Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sức sống mới đình Thanh Phước
Thứ sáu: 00:03 ngày 05/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hầu như tất cả mọi người đến thăm đình đều được vui lòng. Đình được tôn tạo xong vào cuối năm 2023.

Thật chẳng có mấy công trình cổ được tôn tạo trùng tu kỹ càng như ở đình Thanh Phước. Hầu như tất cả mọi người đến thăm đình đều được vui lòng. Đình được tôn tạo xong vào cuối năm 2023. Vậy nên mọi người yêu mến văn hoá dân gian đều tìm về thị trấn Gò Dầu trong dịp lễ Kỳ yên, diễn ra 3 ngày 16, 17 và 18 tháng 2 âm lịch tại đình Thanh Phước.

Cúng lễ ở đình Thanh Phước.

Không chỉ là người dân Thị trấn và các xã trong huyện; các ban Hội đình từ các huyện, thị khác đều nô nức đến. Khăn đóng áo dài, các tà áo dài tha thướt của các chị, các cô với đủ màu rực rỡ khiến cho đình Thanh Phước trở nên tràn ngập những niềm vui.

Mà, không vui sao được khi ngôi đình vừa được thay áo mới. Hồn cốt thì vẫn như xưa, nhưng tất cả các cấu kiện và chi tiết kiến trúc đã trở lại tươi trẻ đầy sức sống thanh xuân. Đấy là các hàng cột gỗ quý lớn hơn một người ôm trong gian chánh điện. Nhỏ hơn một chút là các cột gỗ trong từng gian, từng lớp của đình làng. Cho dù cột lớn nhưng trông vẫn thanh nhã, dịu dàng bởi cột nào cũng tròn vo, màu nâu đỏ óng ánh nước sơn mài bóng láng.

Đấy là những lớp mái lớp ngói móc đều tăm tắp trên những hàng rui mè gỗ điệp màu với cột. Đấy còn là toàn bộ nền đình đã được lát bằng thứ gạch tàu “viglacera” óng đỏ, thâm trầm. À quên! Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến cột và tường. Tường phẳng sơn “B” sơn màu trắng ngà và xanh da trời trang nhã. Cột là các trụ áp tường. Với các đầu cột vuông loe ra bằng các đường gờ chỉ mịn màng. Những ô cửa sổ hai bên là những vòm cong rộng thoáng tràn trề gió và ánh sáng. Tất vả đều hài hoà, phụ hoạ bên nhau, làm không gian nội thất của đình được sáng bừng lên.

Không gian ấy vài ngày lễ Kỳ yên lại còn được trang hoàng rực rỡ, bởi các tràng, khóm hoa tươi kết hình long, lân, quy, phụng. Không gian ấy còn được bừng sáng lên với vô vàn các bàn, các mâm đĩa chưng đầy hoa quả phẩm dâng lên cúng thành hoàng…

Qua gian tiền tế vào tới chính đình, càng vào càng thấy rực rỡ và thu hút. Dĩ nhiên, điểm cuối và cũng là chính yếu nhất chính là phần hậu cung thờ thành hoàng. Thật là rực rỡ vàng son, với các bộ bao lam (cửa võng) thếp vàng mô tả cảnh rồng chầu, phượng múa. Các vách ngăn gỗ quý bao quanh với các ô cửa nhỏ, làm tăng thêm phần kín đáo và trang trọng của “hậu cung”. Trên vách gỗ sau cũng là khánh thờ với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo thếp vàng. Chính giữa là pho tượng thành hoàng. Và phía sau ngài, nổi bật một đại tự chữ thần vàng rực trên nền son tươi với các đường viền vàng lấp lánh. Trên hai cây cột trước của bộ tứ trụ, nổi bật đôi câu đối đã được khắc bằng chữ Việt. Chữ màu vàng nổi trên nền son đỏ. Bên phải là:- Thành hoàng hiển hách, giúp dân Thanh Phước mãi an khang. Còn bên trái: - Bổn cảnh ngời sáng, linh địa Tây Ninh lạc nghiệp lâu dài. Ta cũng có thể xem lại đôi liễn đối xưa viết bằng chữ Hán, nay được phân âm bằng dòng chữ khắc trên miếng đồng nhỏ gắn ngay cạnh đôi liễn đối. Đấy là:

- Thành hoàng Bổn cảnh tý dân Thanh Phước an khang.

- Bổn cảnh phong quang, linh địa Tây Ninh trường lạc nghiệp.

Về thực chất, hai cặp liễn đối trên có cùng ý nghĩa. Chỉ là do người sau đã “Việt hoá” hoàn toàn, nên câu đối bị dài ra tới 12 âm tiết (thay vì 10 âm tiết trong câu đối cũ). Mặt khác cũng còn một cụm từ chưa sát, nghĩa với nhau. Đấy là “hiển hách” trong liễn đối mới và “bổn cảnh” trong liễn đối cũ (vế đầu trong liễn đối).

Không chỉ có kiến trúc, với cột kèo xiên trính vẫn giữ nguyên kết cấu gỗ như xưa. Mà ngay cả những vật dụng dùng trong nghi lễ cúng Kỳ yên cũng đã được trùng tu. Đẹp nhất phải kể đến là chiếc chiêng treo trên giá gỗ. Vẫn là chiêng, để cùng với trống và mõ, nổi âm thanh lên để giữ nhịp cho trang trọng lễ Kỳ yên.

Chiêng nay đã có gương mặt của trống đồng, với các hoạ tiết của bầy chim lạc, hươu, nai xoay tròn óng ánh màu đồng nổi lên giữa nền sơn mài màu đen huyền bí. Trống cũng vậy. Mặt da đã có thêm những hoạ tiết chim bay trên mặt trống đồng. Tang trống óng ả phủ một lớp sơn mài vẽ hình rồng, phượng lẩn trong mây. Chỉ có cây mõ là vẫn nguyên vẹn dáng hình. Chỉ khác là đã khoác lên màu sơn son đằm thắm.

Chợt nhớ lại một lần ghé đình Thanh Phước vài năm trước. Khi ấy đã thấy ngôi đình có vẻ tàn tạ, mỏi mệt sau cả gần trăm năm mưa nắng. Nhất là ngôi võ ca. Đây cũng là ngôi võ ca duy nhất trong các ngôi đình Tây Ninh, được chuyên dùng làm nơi biểu diễn của các đoàn hát bội mỗi dịp lễ Kỳ yên. Hai mươi cây cột gạch xây vẫn còn đứng được, nhưng các cây xiên, trính và các bộ vì kèo đỡ mái đã bị hư mục nhiều chỗ. Dù vậy đây vẫn là chỗ để các em nhỏ quanh vùng đến chơi cuối dịp hè về.

Ngày nay, cái không gian 3 nhịp, 3 gian kích thước mặt bằng vuông mỗi bề 13m20 ấy đã thật vững vàng, cứng cỏi hơn xưa. Hàng lan can thấp là nơi các em ngồi chơi vẫn còn đó! Nhưng những cây xiên gỗ cong queo đã được thay bằng đà bê tông cốt thép liên kết chặt chẽ các đầu cột. Sân khấu cũng được kiên cố hoá và trang trí thêm trướng đỏ, màn nhung. Phân nửa phía sau võ ca, kết hợp với khoảng hành lang rộng 5m phía trước trở thành “phòng khán giả” cho những ai mê say hát bội trong đêm rộn rã cúng đình.

Từ xưa, ngôi đình làng đã được coi là ngôi nhà chung của cộng đồng nông thôn, nông nghiệp. Cho dù đô thị hoá, thì quan niệm này vẫn tỏ ra bền vững ở các vùng đã trở thành phường, phố Tây Ninh. Đình Thanh Phước còn có tục lệ chia tặng xôi cho khách và bà con có nhu cầu trong thị trấn. Dưới mái đình hôm nay đã vững chắc, đẹp và bừng sáng; những câu chuyện nhân văn đẹp đẽ này càng được toả lan xa.

Trần Vũ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục