người tiêu dùng có tâm lý thăm dò giá cả và lựa chọn nơi mua uy tín, bảo đảm chất lượng, vệ sinh. Chưa kể, thời đại internet và mạng xã hội phát triển, hàng tết online, handmade ngày càng nhiều cũng làm giảm bớt lượng khách ra chợ hay vào siêu thị vì sự tiện lợi, lại được giao hàng tận nhà.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, ngụ xã Trường Tây, huyện Hoà Thành cho biết, gia đình chị thường không mua thực phẩm tết sớm vì sợ để lâu, bảo quản không tốt. Ngoài ra, các loại bánh mứt quá đa dạng, chị thường phải chọn lựa và lên số lượng để mua, tránh mua quá nhiều, tốn kém. Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Hồng Trang (32 tuổi), làm việc tại Công ty Pouhung (Khu công nghiệp Chà là, huyện Dương Minh Châu) cho rằng, việc mua sắm tết còn phụ thuộc vào thời điểm công nhân được thưởng tết. Nhiều công nhân muốn mua sắm trước cũng không có điều kiện mua, đành phải mua trễ một chút.

Ngọc Bích - Lê Thuỳ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục