Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Câu lạc bộ đờn ca tài tử huyện Gò Dầu được tổ chức thu âm, ghi hình để đưa vào bộ phim nằm trong danh mục hồ sơ quốc gia trình lên UNESCO công nhận ĐCTT là di sản văn hoá phi vật thể.

![]() |
Bà Nguyễn Thị Mướt trình bày tiết mục ĐCTT. |
Vừa qua, Câu lạc bộ đờn ca tài tử huyện Gò Dầu (CLB ĐCTT GD) được tổ chức thu âm, ghi hình để đưa vào bộ phim nằm trong danh mục hồ sơ quốc gia trình lên UNESCO công nhận ĐCTT là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Trong những năm qua, CLB ĐCTT GD đã có nhiều hoạt động sôi nổi, góp phần gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương (ĐCTT- CL) Nam bộ, đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu vui chơi giải trí của người dân địa phương.
Ông Nguyên Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hoá Thông tin huyện Gò Dầu kể: “Hoạt động ĐCTT-CL của CLB có từ những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng với hình thức là đội văn nghệ của huyện. Lúc đó, có những tay đờn rất hay như Út Rồi, Mum, Phum, Queo. Người ca cũng có nhiều giọng nổi bật như Ba Mi, Chín Mướt, Quang, Chánh, Châu Thanh... Những năm sau này có thêm một số gương mặt trẻ, mới như Đức Minh, Bảo Châu, Vương Cảnh, Kiều Oanh... Những người yêu thích ĐCTT thường xuyên tập trung lại sinh hoạt tại Nhà Văn hoá huyện và một số địa điểm khác ở các xã, thị trấn. Nhờ vậy, phong trào ĐCTT-CL ở Gò Dầu phát triển khá mạnh”.
Năm 2002, Gò Dầu và Hoà Thành là hai đơn vị được chọn làm đại diện của tỉnh tham dự Liên hoan ĐCTT-CL Nam bộ toàn quốc, tổ chức ở Bạc Liêu. Và tại liên hoan này, đội Gò Dầu đã đoạt nhiều giải thưởng cá nhân. 5 năm sau (liên hoan tổ chức định kỳ 5 năm/lần), Gò Dầu là huyện duy nhất đại diện tỉnh Tây Ninh tiếp tục tham gia Liên hoan ĐCTT-CL Nam bộ toàn quốc, tổ chức ở Long An, đạt 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và được UBND tỉnh Long An tặng bằng khen. Riêng trong năm 2010, CLB ĐCTT GD cũng đại diện Tây Ninh, cùng với 9 tỉnh, thành khác tham dự giao lưu ngày giỗ nhạc sư Lưu Quang Đại, tổ chức ở huyện Cần Đước (Long An). Mặc dù là chương trình giao lưu, nhưng Ban tổ chức cũng chấm giải, qua đó Gò Dầu đã đạt 4 giải A và hạng Nhất toàn đoàn.
Bà Nguyễn Thị Mướt (Chín Mướt), năm nay 62 tuổi là một trong số những người tham gia phong trào ĐCTT-CL của huyện Gò Dầu từ những năm đầu giải phóng đến nay. Bà Mướt bắt đầu học ca tài tử cải lương từ hồi 15 tuổi. Từ đó đến nay, bà vẫn thường xuyên tham gia vào CLB ĐCTT của huyện. Hằng ngày, bận công việc buôn bán trái cây ở chợ, nhưng vào các dịp giao lưu, biểu diễn phục vụ trong và ngoài huyện bà Mướt đều không hề vắng mặt. Bà Mướt tâm sự: “Tôi thích ĐCTT-CL vì lời ca, tiếng đờn du dương, trầm bổng, dễ làm tâm hồn mình thư thái sau những ngày lao động mệt nhọc. Ngoài ra, ca từ của các bài hát hầu hết đều rất hay, giàu ý nghĩa. Đến nay, tôi đã hát được hầu hết các bản nhỏ và một số bài tổ lớn. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó với môn nghệ thuật này đến khi nào hết hát nổi mới thôi”.
![]() |
Thanh viên CLB ĐCTT GD tham gia hoạt động giao lưu. |
Hiện nay, CLB ĐCTT GD có khoảng 30 thành viên thường xuyên đến sinh hoạt, do anh Lưu Kim Hải làm Chủ nhiệm. Trong đó có khoảng 10 tay đờn, với đủ các loại nhạc cụ dân tộc. Số còn lại cũng ca được hầu hết các bản vắn, bài vọng cổ và các trích đoạn cải lương. Ngoài việc sinh hoạt đều đặn hằng tuần, vào những ngày lễ lớn, tết cổ truyền, các hoạt động văn hoá, thể thao CLB ĐCTT đều có chương trình hoạt động. CLB cũng từng đi giao lưu với các huyện Long Khánh (Đồng Nai), Long Mỹ (Hậu Giang), Long Phú (Sóc Trăng), Dầu Tiếng (Bình Dương), Hóc Môn, Củ Chỉ (TP.HCM)... CLB đã được Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh, Bình Dương tổ chức thu âm, ghi hình và phát sóng.
Anh Lưu Kim Hải cho biết: “Nhờ hoạt động đều tay của CLB mà phong trào ĐCTT-CL của huyện phát triển khá sâu, rộng. Hiện nay, toàn huyện có 10 tụ điểm ĐCTT-CL sinh hoạt dưới hình thức quán cà phê, quán ăn, tụ điểm ca nhạc. Hằng năm, vào dịp tết cổ truyền, Gò Dầu đều tổ chức thi giọng hát hay toàn huyện. Ngoài ra, mỗi năm, huyện đều tổ chức ĐCTT-CL gây quỹ Vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết ở hai xã. Ngày 7.1.2011, sẽ tổ chức ĐCTT-CL gây quỹ Vì người nghèo ở xã Hiệp Thạnh. CLB cũng mở lớp dạy ca, dạy đờn miễn phí để góp phần đào tạo thế hệ trẻ cho huyện. Lớp hoạt động vào thứ bảy, chủ nhật/tuần, mỗi lớp có khoảng 10 học viên theo học”. Không chỉ đờn và ca tài tử cải lương, những năm qua, một số người yêu thích ĐCTT-CL ở Gò Dầu còn sáng tác được nhiều bài vọng cổ ca ngợi về quê hương của mình như: “Bên dòng sông Vàm” của Hoàng Sến, “Vàm Trảng quê em” của Lư Kim Hải, “Bà mẹ Tầm Lanh” của Bảo Châu... Những bài hát này đã được thu đĩa VCD, CD phục vụ Đại hội Đảng bộ và nhân dân trong huyện.
ĐẠi Dương