BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sức sống không tật nguyền

Cập nhật ngày: 11/04/2010 - 05:44

 

Ông Thìn đi bán vé số

Nhiều người dân ở Thị xã và Hoà Thành đã quen với hình ảnh một người đàn ông bị liệt hai chân, ngồi trên mảnh ván có gắn bánh xe, di chuyển bằng tay, len lỏi trên các nẻo đường mời chào vé số. Cả thân hình của ông đặt trên tấm ván đẩy cao chỉ hơn nửa mét. Giữa trưa nắng chang chang, ông và chiếc xe đẩy tự chế lọt thỏm giữa dòng người qua lại trên phố. Khách mua vé số lúc nào cũng thấy nụ cười rất tươi thường trực trên môi ông.

Người đàn ông có thân hình nhỏ thó, cột sống cong vẹo và đôi chân tật nguyền ấy tên là Nguyễn Giáp Thìn, sinh năm 1952, nhà ở ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành.

Đường vào nhà ông hun hút đất đỏ. Mấy hôm nay ông bị cảm nắng, nằm bẹp một chỗ. Đứa con gái út của ông tan học là vội chạy về lo cho cha. Nằm ở nhà gọi là dưỡng bệnh, nhưng ông vẫn tính chuyện này, sắp đặt chuyện kia. Ông lo nhất là mấy hôm nay đã phải tiêu xài thâm lạm vào số tiền mượn của đại lý vé số.

 Bị liệt, teo rút hai chân từ năm 3 tuổi sau một cơn bạo bệnh, sau đó cột sống cũng bị cong vẹo, thuở ấy, đã nhiều phen cậu bé Thìn chảy nước mắt khi thấy các bạn cùng lứa chạy nhảy chơi đùa. Nhà có 8 anh em trai, nhìn các anh em ngày càng lớn, khoẻ mạnh, Thìn càng trăn trở về tương lai của mình, về những gì mình có thể làm để không trở thành gánh nặng cho gia đình.

Vì thương con tật nguyền, cha mẹ Thìn chỉ muốn ông ở nhà, an phận và chấp nhận số phận. Tuy nhiên, cậu bé đã xác định: phải dấn thân tìm cuộc sống cho mình. Khởi nghiệp là nghề chế tác bình bông từ vỏ đạn đồng, năm đó Thìn 16 tuổi. Sau đó đến nghề đương bồ. Thìn nhận thấy, những nghề này không thể giúp mình tự lo thân và lo cho gia đình, cậu bé quyết định ra đi. Điểm đến đầu tiên là tỉnh Bến Tre. Ở đây, Thìn làm nghề chở hàng thuê cho các điểm mua dừa sấy khô, ép dầu. Phương tiện là chiếc xe đạp tự chế, quay bằng tay để di chuyển. Mỗi ngày, Thìn làm một vài chuyến từ Bến Tre qua Tiền Giang và ngược lại. Nhưng không phải ngày nào cũng có việc và có tiền, có ngày chỉ kiếm được hơn một lít gạo. Cha Thìn tìm đến tận nơi đón con trai về. Nhưng Thìn đã nói với cha: “Phải làm việc con mới sống được. Dù sao, con cũng là một người đàn ông, con không muốn làm gánh nặng cho gia đình”. Không lay chuyển được con, người cha đành gạt nước mắt ra về.

Một thời gian sau, nghề sấy dừa ép dầu gặp khó khăn, Thìn di chuyển đến tận Hà Tiên tìm việc làm. Ở đây, anh đi mò củi tràm đem bán, phải đi xuồng vào tận núi Tà Đéc, mang theo chỉ cơm khô với muối trắng, kiếm được đầy xuồng củi mới về. Trong những năm tháng lao động cực khổ nơi xứ người, thỉnh thoảng Thìn vẫn vui vẻ hát cho anh em bạn bè lao động nghe. Anh hát tân nhạc rất hay, tiếng hát ấy đã làm xúc động một phụ nữ người Campuchia giỏi buôn bán ở Hà Tiên. Cô đã giúp anh tập tành buôn bán vải và một số mặt hàng khác. Thế nhưng sau đó, Thìn lại về Bến Tre, để gặp một cô gái mình thương thầm nhớ trộm, tên Nguyễn Thị Lệ. Trước kia, nhà Lệ làm dừa sấy, anh quen cô khi chở dừa cho nhà cô. Không chê anh tật nguyền, Lệ cũng đáp lại tình cảm của anh. Hai gia đình tác hợp, hai người nên duyên chồng vợ và có với nhau 6 người con.

Từ khi có gia đình, Thìn càng ra sức làm lụng, không từ bất cứ việc gì. Anh sắm xuồng đi thu mua ve chai tận miền Tây, rồi đi bán vé số. Năm 2003, Thìn đưa vợ con về Tây Ninh để chăm sóc người mẹ đã già yếu (cha anh đã mất trước đó). Về lại Tây Ninh, Thìn lại bán vé số. Mỗi ngày, chặng đường anh qua ít nhất 30km. Ngày nào khoẻ, đi nhiều hơn. Anh bảo, nhiều khách hàng tin rằng mua vé số của Thìn sẽ gặp may mắn bởi lúc nào anh cũng tươi cười. Ôn chuyện cũ, người đàn ông tật nguyền tâm sự: “Không phải không có những lúc buồn nản, nhưng nếu tui buông xuôi, vợ con biết dựa vô ai”.

Cách đây hơn 9 năm, vợ ông Thìn có một số biểu hiện bệnh thần kinh nên đã về sống với gia đình ở Bến Tre. Dù cuộc sống chưa ngày nào bớt nhọc nhằn, ông vẫn không ngừng tự động viên mình và các con phải cố gắng. 5 người con lớn của ông đã nghỉ học sớm để đi làm vì không muốn cha thêm cực nhọc, dù bị cha phản đối. Đây cũng là điều làm ông day dứt mãi. Đến nay, 3 người con gái lớn của ông đã yên bề gia thất, hai người con trai đã đi làm ở Bình Dương, chỉ còn cô con gái út đang học lớp 7, Trường THCS Trường Tây. Ông quyết tâm cho con gái út học tới đại học, bao nhiêu hy vọng, ước mơ của đời người, ông đặt cả vào cô bé này. Sợ đến lúc con vào đại học, mà mình đã già yếu, không thể lo được nữa, ông đã mua bảo hiểm cho con, mỗi tháng ráng nhín nhút đóng 200.000 đồng. Được cái, cô con út tên Thuỳ rất chăm, ngoan, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi. Sau giờ học, em vội trở về nhà quán xuyến gia đình thay mẹ. Ước mơ lớn nhất của Thuỳ là trở thành bác sĩ. Em cho biết, sẽ cố gắng hết sức để thực hiện ước mơ của mình, cũng là ước mơ của cha.

Ông Thìn chỉ con gái học bài

Thời gian hiếm hoi ở nhà, ông Thìn thường chuyện trò, tâm sự với con, chỉ bảo con học bài. Kể về thành tích học hành của con gái, gương mặt ông sáng lên, vẻ tự hào. Ông kể, ngày xưa đi học, ông thích nhất là những tiết học bình giảng về thơ. Ông đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ ông thích từ khi còn đi học: Núi kia ai đắp mà cao/ Sông kia bể nọ ai đào mà sâu/ Từ Nam Quan đến mũi Cà Mau/ Non sông gấm vóc nghèo giàu của chung/ Chúng ta dù Bắc, Nam, Trung/ Cùng nòi giống Việt ta cùng mến thương.

Không có được đôi chân lành lặn, khoẻ mạnh như bao người nhưng ông đã bôn ba lặn lội nhiều nơi để tự lo mưu sinh và làm việc cật lực để lo cho gia đình, luôn là chỗ dựa vững chắc cho vợ con- điều mà không phải người đàn ông khoẻ mạnh nào cũng làm được. Dù cuộc sống chưa bao giờ nguôi nhọc nhằn, nhưng ông chưa bao giờ có ý buông xuôi, đầu hàng số phận. Với ông, chính sự chăm chỉ lao động mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Nghị lực chính là đôi chân vững vàng nhất của con người .

Hồng Minh